Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội quy trách nhiệm trong điều hành xuất gạo và giá thịt heo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội quy trách nhiệm trong điều hành xuất gạo và giá thịt heo

Vân Ly

(TBKTSG Online) – Các đại biểu Quốc hội đã có nhiều góp ý cho hoạt động điều hành của các bộ ngành khi thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 13-6. Trong đó, nổi bật là yêu cầu tính chịu trách nhiệm về tình trạng giá thịt heo bị đẩy lên cao và lúng túng trong xuất khẩu gạo thời gian vừa qua.

Theo chương trình làm việc, ngày 13-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về  Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Quốc hội quy trách nhiệm trong điều hành xuất gạo và giá thịt heo
Đại biểu Quốc hội Quảng Trị, ông Hoàng Đức Thắng phát biểu trước Quốc hội sáng 13-6. Ảnh: Quốc hội

Trách nhiệm khi giá thịt heo cao, điều hành xuất khẩu gạo lúng túng

Nói về xuất khẩu gạo gần đây, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, ông Hoàng Đức Thắng cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu lương thực trên thế giới tăng mạnh, nhiều quốc gia tăng dự trữ khiến thị trường xuất khẩu gạo sôi động. Giá gạo thế giới tăng gần đây cũng là cơ hội vàng cho xuất khẩu gạo của nước ta.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua thiếu đồng bộ, nhất quán và lúng túng. Vào 0 giờ ngày 24-4-2020, Tổng cục Hải quan đã mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động để doanh nghiệp xuất khẩu gạo đăng ký tờ khai gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thanh tra việc điều hành xuất khẩu gạo để có biện pháp xử lý nghiêm nếu có vi phạm. Ông Thắng rất mong Chính phủ sớm có kết luận vụ việc này và đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực hiện. Nếu cần thiết, Chính phủ có thể thành lập ban chỉ đạo rà soát, đánh giá, cân đối nhu cầu sử dụng gạo, để tranh thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo khi nhu cầu sử dụng và giá bán tăng cao nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực và dự trữ quốc gia.

Cùng chung quan điểm nêu trên, bà Nguyễn Thị Xuân, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, cho rằng: “Với việc mất cân đối cung cầu thịt lợn, giá thịt lợn bị đẩy lên cao trong gần một năm qua, cùng với sự lúng túng, thiếu nhất quán trong đề hành xuất khẩu gạo. Các Bộ có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này.”

Còn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Văn Hòa đề nghị, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn lợn trong nước. Vì sau khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, nhiều địa phương mất trắng đàn, đến nay thiếu có vốn để tái đàn. Nhiều doanh nghiệp lớn không muốn cấp giống cho thị trường, do đó giá thịt lợn cao không đến được với người tiêu dùng. Ông Hòa hy vọng Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ để cuối năm nay, đầu năm sau, sản xuất, chăn nuôi trong nước sẽ được phục hồi trở lại như trước khi có dịch. Khi đó giá thịt lợn không bị tăng cao, không có hiện tượng doanh nghiệp găm hàng gây cháy giá thị trường.

Tạm dừng tăng lương nên được xem là giải pháp tình thế

Chia sẻ và nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tạm dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ, công chức. Song đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng Chính phủ chỉ nên coi đây là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ. Bởi bà cho rằng về tâm lý, đa số người hưởng lương từ ngân sách không hào hứng và chưa thật sự yên tâm về việc này. Trong khi lạm phát tăng, chỉ số giá tiêu dùng tăng làm giảm sức mua của người dân, việc giữ nguyên lương thực chất đã làm giảm giá trị của đồng lương.

Bà Xuân nói: “Giải pháp căn cơ trong tình hình hiện nay phải thực sự tiết kiệm trong chi tiêu, chống lãng phí, đầu tư công phải có trọng điểm, hiệu quả và đặc biệt, phải chống thất thu, chống thất thoát ngân sách nhà nước.”
Còn đại biểu Quốc hội của Quảng Bình, ông Nguyễn Ngọc Phương, cho rằng trong tình trạng dịch Covid-19, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, thua lỗ, nợ nần tăng cao, kéo theo nhiều lao động mất việc, thất nghiệp; nguồn thu quốc gia giảm nghiêm trọng; tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

“Dẫu rằng, Đảng đã có nghị quyết chiến lược phát triển kinh tế – xã hội; Thủ tướng gặp mặt, đối thoại chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và đề cập đến tình trạng doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, phiền hà, bắt nạt. Nhưng sau Thủ tướng vẫn có một số cá nhân, tổ chức thiếu đồng lòng trong thực hiện tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn,” ông Phương nói.

Thêm nữa ông Phương còn cho biết, không ít doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, khai thác khoáng sản xuất khẩu nhưng đề xuất, kiến nghị xin cấp phép xuất khẩu chưa được quan tâm giải quyết. Trong đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn vay vốn ngân hàng hàng nghìn tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị, đầu tư công nghệ phục vụ cho sản xuất, nhưng hàng hóa xuất khẩu không được xuất khẩu, tồn đọng trong kho quá lớn. Vốn liếng doanh tồn đọng, nguy cơ phá sản, Nhà nước không có cơ hội thu ngân sách. Không ít doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời và một số dự án khác vay vốn xây dựng kế hoạch đầu tư, có doanh nghiệp đã hoàn thành từ năm 2019, nhưng do vướng mắc của Luật Quy hoạch, dù đã có Nghị quyết của Quốc hội hướng dẫn thực hiện luật thì vẫn bị chậm, ngừng thực hiện.

Tập trung tăng cường giải ngân vốn đầu tư công

Trong khi đó, nguồn điện quốc gia thiếu, các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, các địa phương không hoàn thành mục tiêu kế hoạch nhiệm vụ trong nhiệm kỳ, nguồn thu ngân sách của quốc gia, địa phương hụt thu.

“Đoàn đại biểu Quốc hội đã có kiến nghị về việc này nhưng thực hiện khắc phục còn chậm. Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo xử lý, mở lối thoát cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo nguồn thu ngân sách,” ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, việc phòng, chống tham nhũng đang được làm tốt, nhưng phòng, chống lãng phí chưa tốt. Đặc biệt, với doanh nghiệp thua lỗ, nợ nần phá sản cần kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nào gây cản trở, khó khăn kiến doanh nghiệp phá sản, để tập trung xử lý.

Còn ông Phạm Đình Toản, đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cho rằng trong thu ngân sách nhà nước vẫn còn những hạn chế đã tồn tại nhiều năm cần tiếp tục khắc phục.

Về thu ngân sách, tỉ lệ huy động từ phí, thuế có xu hướng giảm, năm 2018 đạt 19,1%, thấp hơn mục tiêu là 21% trong giai đoạn này. Số vượt thu từ tăng thu sử dụng đất chiếm tỉ trọng lớn. Kết quả thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chưa đạt hiệu quả, thu nội địa chưa đạt mục tiêu 84 – 85% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Tình trạng chuyển giá, xác định sai chi phí số thu phải nộp đã xảy ra ở nhiều nơi, nợ đọng thuế phải xử lý thu hồi vẫn còn hàng chục nghìn tỉ đồng.

Về chi ngân sách nhà nước, ông Toản cho rằng chi thường xuyên vẫn có tỉ lệ cao, năm 2018 chiếm 65% cao hơn mục tiêu dưới 64%. Tình hình chấp hành kỷ luật ngân sách chưa nghiêm. Kết quả thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra nhiều sai phạm và phải xử lý số tiền lớn; chi cho đơn vị sự nghiệp vẫn còn rất lớn, chậm giải ngân đầu tư công có xu hướng chậm dần những năm gần đây. Nợ công tuy có giảm nhưng áp lực trả nợ công vẫn tăng, vẫn phải vay để trả nợ gốc.

Do đó, để đạt mục tiêu trong giai đoạn mới với nhiều khó khăn, ông Toản đề nghị, trong điều kiện nguồn thu ngân sách sẽ bị giảm trong năm nay cần làm tốt công tác dự báo, tiếp tục đánh giá, giám sát, thanh tra kiểm tra việc sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn thu ngân sách nhà nước, chống thất thu. Cần cụ thể hóa chủ trương giảm thu phải giảm chi tương ứng cùng các chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể và được kiểm soát tại kho bạc nhà nước, đăt mục tiêu tiết kiệm thêm tối thiểu 10% chi thường xuyên.

Thêm nữa, Chính phủ cần có giải pháp đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo số liệu vốn đầu tư công năm nay chuyển nguồn từ năm trước và kế hoạch năm 2020 rất lớn. Do đó cần sử dụng hết nguồn vốn đầu tư công của năm nay. Trong đó cần tháo gỡ vướng mắc gắn với trách nhiệm người đứng đầu và điều chuyển vốn kịp thời giữa các bộ, ngành, địa phương và các dự án. Thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp.

Đại biểu Phạm Đình Toản cũng đề nghị cần giảm chi từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế hoạch tự chủ của các đơn vị sự nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần, thực hiện lộ trình đánh giá đơn vị sự nghiệp. Nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, tối thiểu phải đạt dự toán thu ngân sách Trung ương từ việc cổ phần hóa trong năm nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới