Quốc hội thông qua Luật Quản lý ngoại thương
Vân Ly
![]() |
Quốc hội thông qua Luật Quản lý ngoại thương. Ảnh chụp màn hình tivi: Vân Ly |
(TBKTSG Online) - Chiều 12-6, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý ngoại thương với 433/438 đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua, chiếm 88,19%.
Luật Quản lý ngoại thương gồm 8 chương, 113 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018. Luật quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.
Đối tượng áp dụng là cơ quan quản lý nhà nước, thương nhân tham gia hoạt động ngoại thương và tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác có liên quan.
Trước khi các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua luật trên, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý ngoại thương.
Ông Thanh cho biết, ngày 25-5, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14, Quốc hội đã cho ý kiến tại hội trường về dự án Luật Quản lý ngoại thương. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý ngoại thương và dự thảo Luật.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Các chỉnh lý dự thảo luật
Về chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện chỉ định thương nhân để tránh tạo cơ chế "xin - cho" và hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các thương nhân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ý kiến này, trong quá trình xây dựng luật đã có cân nhắc nhiều nội dung về cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thương nhân. Điều 27 dự thảo Luật đã quy định cụ thể các loại hàng hóa được chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu, nguyên tắc chỉ định phải đảm bảo công khai, minh bạch, bảo đảm quyền, lợi ích của nhà nước và quyền lợi ích của thương nhân được chỉ định thực hiện hoạt động ngoại thương. Tiêu chí, điều kiện cụ thể chỉ định thương nhân phụ thuộc vào từng loại hàng hóa được chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu nên luật giao Chính phủ quy định chi tiết là phù hợp và bảo đảm linh hoạt, thuận lợi.
Ông Thanh cho biết, về nguyên tắc quản lý hoạt động quá cảnh hàng hóa (Điều 45), có ý kiến đề nghị làm rõ các trường hợp hàng hóa quá cảnh được tiêu thụ nội địa (tại Khoản 5 Điều 46) đề nghị quy định theo hướng trong trường hợp đặc biệt, hàng hóa quá cảnh khi tiêu thụ nội địa phải thực hiện theo các quy định của luật này và các luật có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, chỉnh sửa tại Khoản 5 Điều 45 của dự thảo luật.
Về đại lý mua bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài (Tiểu mục 3 Mục 6 Chương II), có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý hoạt động ngoại thương đối với thương nhân nước ngoài không có hiện diện ở Việt Nam vì thực tế hoạt động mua bán này rất phức tạp, các quy định pháp luật hiện hành về quản lý hoạt động của thương nhân nước ngoài không hiện diện ở Việt Nam chưa đầy đủ dẫn đến việc xử lý khó khăn.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Khoản 3 Điều 5 của dự thảo luật đã quy định thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam có quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), quyền này không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu; quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam.
Về quản lý hoạt động nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài (Điều 51), có ý kiến đề nghị bổ sung một khoản với nội dung như sau: “Cấm nhận gia công hàng hóa đối với hàng hóa thuộc các trường hợp được nêu trong Khoản 1 Điều 41 của Luật này để ngăn ngừa trường hợp thương nhân lợi dụng nhận gia công để đưa các hàng hóa độc hại vào gia công tại Việt Nam gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của con người”.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các quy định tại Khoản 1 Điều 40 của dự thảo luật được áp dụng với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu do đây là hoạt động không gắn với sản xuất, không làm thay đổi đặc tính của hàng hóa. Hoạt động gia công hàng hóa là hoạt động sản xuất, làm thay đổi đặc tính của hàng hóa và sẽ xuất khẩu các hàng hóa đó cho đối tác đặt gia công. Để thực hiện sản xuất hàng hóa, thương nhân đã phải đáp ứng các điều kiện cụ thể liên quan đến hàng hóa, lĩnh vực đó và các sản phẩm của quá trình gia công phải tái xuất hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội giữ như quy định tại dự thảo Luật.
Vẫn theo ông Thanh, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung một điều quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của hiệp hội thương mại tham gia trong quá trình điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến như sau: Hiệp hội thương mại tham gia vào quá trình điều tra đã được quy định cụ thể trong các điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật, như Điều 74, Điều 76. Việc hiệp hội là bên liên quan trong vụ việc điều tra đã thể hiện sự tham gia của Hiệp hội trong suốt quá trình điều tra vụ việc.
Về giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương (Chương VII), có ý kiến đề nghị xem xét Khoản 1 Điều 112 vì theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, cơ chế ủy quyền được quy định trong dự thảo luật không phải là tập thể Chính phủ mà cơ chế này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng Chính phủ phân công bộ, cơ quan ngang bộ tham gia giải quyết tranh chấp liên quan đến các biện pháp ngoại thương tại Khoản 1 Điều 109 của dự thảo luật.