Thứ ba, 5/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội: tỷ lệ che phủ rừng đạt 41% diện tích cả nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội: tỷ lệ che phủ rừng đạt 41% diện tích cả nước

Vân Ly

Quốc hội: tỷ lệ che phủ rừng đạt 41% diện tích cả nước
Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đạt 41% diện tích cả nước. Ảnh: Báo Tài nguyên-Môi trường

(TBKTSG Online) – Hiện tỷ lệ che phủ rừng ở Việt Nam đang ở mức cao, đạt trên 41% diện tích cả nước. Và tỷ lệ này đã không ngừng được nâng cao trong gần hai chục năm qua. Giai đoạn 1990-1991 đất trống, đồi núi trọc còn nhiều, tỷ lệ che phủ rừng rất thấp, chỉ dưới 28%.

Thông tin trên được ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết tại phiên họp chiều 24-10 của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14.

Đây là thông tin đáng quan tâm trong bối cảnh tình trạng lũ lụt thiên tai gần đây xảy ra ngày càng nhiều trên cả nước mà không ít ý kiến cho rằng do tác động của tình trạng chặt phá rừng bừa bãi.

Ông Dũng, đại diện cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Ông cho hay, qua hơn 13 năm thực thi Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tỷ lệ che phủ rừng nước ta đã không ngừng được nâng cao. Ngành lâm nghiệp đã trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật với sản lượng gỗ rừng trồng đạt 17,3 triệu mét khối (2016). Xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ tới trên 100 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch từ 2,8 tỉ đô la Mỹ (2008) lên 7,3 tỉ đô la Mỹ (2016), đưa nước ta trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu các mặt hàng này.

“Phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi lần này đã quy định điều chỉnh toàn bộ các hoạt động từ quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý hoạt động lâm nghiệp theo chuỗi giá trị để thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, trồng, cải tạo, làm giàu rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, bảo vệ môi trường cho du lịch sinh thái”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ liên quan, ủy ban nhân dân các cấp về lâm nghiệp; bổ sung quy định về trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng, phá rừng...

Tiếp thu các ý kiến trên, dự thảo luật đã chỉnh sửa, bổ sung các nội dung quản lý nhà nước về lâm nghiệp vào trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (Điều 106) và trách nhiệm ủy ban nhân dân các cấp (Điều 107); bổ sung quy định trách nhiệm chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi, lĩnh vực địa bàn mình quản lý và thể hiện như tại khoản 4 Điều 107 của dự thảo luật.

Ngoài các nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu về việc cần quy định rõ trong dự thảo luật chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và chế độ, chính sách đối với lực lượng kiểm lâm để đảm bảo thực thi nhiệm vụ được giao; quy định về hệ thống tổ chức, chế độ chính sách đối với lực lượng kiểm lâm; về giao rừng, cho thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên...

Tại kỳ họp trước, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các ủy ban liên quan và cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để có báo cáo trước Quốc hội cho ý kiến vào hôm nay.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật trình Quốc hội gồm 12 chương, 114 điều, tăng thêm 17 điều so với dự thảo Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới