Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội yêu cầu Chính phủ đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội yêu cầu Chính phủ đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế

Tư Hoàng

Quốc hội yêu cầu Chính phủ đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế
Tái cơ cấu kinh tế cần được đẩy nhanh và thực chất. ảnh TH

(TBKTSG Online) – Quốc hội đã đồng thuận cao khi thông qua một Nghị quyết yêu cầu Chính phủ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế từ nay đến cuối năm 2015 tại phiên họp cuối cùng vào chiều nay 28-11.

Nghị quyết về giám sát thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng nhận xét, mô hình tăng trưởng mới chưa thực sự định hình; tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa có chuyển biến mang tính đột phá; một số giải pháp hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu chưa mang lại hiệu quả, chưa thật sự phối hợp chặt chẽ với các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Việc xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng còn chậm…

Về hệ thống ngân hàng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc đọc tờ trình của Nghị quyết cho biết, Quốc hội yêu cầu sắp xếp, tổ chức cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% trong tổng dư nợ.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế hoạt động của Công ty quản lý tài sản của tổ chức tín dụng (VAMC), khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo, phát triển thị trường mua bán nợ.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với tổ chức tín dụng, giám sát chặt chẽ vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo, xử lý kịp thời các vi phạm và ngăn chặn rủi ro phát sinh. Cuối năm 2015 cơ bản kiểm soát sở hữu chéo, đầu tư chéo theo quy định của pháp luật.

Về cải cách doanh nghiệp nhà nước, Nghị quyết yêu cầu hoàn thành theo tiến độ kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, quan tâm giải quyết tốt vấn đề lao động dôi dư; nâng cao hiệu quả của cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước theo hướng tách chức năng chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước.

Tăng cường giám sát tài chính, giám sát hoạt động và đổi mới đội ngũ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Thực hiện kế hoạch và lộ trình cổ phần hóa đối với loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xã hội phát triển.

Nghiên cứu đề xuất kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu được từ quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước để đầu tư cho một số dự án, công trình cấp bách, giảm gánh nặng nợ công, báo cáo Quốc hội.

Liên quan đến đầu tư công, Nghị quyết yêu cầu xây dựng, triển khai các đề án cụ thể và hệ thống chính sách khuyến khích thu hút đầu tư ngoài nhà nước nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, thay dần một phần quan trọng cho đầu tư công. Hoàn thiện và triển khai mạnh các hình thức hợp tác công tư (PPP).

Tiếp tục rà soát, đầu tư dứt điểm các công trình, dự án đầu tư công có hiệu quả kinh tế – xã hội đang dở dang; tập trung đầu tư cho khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Không để phát sinh nợ đọng đối với nợ xây dựng cơ bản. Đổi mới, hiện đại hóa công tác quản lý thông tin, dữ liệu đầu tư công.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ xác định rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước trong việc chậm thực hiện hoặc thực hiện không đúng các đề án tái cơ cấu đã phê duyệt.

Bên cạnh đó, Chính phủ được yêu cầu cải cách mạnh mẽ hành chính công và tài chính công theo hướng làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng ngành, từng cấp; nâng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của người đứng đầu bộ, ngành và chính quyền địa phương; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và sử dụng tài chính công.

Chính phủ theo chức năng của mình tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao Nghị quyết này và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2015.

Xem thêm:

Đến 2014, tái cơ cấu vẫn còn là kỳ vọng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới