Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội yêu cầu Chính phủ hạn chế nợ xấu do Covid-19, bất động sản

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ phải hạn chế nợ xấu phát sinh, nhất là do ảnh hưởng của Covid-19, bất động sản... tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 14 đến 26-4.

Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày 14-4. Ảnh: Quốc hội

Tại phiên họp ngày 14-4, đại diện Chính phủ đã trình bày báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Sau khi được ban hành, Nghị quyết đã mang lại chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý ngân hàng yếu kém. Trên cơ sở tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thảo luận kỹ lưỡng, tập trung cho ý kiến đánh giá ý nghĩa, vai trò của Nghị quyết; kết quả thực hiện thời gian qua nhất là kết quả xử lý nợ xấu, tổng số nợ xấu được xử lý, làm rõ thêm nợ xấu phát sinh mới, xem xét trách nhiệm các cơ quan trong thực hiện Nghị quyết. Từ đó xem xét các đề xuất kiến nghị có kéo dài hay không và kéo dài bao lâu, thủ tục xem xét quyết định.

Tại phiên họp thứ 10 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc ban hành Nghị quyết này của Quốc hội nhằm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 09 ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Về các dự án luật dự kiến trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 3 tới (gồm dự án Luật Dầu khí sửa đổi, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, dự án Luật Thanh tra sửa đổi, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận cho ý kiến một cách toàn diện về các dự án luật này gồm sự cần thiết ban hành, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế, các nội dung còn ý kiến khác nhau...

Liên quan đến nội dung cho ý kiến về việc ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là nội dung được các chủ thể chịu sự tác động rất quan tâm từ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước. Đây là nội dung chưa có luật, có tính chất quan trọng, nhạy cảm, tác động đến quyền công dân. Do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng, hết sức trách nhiệm...

Ngoài ra, để tiếp tục nâng cao hiệu quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tiếp công dân, xử lý đơn thư, tiếp nhận giải quyết kiến nghị cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3-2022...

1 BÌNH LUẬN

  1. Nợ xấu là câu chuyện tất yếu của mọi nền kinh tế. Nhưng chất lượng quy trình xử lý nợ xấu mới là câu chuyện quan trọng hơn. Chất lượng này phụ thuộc vào hành lang pháp lý và có tác động ảnh hưởng lâu dài. Nếu xử lý nợ xấu bằng luật, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả, thì sẽ hoàn toàn khác với xử lý bằng nghị quyết. Đây là vấn đề Quốc hội phải cân nhắc quyết định vì sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính ngân hàng, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới