Thứ ba, 18/03/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quốc hữu hóa ngân hàng là không thể tránh khỏi?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hữu hóa ngân hàng là không thể tránh khỏi?

Việc Citigroup được nhà nước kiểm soát làm dấy lên tranh luận về quốc hữu hóa ở Mỹ.

(TBKTSG Online) – Nghiệp đoàn AFL-CIO của Mỹ đã chuyển lên Tổng thống Barack Obama một báo cáo đề nghị quốc hữu hóa các ngân hàng như là cách để nối lại chuyện cho vay và hồi phục kinh tế. Tuy nhiên, yêu cầu này khó nhận được sự thống nhất, theo L’Expansion.

Ngày 28-2, khi trả lời phỏng vấn của Le Monde, giáo sư Nouriel Roubini của trường Thương mại Stern (Đại học New York), cho biết ông ủng hộ quốc hữu hóa ngân hàng tạm thời. Vài ngày sau đó, cuộc tranh luận này đã vượt qua một giai đoạn mới, khi nghiệp đoàn AFL-CIO đại diện cho 10 triệu người lao động đã đề nghị chính phủ nên chuyển sang hành động.

Theo một bài báo trên tờ New York Times, nghiệp đoàn này cho rằng Tổng thống Obama đã tỏ ra quá khoan dung với các cổ đông và chính phủ sẽ không thành công với chiến lược buộc các ngân hàng cho vay, điều kiện tiên quyết của biện pháp hồi phục kinh tế.

Tại đất nước của chủ nghĩa tư bản, “quốc hữu hóa” là thuật ngữ mọi người đều tránh nhắc đến. Người ta thích dùng từ “dưới sự giám hộ” hơn dù Freddie Mac, Fannie Mae, Ngân hàng Indymac và tập đoàn bảo hiểm đã được quốc hữu hóa trước khi ông Obama nhậm chức. Nhưng việc Citigroup mới đây được đặt “dưới sự giám hộ” của chính phủ đã đặt lại cuộc tranh luận về vấn đề trên.

Một mặt, Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner và Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed) Ben Bernanke cương quyết chống lại biện pháp như trên và hứa với mọi người rằng trường hợp Citibank chỉ là ngoại lệ, nhưng mặt khác, có những người, trong đó có các thành viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng ủng hộ sự lựa chọn dù không được ưa thích nhưng lại là không thể tránh khỏi.

“Với tư cách là cựu bộ trưởng tài chính của Tổng thống Ronald Reagan, tôi kinh tởm chuyện chính phủ kiểm soát một phần hoặc toàn bộ, dù chỉ là tạm thời. Nhưng khổ thay, có lẽ chúng ta không có sự lựa chọn khác”, ông James Baker giải thích trên tờ Financial Times.

Cần phải quốc hữu hóa

Nếu quốc hữu hóa là không thể tránh khỏi, vấn đề là phải xem khái niệm này được hiểu như thế nào. Nó sẽ không phải là lý tưởng hóa. Nhà báo kinh tế David Leonhardt giải thích trên tờ New York Times rằng những người ủng hộ ở Mỹ không nghĩ rằng chính phủ sẽ đủ sức điều hành các công ty lớn một cách vô tư và công bằng. Những người này có trong đầu một giải pháp rất tạm thời, được biện minh duy nhất bởi cuộc khủng hoảng.

Nhưng ngay cả trong ngắn hạn, cũng phải cần quốc hữu hóa. Trên xã luận của tờ Financial Times, nhà báo John Kaye phân biệt rõ “đặc tính” của việc “kiểm soát”. “Cho đến nay, nhà nước đã tìm cách tổ chức khâu đầu tiên chứ không có khâu tiếp theo”, nhà báo này phân tích. Trường hợp của Citigroup là rõ nhất. 

Ngày 27-2, nhà nước tham gia hơn một phần ba vốn của ngân hàng này và chuyển các cổ phần ưu đãi nhưng không có quyền bỏ phiếu của mình thành cổ phần bình thường, trả thưởng ít hơn nhưng được quyền bỏ phiếu. Vụ này kèm theo sự xáo trộn của hội đồng quản trị vì phải tiếp nhận đa số các nhà quản trị độc lập. Vấn đề còn lại là tìm hiểu xem cuối cùng nhà nước có trọng lượng gì trong những quyết định chiến lược của ngân hàng để cho phép mình thúc đẩy Citigroup cho vay nhiều hơn. Thực tế không có gì đảm bảo điều đó.

Trên kênh truyền hình CNBC, Tổng giám đốc Vikram Pandit được giữ nguyên chức vụ đã nói thẳng rằng ban lãnh đạo ngân hàng sẽ tiếp tục đảm nhiệm việc quản lý hoạt động như bấy lâu nay. Thậm chí ông còn tuyên bố rằng sẽ điều hành “vì các cổ đông” trước khi thông báo những biện pháp hỗ trợ các khách hàng vừa mất việc làm.

Kiểm soát chiến lược nhiều hơn

Rõ ràng chính phủ đã can thiệp vào công việc nội bộ của các ngân hàng. Nhưng các biện pháp can thiệp này thường đóng khung ở những khía cạnh mang tính biểu tượng, thậm chí có người cho rằng chỉ nhằm lấy lòng dân chúng: áp đặt giới hạn tiền thưởng cho các lãnh đạo ngân hàng, hủy các hợp đồng đặt mua các chuyên cơ... Nhưng về chuyện tăng tiền cho vay, chính phủ không tỏ ra quyết liệt.

Báo cáo của nghiệp đoàn AFL-CIO cho rằng khi bơm tiền đúng thời hạn cho các ngân hàng mà không yêu cầu đổi lại gì cả, chính phủ đang bước vào con đường mà nước Nhật đã đi qua trong những năm 1990, con đường dẫn đến những ngân hàng sống dở chết dở và làm trì trệ nền kinh tế trong thời gian dài.

“Những ngân hàng sống dở chết dở này chỉ sống nhờ vào sự hỗ trợ ngầm của nhà nước, nhưng nó không thể đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế”, nhà kinh tế học Paul Krugman giải thích. “Ngân hàng cần phải có vốn nhiều hơn và nó sẽ không có được thông qua những nhà đầu tư tư nhân. Chỉ nhà nước mới có thể cung cấp vốn”.

Bản thân ông Alan Greenspan, theo một bài báo trên Economist, cũng nghĩ rằng tốt nhất là nên thông báo rõ chuyện quốc hữu hóa, bởi vì không gì tệ hại hơn đối với các thị trường bằng một tương lai không chắc chắn. Các nhà kinh tế học ủng hộ quốc hữu hóa nhắc lại rằng Thụy Điển đã thành công khi sử dụng giải pháp này trong những năm 1990.

Những người chống đối “xã hội hóa”, như Georges Soros, thì phản bác rằng khó có thể so sánh các hệ thống ngân hàng Thụy Điển và Mỹ. Họ khẳng định rằng việc quốc hữu hóa sẽ cực kỳ tốn kém: nếu một ngân hàng được quốc hữu hóa, các ngân hàng khác còn lại sẽ bị đánh giá là không an toàn và khách hàng cũng như nhà đầu tư sẽ bỏ đi, buộc nhà nước phải đến lượt quốc hữu hóa các ngân hàng này.

Dù cuộc tranh luận lý thuyết vẫn tiếp diễn, các thị trường tài chính chẳng chờ đợi để đưa ra những dự báo. Theo như tình trạng tụt giảm giá cổ phiếu của Bank of America và Wells Fargo vào ngày được đặt dưới sự kiểm soát của Citigroup, các thị trường trông chờ việc quốc hữu hóa bổ sung. Thay vì giúp họ an tâm, khả năng này làm dấy lên nhiều lo ngại.

“Đúng là chuyện mỉa mai. Chính phủ bảo rằng họ làm tất cả những gì có thể để sửa sai hệ thống nhằm khuyến khích đầu tư tư nhân vào các ngân hàng đang gặp khó khăn. Nhưng khi hành động như vậy, chính phủ chẳng còn chừa chỗ nào cho chính những nhà đầu tư tư nhân này”, chuyên gia Patrick O'Hare của trang web phân tích Briefing.com giải thích.

TẤN LỘC  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới