Thứ bảy, 3/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quốc văn giáo khoa thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc văn giáo khoa thư

(TBKTSG) - Cầm cuốn sách giáo khoa môn Văn các lớp lên coi, thấy một loạt những nhan đề bìa: Văn 6, Văn 7…Văn 12. Người coi có cảm giác đó là những cái tên thô mộc, không phù hợp với môn học, chỉ tiện lợi cho các nhà sách trong việc giao nhận hàng!

Bèn nhớ tuổi thơ ấu cắp sách tới trường - chứ không phải gùi cả một tiệm chạp phô sách trên lưng - sách dạy môn học này có cái tên trang trọng như chứa đựng chữ thánh hiền bên trong: Quốc văn giáo khoa thư! Tuy nhiên, nhan đề bìa dẫu sao cũng chỉ là hình thức bên ngoài, nay xin vọng cổ để nhớ lại bên trong của Quốc văn giáo khoa thư.

Con người, nhất là tuổi học trò, là một tổng thể của tâm hồn - phần nhạy cảm mà cách hiển thị là khả năng rung động và lý trí - cái chắt lọc đúng sai, cho nên cửa để đi vào chinh phục nó, đối với “Quốc văn không gì khác hơn là tâm hồn. Bởi trong văn, cái hay - đẹp quan trọng và cần hơn cái đúng - sai.

Trong Quốc văn giáo khoa thư có những câu chuyện rất cảm động mà không “quá hớp” với tuổi nhỏ. Chuyện “Chỗ quê hương đẹp hơn cả” kể rằng có một người bỏ làng quê tha phương cầu thực không chỉ vì muốn làm giàu mà còn do anh ta chán ghét làng quê của mình. Nhiều năm sau, người ấy trở thành đại phú gia hồi hương thăm quê cũ.

Thật là “áo gấm về làng”, bên cạnh người vợ tân thời là một đống hành lý nặng chịch được chất lên một cỗ xe song mã. Đại phú gia nhìn những con mắt ngưỡng mộ của các đồng hương mà lòng phấn chấn mãn nguyện bội phần (bài có đoạn tả cảnh nhà đại phú đi qua cổng làng, nhìn cây đa bến nước, cái đình, ngôi chùa - toàn cảnh làng quê xưa mà nay đô thị hóa nhiều nơi không còn).

Anh ta mở tiệc thiết đãi cả làng, từ các bậc trưởng thượng, các vị hào lý cho đến những kẻ ngu phu ngu phụ. Trong khi thù tạc, nhà đại phú kể về những bước thăng tiến của mình trong thương trường suốt bấy nhiêu năm và có ý chê người trong hương lý cả đời chỉ biết bám lấy cái cày con trâu cho nên nghèo vẫn hoàn nghèo vì phi thương bất phú! Rõ ràng là một con người thị phú khinh bần!

Giữa tiệc, có một ông già thuộc hàng chữ nhất bẻ đôi, chưa bao giờ có vinh hạnh ra khỏi cổng làng lấy một lần, cất tiếng hỏi: “Ông là người giàu có, lại từng trải chuyện nhân gian thế sự. Biết bao danh lam thắng cảnh ông đã tận mục sở thị. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, huống hồ ông đã từng thưởng lãm biết bao cảnh lạ đường xa. Tôi là phận nghèo hèn,“ếch ngồi đáy giếng”, dám hỏi trong những nơi ông đã đi qua, cảnh nào là đệ nhất thiên hạ?”.

Nghe hỏi, nhà đại phú trầm ngâm, bất giác cặp mắt rưng rưng, giọng trầm xuống đáp: “Đẹp nhất… là cái làng ta đây!”.

So ra, với môn văn bây giờ, hình như chúng ta giáo dục lòng yêu quê hương qua ngả lý trí, và kết luận sẵn đúng - sai cho học trò tiếp thu như tiếp thu công thức toán học và cố nhớ cho đúng những gì thầy dạy (hoặc đọc - chép). Bởi vậy bài làm của học sinh thường na ná nhau, em nào nhớ không trọn vẹn, hoặc không “ngốn” lời thầy cô thì qua các kỳ thi tạo ra những bài văn mà báo chí gọi là “văn chương rợn tóc gáy” hoặc “văn chương kinh dị”…

Những chữ in đậm, nghiêng trong câu chuyện kể lại ở trên là từ gốc Hán, Quốc văn giáo khoa thư lớp Nhất (lớp 5 ngày nay) sử dụng nhiều xem ra vô hình trung làm giàu kho từ vựng cho trẻ vì chúng vốn hàm súc, tượng hình tượng ý, ngay trong ngôn ngữ đã hàm ý giáo dục nhẹ nhàng, chứ không áp đặt theo kiểu “bảo cho mà biết”… không yêu quê hương không phải con người!

Chương trình Văn ngày nay không biết có thể nói chưa thực sự là văn chương mà là lịch sử văn học của một thời? Mỗi thời có một cái đẹp của nó và cuộc sống có những cái đẹp muôn thuở: lòng yêu nước, lòng nhân ái, yêu đời, yêu thiên nhiên và cái thiện… Chỉ thiên về một cái bảo sao không có những bài văn vô cảm hoặc đọc toát mồ hôi?  

CAO THOẠI CHÂU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới