(KTSG Online) – Lạm phát tăng cao cùng sự bất ổn của nền tài chính toàn cầu đã tác động không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư, khiến dòng vốn mạo hiểm vào Việt Nam năm 2022 chỉ đạt 634 triệu đô la Mỹ, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường khởi nghiệp, các quỹ đầu tư nội địa cũng gặp nhiều thách thức khi vừa phải cạnh tranh cùng quỹ ngoại, vừa tìm kiếm các cơ hội đầu tư mang tính dài hạn.
- Thách thức với startup Việt giữa ‘mùa đông gọi vốn’
- Từ chuyện SVB phá sản nhìn về dòng tiền trên thị trường startup
Theo báo cáo của Nextrans, sau khi đạt đỉnh vào năm 2021, số tiền đầu tư và số thương vụ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam trong năm 2022 giảm một nửa. Trong 85 thương vụ đầu tư được thực hiện trong năm qua, chủ yếu là các khoản đầu tư giai đoạn đầu (Seed và Series A), được thực hiện bởi các quỹ tập trung vào thị trường Việt Nam. Còn các thương vụ ở giai đoạn sau (từ Series B trở đi), thường do các quỹ ngoại thực hiện thì rất ít.
Trong vòng gần 10 năm nay, kể từ khi thị trường khởi nghiệp Việt Nam được hình thành, nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) chủ yếu dựa vào các quỹ khu vực hoặc toàn cầu. Giai đoạn thăng hoa như năm 2021, trong 178 thương vụ đầu tư cho startup Việt, nhưng có tới 145 thương vụ do quỹ ngoại rót vốn.
Vì vậy, khi các quỹ ngoại khó khăn trong việc huy động vốn, dòng tiền rót về cho startup Việt Nam cũng thận trọng hơn. Thị trường khởi nghiệp Việt Nam vì thế cũng như bức tranh chung của thế giới, khó có những "bữa tiệc gọi vốn" thành công cho cả startup lẫn quỹ đầu tư.
Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2022 Việt Nam hiện xếp thứ 54 trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, tăng 5 bậc so với năm 2021. Cả nước hiện có khoảng 3.800 startup đang hoạt động. Các startup Việt đã huy động được số vốn đầu tư kỷ lục 1,4 tỉ đô la Mỹ trên 165 giao dịch vào năm 2021, tăng 1,6 lần so với mức 894 triệu đô la Mỹ và 126 giao dịch vào năm 2019.
Tính đến nay, tại Việt Nam có hơn chục quỹ đầu tư nội đã được ra đời. Trên thực tế, sự xuất hiện ngày càng nhiều quỹ đầu tư nội địa giúp các startup có thêm nhiều cơ hội gọi vốn đầu tư. Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh với các quỹ đầu tư nước ngoài, vốn có tiềm lực tài chính mạnh, nên các quỹ nội địa có ít cơ hội hơn và trong sự biến động của thị trường vốn mạo hiểm gần đây, số lượng thương vụ cũng ít dần.
Cung cấp thông tin cho báo chí, đại diện quỹ đầu tư Do Ventures, cho biết nếu một thập kỷ trước, các nhà đầu tư có thể nghiên cứu một dự án trong 6 tháng thì nay, nếu không ra quyết định trong 1 hoặc 2 tháng, các quỹ khác sẽ nhảy vào.
Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Quỹ tăng tốc khởi nghiệp VIISA, cho biết từ khi ra mắt đến nay quỹ này đã đầu tư vào 45 startup và giải ngân 100 tỉ vốn đầu tư. Giai đoạn đầu thành lập quỹ này hướng tới việc đầu tư vào các startup tại các nước trong khu vực như Singapore, Indonesia, Malaysia... nhưng sau này rút về, chỉ tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Số thương vụ mà quỹ này đầu tư trong 2 năm gần đây giảm đi. Cụ thể, năm 2022 VIISA chỉ đầu tư được 2 thương vụ.
Cung cấp thông tin cho KTSG Online, ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc đầu tư của tập đoàn NextTech, cho biết, Next100 đã đầu tư vào hàng chục startup Việt với vốn đầu tư thực tế vài triệu đô, vốn cam hết hàng chục triệu đô la Mỹ.
Số thương vụ mà Next100 đầu tư gần đây ít hơn thời điểm đại dịch Covid-19. Lý giải về điều này, ông Tuấn cho biết do thời điểm dịch bệnh mọi người phải ở nhà, không ra ngoài được nên phải sử dụng các tiện ích công nghệ nhiều hơn. Và trong bối cảnh đó, các ý tưởng khởi nghiệp lần lượt ra đời, trùng với định hướng đầu tư công nghệ của quỹ Next100. Hiện tại, quỹ khó tìm thấy thương vụ phù hợp một phần vì kinh tế đi xuống nên các startup không thực hiện được ý tưởng của mình.
Giai đoạn ban đầu, Viet Valley Ventures đã đầu tư vào 6 startup Việt liên quan đến công nghệ, có tiềm năng phát triển, với vốn đầu tư 3-5 tỉ đồng cho mỗi thương vụ. Hiện tại, Viet Valley Ventures vẫn hoạt động bình thường song theo lời Giám đốc điều hành Nguyễn Khánh Trình, quỹ có ít thương vụ để hợp tác đầu tư hơn do không tìm được startup phù hợp với tiêu chí.
Vốn dĩ là một startup và giờ đi tìm kiếm cơ hội đầu tư, ông Trình thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển nhưng phần lớn chạy theo phong trào, chất lượng các dự án chưa cao.
Chia sẻ về sức ép cạnh tranh giữa quỹ ngoại và quỹ nội, ông Trình cho rằng quỹ nội có điểm thuận lợi là sự am hiểu về thị trường và các startup Việt Nam.
Cùng chung quan điểm với ông Trình, ông Tuấn cho rằng các quỹ nội hiểu về thị trường địa phương, các đặc thù mang tính bản địa. Đây cũng là một trong những lý do khiến các quỹ nội không đưa ra mức định giá cao tại các vòng gọi vốn, và từ đó khó chiến thắng trong cuộc cạnh tranh đầu tư so với quỹ ngoại. Tuy nhiên, sự thận trọng này cũng giúp tỷ lệ thành công cao (60-70%) khi rót vốn đầu tư.
Ông Tuấn dẫn chứng các startup mà Next100 đầu tư chưa có doanh nghiệp nào “chết”. Chỉ có dự án không tăng trưởng, còn lại đều phát triển tốt, gọi được vốn ngoại. Tại một số dự án đầu tư Next100 đã rút vốn ra một phần và có lợi nhuận cao.
Sức ép cạnh tranh đến từ quỹ ngoại trên thị trường khởi nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế biến động, đã phần nào tạo thêm sự gian nan cho các quỹ nội địa. Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực, cuộc cạnh tranh này lại đem đến nhiều cơ hội lựa chọn cho các startup Việt. Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang có rất nhiều startup non trẻ, không thể tiếp cận được nguồn vốn từ nước ngoài, và đây cũng là mảnh đất cho các quỹ nội khai phá.