(KTSG) - Sau nhiều mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao, nghị định về Quỹ Hỗ trợ đầu tư đã được Chính phủ ban hành trong ngày cuối cùng của năm 2024 - bảo đảm đúng thời hạn Quốc hội đề ra. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 31-12-2024 và được áp dụng từ năm tài chính 2024.
Nói nghị định này được ban hành “đúng thời hạn” là bởi Quốc hội trong kỳ họp cuối năm 2023 đã giao Chính phủ trong năm 2024 phải xây dựng và ban hành một nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác. Mục đích là ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.
Nghị định 182/2024/NĐ-CP về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư được ban hành ngày 31-12-2024. Theo đó, quỹ do Chính phủ thành lập, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không vì mục tiêu bảo toàn nguồn tài chính của quỹ.
Quỹ hỗ trợ bằng tiền mặt, cụ thể là tiền đồng, cho bốn nhóm đối tượng, gồm doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; và doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).
Điều quan trọng tiếp theo là trong quá trình triển khai hỗ trợ, phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận và thụ hưởng chính sách, đồng thời, chú trọng việc kiểm tra, kiểm soát để không xảy ra trục lợi chính sách.
Để được hưởng hỗ trợ, các doanh nghiệp phải đáp ứng một trong những điều kiện sau: Thứ nhất, là doanh nghiệp công nghệ cao có dự án đầu tư với quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 20.000 tỉ đồng/năm. Thứ hai, là doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn của dự án tối thiểu 12.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 20.000 tỉ đồng/năm. Thứ ba, là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) có quy mô vốn của dự án tối thiểu 6.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 10.000 tỉ đồng/năm.
Trường hợp doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao mà các công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao đó thuộc Danh mục công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao đột phá được ưu tiên nghiên cứu, phát triển do Thủ tướng ban hành thì không phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn hoặc doanh thu quy định tại nghị định này.
Cũng vậy, doanh nghiệp có dự án thiết kế vi mạch thì không phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn hoặc doanh thu quy định tại nghị định này, nhưng phải cam kết sử dụng tối thiểu 300 kỹ sư, cán bộ quản lý người Việt Nam sau thời gian năm năm hoạt động tại Việt Nam và hàng năm hỗ trợ Việt Nam đào tạo được tối thiểu 30 kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Cùng với đó, các doanh nghiệp phải đáp ứng hoặc cam kết đáp ứng điều kiện giải ngân vốn đầu tư. Chẳng hạn, đối với dự án đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận nhà đầu tư từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành, phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 12.000 tỉ đồng trong thời hạn năm năm hoặc 10.000 tỉ đồng trong thời hạn ba năm kể từ ngày được cấp lần đầu giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận nhà đầu tư...
Quỹ sẽ chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ hạng mục các chi phí gồm: đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; R&D; đầu tư tạo tài sản cố định; sản xuất sản phẩm công nghệ cao; đầu tư công trình hạ tầng xã hội; các trường hợp khác do Chính phủ quyết định. Đáng chú ý, doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm R&D trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, AI sẽ được hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư ban đầu của dự án...
Thời gian qua, nước ta đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, bao gồm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, cũng như các khoản chi phí liên quan đến đất đai như tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Chính nhờ những chính sách này mà nước ta đã đạt được nhiều thành công trong việc thu hút đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, khi thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu được áp dụng từ đầu năm 2024, những ưu đãi thuế hiện có, đặc biệt đối với các nhà đầu tư lớn, sẽ không còn hiệu quả như trước, khiến môi trường đầu tư kém hấp dẫn hơn.
Chính vì vậy, sự ra đời của Nghị định 182 với các chính sách ưu đãi đột phá, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, sẽ là bước đi quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục thu hút và giữ chân các nhà đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn và AI. Nhiều quốc gia khác đã áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp mà họ muốn thu hút đầu tư, vì vậy Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng này. Điều quan trọng tiếp theo là trong quá trình triển khai hỗ trợ, phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận và thụ hưởng chính sách, đồng thời, chú trọng việc kiểm tra, kiểm soát để không xảy ra trục lợi chính sách.
Đặc biệt, thời gian tới, Việt Nam vẫn cần thu hút đầu tư trong các lĩnh vực khác để duy trì tốc độ tăng trưởng và tạo việc làm. Trong khi đó, các chính sách miễn thuế, giảm thuế không còn tác dụng đối với các nhà đầu tư đến từ các tập đoàn nằm trong diện tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Bên cạnh đó, việc tiếp tục duy trì các ưu đãi miễn, giảm thuế như quy định hiện hành sẽ gây phát sinh chi phí quản lý từ việc thu thuế bổ sung, tạo gánh nặng cho cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Chính vì vậy, Chính phủ một mặt cần nghiên cứu để bãi bỏ chính sách miễn, giảm thuế hiện hành đối với các nhà đầu tư thuộc diện tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Mặt khác - rất quan trọng - đó là Chính phủ phải rà soát tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư và tập trung nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư khác phù hợp hơn, bao gồm cả những hình thức trợ cấp như các nước đã áp dụng, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.