Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quy hoạch ĐBSCL: ‘Lộ thông thì tài mới thông’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quy hoạch ĐBSCL: ‘Lộ thông thì tài mới thông’

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Để đảm bảo cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển nhanh và bền vững, trong quy hoạch vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 cần chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bởi “lộ thông thì tài mới thông”.

Quy hoạch ĐBSCL: ‘Lộ thông thì tài mới thông’
Phát triển hạ tầng giao thông là điều kiện quan trọng giúp ĐBSCL phát triển. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội nghị báo cáo và tham vấn quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào ngày 26-11 tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết, ngoài hai điểm nghẽn về chất lượng nguồn lao động cũng như thu nhập người dân thấp, thì hạ tầng giao thông yếu kém chính là nguyên nhân kiềm hãm sự phát triển của vùng ĐBSCL.

Để đảm bảo cho vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, ông Được đề nghị, về hạ tầng giao thông, cần tập trung nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông  kết nối. Dẫn chứng câu thành ngữ dân gian "lộ thông thì tài thông", ông Nguyễn Văn Được cho rằng, điều này đồng nghĩa có đường giao thông thì mới kích thích kinh tế phát triển.

Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, đầu tư hạ tầng là giải pháp quan trọng trong giai đoạn đầu của quy hoạch vùng. “Do vậy, cần thống nhất quan điểm tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu”, ông nhấn mạnh và cho rằng, phát triển hạ tầng phải đi trước một bước để tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững của vùng.

Theo ông Dũng, ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng ở cấp quốc gia và cấp vùng như: giao thông, năng lượng và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng. Điều này, có ý nghĩa quan trọng để phát triển ở các giai đoạn tiếp theo sau, nhất là phát triển kinh tế nông nghiệp.

Dẫn lại quan điểm nêu trên của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Được cho rằng, quan điểm đó là rất phù hợp, trúng với điểm nghẽn ông vừa trình bày. "Nếu giải quyết tốt bài toán giao thông, thì chắc chắn ĐBSCL sẽ cất cánh thời gian tới", ông nói.

Từ quan điểm nêu trên, ông Được đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung ương quan tâm vấn đề thứ nhất cho ĐBSCL, đó là xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc trục dọc kết nối từ TPHCM về Cà Mau. “Đường này hiện nay chúng ta mới chỉ có đoạn đầu đến Trung Lương (tỉnh Tiền Giang) và hơn chục năm qua chỉ mới xoay quanh tới đó, chưa có hoàn thiện”, ông dẫn chứng và nói rằng, rất vui mừng khi ngành giao thông có kế hoạch phát triển 300 km đường cao tốc ĐBSCL trong nhiệm kỳ mới này.

Vấn đề thứ hai, theo ông Được, một tuyến đường khác cũng cực kỳ quan trọng, nhận được sự quan tâm thời gian qua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần được ưu tiên, đó là đường ven biển phía Đông của ĐBSCL. “Phải nói đây là đường cực kỳ quan trọng, nó giúp mở ra hành lang phát triển cho phía Đông- vốn là vùng trũng của ĐBSCL”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Được, tuyến đường mới này cũng rất quan trọng trong giúp ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu và là tuyến đường chiến lược quốc gia ven biển, giúp kiểm soát vùng ven biển. “Với những ưu điểm như vậy, con đường này cần ưu tiên đầu tư thời gian tới”, ông nhấn mạnh.

Để đầu tư tuyến đường nêu trên, ông Được đề nghị Trung ương có chính sách phù hợp bằng cơ chế “vốn mồi” hoặc vốn hỗ trợ theo hình thức cho vay. “Khi đó, các tỉnh sẽ chủ động lập quy hoạch khai thác quỹ đất hai bên sau khi giải phóng đền bù thông qua đấu giá”, ông cho biết.

Các địa biểu tham dự hội thảo vào hôm nay, 26-11 tại TP Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện chiến lược và Phát triển giao thông vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chưa nêu rõ được tính kết nối của quy hoạch. “Thật ra, chúng ta chỉ mới giải quyết một khâu, một khía cạnh rất nhỏ là quy hoạch kết nối trong vùng, còn kết nối liên vùng kết nối quốc tế chúng ta thấy còn rất mờ nhạt, chưa có định hướng gì về vai trò của vùng đặt trong bối cảnh của quốc tế ở tương lai”, ông cho biết.

Theo ông Mười, cơ bản giao thông của vùng ĐBSCL đã đầy đủ, nhưng để đầu tư đáp ứng quy hoạch, thì chưa có nguồn lực vì suất đầu tư rất lớn, đặc biệt là các tuyến cao tốc và đường sắt.

Ông Mười cho biết, trong quy hoạch nêu trên, vấn đề cần nhấn mạnh là kết hợp giữa giao thông và thuỷ lợi, nhưng trong quy hoạch này vẫn chưa nhìn thấy. "Cái này cũng là vấn đề cần chỉnh sửa và cập nhật lại”, ông cho biết.

Bộ trưởng Kế hoạc và Đầu tư cho biết, quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch.

Theo ông Dũng, quá trình xây dựng quy hoạch đã nhận được sự tham gia ngay từ đầu của các địa phương trong vùng với tư cách là cấp sẽ phải triển khai thực hiện, chịu sự tác động trực tiếp cũng như được hưởng lợi từ bản quy hoạch này.

Ý kiến của các địa phương và chuyên gia về những vấn đề lớn, có tính chiến lược sẽ giúp định hình cho sự phát triển của vùng ĐBSCL, giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thẩm định và phê duyệt vào tháng 12-2020.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới