Quy hoạch điện ĐBSCL: năng lượng xanh hay xám?
Đức Tâm
Một nhà máy thuộc cụm nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh minh họa: Lê Anh Tuấn |
(TBKTSG Online) - Chiều 22-10, PGS. TS. Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường đại học Cần Thơ, có buổi chia sẻ về những lo lắng xung quanh quy hoạch nhiệt điện tại Việt Nam cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và giải pháp thay thế. TBKTSG Online lược ghi ý kiến của ông Tuấn.
Quy hoạch phát triển nhiều nhà máy nhiệt điện, đa phần trong đó sử dụng than đá, tại khu vực ĐBSCL như hiện nay thể hiện nhiều điều chưa hợp lý.
Ngoài nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao, ảnh hưởng đến nông nghiệp của khu vực và sức khỏe con người (xin xem thêm ở đây), an ninh năng lượng cũng là điều cần phải tính đến. Than để sử dụng tại các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL phải chuyển từ Quảng Ninh vào, tốn kém về chi phí vận chuyển, chưa kể trữ lượng than của Việt Nam đang giảm dần và trong tương lai gần phải nhập khẩu từ Indonesia, Úc, Trung Quốc.
Hiện Úc đang đóng cửa dần các mỏ than, Trung Quốc thì cắt giảm sản lượng khai thác, sự lựa chọn nguồn nhiên liệu nhập khẩu sẽ bị hạn chế.
Chúng ta xây các nhà máy điện nhằm đảm bảo an ninh năng lượng nhưng lại đặt sự an ninh vào nguồn than nhập khẩu. Trước kia, châu Âu mua khí đốt từ Nga và mọi chuyện bình thường cho đến khi căng thẳng trong hệ giữa hai bên xảy ra và chuyện mua bán khí đốt bị ảnh hưởng là đã biết. Câu chuyện này đáng để chúng ta suy ngẫm.
Trong khi lựa chọn nhiệt điện than với nhiều rủi ro thì nguồn năng lượng tái tạo - một nguồn năng lượng xanh dồi dào tại khu vực ĐBSCL lại chưa được khai thác đúng mức.
Có người lập luận rằng chi phí sản xuất điện từ than là rẻ nhất. Điều này không sai nhưng cách tính đó chỉ tính riêng trong lĩnh vực năng lượng mà bỏ qua các chi phí khác liên quan đến môi trường, sức khỏe con người và những ngành nghề khác chịu tác động liên quan.
Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard năm 2015 (Burden of disease from rising coal emissions in Southeast Asia), nếu tiếp tục phát triển nhiệt điện than như hiện nay, đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam có khoảng 25.000 người chết do ô nhiễm từ nhiệt điện than gây ra.
Đây là những con số đo đếm được nhưng đôi khi không thấy được rõ ràng. Chuyện ai chết ở đâu vì lý do gì không dễ thấy bằng những công trình đồ sộ mọc lên, công việc được tạo ra, tiền thuế thu về, tăng trưởng GDP trước mắt.
Vậy tại sao lại quy hoạch phát triển nhiệt điện than nhiều như vậy (Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, đến năm 2020, nhiệt điện than sẽ tăng lên mức 44,7% (gần 30.000 MW) trong tổng công suất nguồn cả nước. Năm 2030, nhiệt điện than sẽ tăng lên 56,1%. - PV)? Điều này cần đặt câu hỏi, đối thoại với đơn vị đưa ra quy hoạch. Tuy vậy, dưới góc nhìn cá nhân, tôi nghĩ việc quy hoạch điện đã không có sự tham gia phản biện đầy đủ từ các nhà kinh tế, môi trường, xã hội, thay vì chỉ lấy ý kiến từ những chuyên gia năng lượng.
Vậy tại sao lại quy hoạch phát triển nhiệt điện than ở ĐBSCL? Một đại diện Bộ Công Thương trả lời rằng ĐBSCL là một khu vực kinh tế năng động và cần có nguồn năng lượng để phục vụ. Theo tôi, ý kiến này không hợp lý bởi chúng ta cần lưu ý rằng động lực tăng trưởng chính nơi đây là nông nghiệp, là trồng trọt, chăn nuôi và chế biến thủy hải sản. Những hoạt động này không yêu cầu quá nhiều năng lượng. Nếu lập luận như vậy, sao quy hoạch nhiệt điện ở những tỉnh thành khác có thế mạnh về phát triển các khu công nghiệp dùng nhiều năng lượng?
Thế giới đang từ bỏ dần nhiệt điện than vì những hậu quả nghiêm trọng gây ra. Chúng ta vẫn có thể làm điều tương tự.
Quy hoạch lập ra thì vẫn có thể điều chỉnh được. Không nói chuyện thế giới xa xôi, xin quay lại câu chuyện tại Việt Nam. Vừa qua Bạc Liêu, một tỉnh nổi tiếng với tôm và điện gió, đã quyết định rút hẳn một dự án nhiệt điện than, theo quy hoạch trước đó, để bảo vệ môi trường. Họ trình bày vấn đề trong một cuộc họp với Thủ tướng và Thủ tướng hoàn toàn đồng ý với đề xuất này.
Câu chuyện này đáng để suy ngẫm. Chúng ta vẫn có thể đưa ra lựa chọn khác. Chúng ta vẫn có thể chọn năng lượng xanh cho ĐBSCL thay vì năng lượng xám.
Buổi chia sẻ diễn ra tại tọa đàm "Nhiệt điện than: Hiểm họa môi trường và giải pháp thay thế" do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển trường Đại học Mở TPHCM và Trung tâm Liên kết và Hành động vì Phát triển và Môi trường (CHANGE) tổ chức tại trường Đại học Mở TPHCM chiều ngày 22-10. |
Mời xem thêm:
ĐBSCL quá tải nhiệt điện, nguy cơ ô nhiễm cao
Có nên tiếp tục lựa chọn nhiệt điện than hay không?