Thứ Tư, 17/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

‘Quy hoạch đô thị ngược’, dân lãnh đủ!

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngay tại thành phố Hà Nội, khu đô thị Thanh Hà ở huyện Thanh Oai với hàng chục tòa chung cư đã bị cắt nước sinh hoạt từ tối 14-10 và đến ngày 20-10 nguồn cấp nước sạch đầy đủ vẫn chưa được khôi phục. Có thể nói đây là hậu quả của tình trạng “quy hoạch ngược”: khu dân cư xây dựng trước, tiện ích cung cấp sau và hậu quả thì người dân gánh chịu.

Tình cảnh khốn khổ vì mất nước sinh hoạt của người dân ở khu dân cư Thanh Hà có thể thấy rõ qua tựa các bài báo trong mấy ngày gần đây như “Bị cắt nước, cư dân chung cư phải giữ nước đánh răng để sử dụng lại” (báo Tuổi Trẻ Online ngày 16-10), “Dân chung cư không rửa bát, nhịn tắm trong khủng hoảng nước”  (báo điện tử VnExpress ngày 17-10) hay Cư dân Khu đô thị Thanh Hà lên công ty tắm nhờ, gom nước… sử dụng lại (báo điện tử Công Thương ngày 19-10).

Thiệt hại kinh tế cũng không nhỏ vì hầu hết các dịch vụ trong khu đô thị cũng phải đóng cửa vì không có nước làm sao hoạt động. Những hộ kinh doanh bị thiệt hại kép vì họ vừa mất doanh thu vừa vẫn phải trả các chi phí như tiền thuê mặt bằng, tiền công nhân viên.

Lẽ ra, khi quy hoạch một khu dân cư mới, chính quyền thành phố phải tính toán bao quát số dân sẽ sinh sống để làm cơ sở hoạch định các hệ thống đường sá, trường học, bệnh viện, chợ và siêu thị, thu gom rác. Ngoài ra, các dịch vụ đặc biệt thiết yếu là cung cấp điện và nước không chỉ tính toán để cung cấp đủ trên cơ sở dân cư hiện hữu mà còn phải có phương án dự phòng bổ sung cho dân số tăng lên trong tương lai.

Thế nhưng, Thanh Hà là khu đô thị mới quy hoạch gồm hàng chục tòa nhà chung cư với khoảng 16.000 cư dân sinh sống bị rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt không chỉ một lần. Hồi đầu tháng 6 vừa qua, khu đô thị này cũng bị mất nước nhiều ngày do nguồn cung cấp nước sạch bị thiếu.

Từ đầu tháng 10 này, một số chung cư tại đây bị cắt nước và khi có nước trở lại, xuất hiện tình trạng nước nặng mùi, gây mẩn ngứa, dị ứng da do đây là nước giếng khoan. Người dân lo ngại mang mẫu nước đi xét nghiệm thì kết quả hàm lượng Amoni trong nước 11,46 mg/l, gấp 38 lần ngưỡng cho phép, hàm lượng clor cũng vượt ngưỡng hàng chục lần. Sau khi người dân báo kết quả cho đơn vị cấp nước, đến tối 14-10 hàng chục chung cư bị cắt nước trở lại.

Ghi nhận qua thông tin báo chí trong mấy ngày gần đây cho thấy một bức tranh về cung cấp nước sạch cho các khu dân cư mới tại Hà Nội hết sức rối rắm.

Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nước cho khu đô thị Thanh Hà cho biết, lưu lượng nước sạch về khu đô thị Thanh Hà chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Hiện tại công ty chỉ nhận được khoảng 900 m3/ngày, trong khi nhu cầu sử dụng của khu đô thị này lên đến gần 3.000 m3/ngày. Đây là lý do khiến nước chỉ được cung cấp nhỏ giọt trong những ngày vừa qua.

Đại diện công ty này cho biết họ không còn giải pháp nào để cấp nước cho cư dân vì chỉ là đơn vị nhận nước và phân phối lại. Nguồn nước dự phòng từ giếng khoan thì không thể sử dụng được do bị ô nhiễm và hàm lượng các chất độc hại như amoni, clor đều cao vượt mức cho phép nhiều lần.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 13-10, Sở Xây dựng Hà Nội thống nhất Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà được nhận nguồn nước sạch 2.000 m3/ngày từ Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống thông qua hệ thống đường ống của Công ty nước sạch Hà Đông.

Nhưng Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống cho biết, doanh nghiệp này không liên quan đến việc cấp nước cho khu đô thị Thanh Hà mà chỉ cung cấp đến đầu nguồn của hệ thống nước sạch Hà Đông và sau đó Hà Đông chịu trách nhiệm điều tiết cho cả vùng chung quanh.

Trong khi đó, Công ty nước sạch Hà Đông cho biết họ không liên quan gì đến việc cấp nước sinh hoạt cho khu đô thị Thanh Hà. Bản thân Công ty nước sạch Hà Đông cũng đang thiếu nguồn nước sạch nên không thể hỗ trợ được cho khu đô thị Thanh Hà (1).

Trả lời về việc ứng cứu nước sạch cho khu đô thị Thanh Hà, trong văn bản gởi Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty nước sạch Hà Đông cho biết, lưu lượng nước Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống cấp cho Công ty nước sạch Hà Đông giảm nhiều, chỉ đạt 22.000-25.000 m3/ngày.

Trong khi đó theo thỏa thuận thì đơn vị này phải nhận được 28.000 m3/ngày, do đó ngay tại một số khu vực dân cư do Công ty nước sạch Hà Đông đang phục vụ nguồn cấp nước cũng bị thiếu hụt. Những ngày gần đây, Công ty nước sạch Hà Đông đã cân đối nguồn nhưng chỉ có thể cung cấp được cho khu đô thị Thanh Hà không quá 1.000 m3/ngày.

Theo Công ty nước sạch Hà Đông, đơn vị này đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống bổ sung nguồn nước nhưng tình trạng trên không được cải thiện (2).

Qua thông tin báo chí ghi nhận từ các đơn vị cung cấp nước có thể thấy, nguyên nhân gốc của tình trạng thiếu hụt nước sinh hoạt cung cấp cho khu đô thị Thanh Hà nằm ở chỗ nguồn cung cấp nước chính từ sông Đuống không đủ sản lượng cần thiết.

Nguyên nhân thứ hai là phương án cấp nước dự phòng bị phá sản do nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm nên phải dừng cung cấp chỉ sau vài ngày đưa vào sử dụng.

Trong vụ khủng hoảng thiếu nước này, các cam kết của cơ quan chức năng như Sở Xây dựng Hà Nội hay chỉ đạo chính quyền như UNND thành phố Hà Nội đều khó giải quyết được vấn đề.

Nguồn nước chỉ có đủ nếu Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống cung cấp đúng sản lượng đã cam kết là 28.000 m3/ngày, thay vì cấp thiếu từ 3.000 đến 6.000 m3/ngày như hiện tại. Kèm theo đó là phương án cấp nước dự phòng cho các khu vực như khu đô thị Thanh Hà, thay vì chỉ có một nguồn cung như hiện nay.

Vấn đề cốt lõi nhất vẫn là quy hoạch đô thị phải tính trước và tính đủ việc cấp nước cho các khu đô thị mới, không để tình trạng “quy hoạch ngược”. Nếu các chủ đầu tư cứ việc xây chung cư bán còn việc cung cấp nước sạch đầy đủ hạ hồi phân giải thì những vụ thiếu nước như trường hợp của khu đô thị Thanh Hà sẽ còn tiếp diễn.

——————-

(1) https://laodong.vn/xa-hoi/ly-giai-nguon-nuoc-sach-o-khu-do-thi-thanh-ha-bi-mat-nhieu-ngay-lien-1255593.ldo

(2) https://vov.vn/xa-hoi/vu-khu-do-thi-thanh-ha-bi-mat-nuoc-se-cap-nuoc-sach-luan-phien-post1053288.vov

3 BÌNH LUẬN

  1. TP HCM và Hà Nội nên có một Phó chủ tịch phụ trách chung xây dựng, quản lý đô thị, cấp thoát nước, điện lực v.v có một tổ chuyên gia về các vấn đề này và nếu có sai sót, thiếu sót thì vị Phó chủ tịch và tổ chuyên gia phải chịu trách nhiệm. Ở TP HCM thỉnh thoảng có con đường vừa tráng nhựa xong, sau một, hai ngày bị đào lên để sửa chữa dù kế hoạch sửa chữa này được trình lên cấp trên để duyệt cách đây mấy tháng. Hay giải toả nghĩa trang Bình Hưng Hòa để làm trường học và trung tâm thương mại dù các con đường chung quanh nghĩa trang đang quá tải giao thông

  2. .Mấy nay nhân ồn ào chuyện HN thiếu nước & nước ngầm bẩn (HN sd 51% nước ngầm, do nc mặt giá cao), thử so sánh giá nc bán lẻ hiện tại chưa VAT và phí thoát nc thải, thấp nhất (hộ nghèo) và cao nhất (kd dv) của 1m3
    —–
    .HN: 5.973đ, 27.000đ ( 29.000đ từ 1.1.2024)
    .SG: 6.300đ, 21.300đ
    .ĐN: 2.857đ, 12.857đ
    —–
    .ĐN vừa khánh thành n/m nước Hòa Liên công suất tổng 240.000m3/ngày đêm, nhưng đã quá dư nước nên chỉ sx 120.000m3 và cũng đang rất thừa, nên khó mà tăng giá nữa, nên những sản phẩm gì cần nước như bia rượu nước giải khát nên sx tại đây và chở ngược 2 đầu (giá vận tải từ ĐN đi 2 đầu chỉ 1/2 giá 2 đầu đến ĐN vì vùng NGAY GIỮA này không được phân bố sản xuất lớn, nên kg có gì để chở)
    .Ngay cả điện, kv GIỮA miền Trung lợi thế 100% điện XANH & RẺ nếu theo kinh tế thị trường điện nước đc giữ lại làm PIN (kg tốn thêm chi phí tải xa) cân đối với điện nắng/gió. Giá điện nước EVN mua chưa tới 600đ/kwh. Trường Sơn đông & tây trái mùa nhau thì điện VN & Lào bổ sung rất tốt cho nhau lúc dư thiếu, nhưng chưa tận dụng.
    —–
    https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/50928/tang-gia-nuoc-sach-tu-thang-7-2023-cao-nhat-29-000-dong-m3
    https://scitechwater.vn/gia-nuoc-sinh-hoat/
    https://dawaco.com.vn/bang-gia-tieu-thu-nuoc-sach-2017-2/

  3. Có hai vấn đề lớn, tầm chiến lược, cần quan tâm. Một là, nước là nhu cầu thiết yếu, vừa phải đạt chuẩn đảm bảo vệ sinh sức khỏe, vừa phải đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho sinh hoạt và đời sống nhân dân. Hai là, nước là tài nguyên hạn chế, cần phải sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bảo vệ môi trường bền vững. Nhiều địa phương, do tầm nhìn ngắn hạn, đã vội vã tư nhân hóa 100% các công ty cấp nước, dẫn đến đáp ứng không đầy đủ và không hội đủ tiêu chuẩn cấp nước cho người dân, gây rối loạn xã hội và thị trường. Nhưng cũng có địa phương, do không có phương án xã hội hóa phù hợp, dẫn đến không huy động được nguồn lực đầu tư phát triển, gây ách tắc và suy giảm chất lượng nguồn nước cung cấp. Bên cạnh không khí, không có nước sẽ không tồn tại sự sống. Chân lý đó rất cụ thể, nhưng vẫn chưa được thông hiểu đến nơi đến chốn trong công tác quản lý nhà nước. Vai trò của nhà nước, cũng vô cùng thiết yếu, giống như nguồn nước vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới