Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quy hoạch tổng thể quốc gia hướng tới phát triển các vùng động lực quan trọng

T.H

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau một tuần họp bàn, thảo luận, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã bế mạc vào hôm nay, 9-10, với sự thống nhất cao về việc cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Hội nghị Trung ương 6 đã quyết định nhiều vấn đề quan trong - Ảnh: TTXVN

Trong quy hoạch lần này, Trung ương cho rằng cần tập trung ưu tiên hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; tập trung vào hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng bảo vệ môi trường, thuỷ lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.

Quy hoạch cũng hướng tới phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các "đầu tàu" lôi cuốn sự phát triển của quốc gia. Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây; kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.

Liên quan đến nội dung về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Trung ương coi đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ.

Phát triển hành lang kinh tế trục Bắc-Nam và Đông-Tây

Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, để xây dựng được một Quy hoạch tổng thể quốc gia có chất lượng và tính khả thi cao, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra thì cần phải dựa trên nguyên tắc: Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh của từng vùng nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh đó, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và nhiều tiềm năng lợi thế cho phát triển, nhất là về nguồn nhân lực chất lượng cao, để hình thành cho được những vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, bền vững và có hiệu quả cao.

Cụ thể, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tổ chức không gian phát triển quốc gia, các vùng lãnh thổ, các hành lang kinh tế và hệ thống đô thị phải gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; gắn kết giữa hệ thống đô thị và nông thôn; khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng vùng trời; tham gia có hiệu quả vào các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực và quốc tế; gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, thiết kế

Tại hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định ban hành nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Trung ương về đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trung ương cho rằng cần khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng, từng địa phương trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tận dụng và phát huy lợi thế của nước đi sau và đang trong thời kỳ dân số vàng.

Đồng thời kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu, thúc đẩy chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; chú trọng dịch vụ hoá các ngành công nghiệp; coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Một số giải pháp được đưa ra như tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng để tạo không gian phát triển mới; coi nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng...

Theo Chinhphu.vn và TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới