Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quy hoạch ‘treo’ và khoảng trống về trách nhiệm của Nhà nước

Đinh Tấn Phong (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cần xác định rõ ranh giới giữa “trách nhiệm cá nhân” và “trách nhiệm tập thể”, hướng đến cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân có thẩm quyền trong việc để xảy ra quy hoạch “treo". Ngoài ra, cũng cần bổ sung các quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi quy hoạch “treo” gây thiệt hại cho người dân.

Dự án khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa, quận Bình Thạnh được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 1992 với tổng diện tích hơn 426 ha sau hơn 30 năm vẫn còn trong tình trạng "treo". Ảnh: Lê Vũ

Tại phiên thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (đoàn tỉnh Tây Ninh) đã đề cập đến một vấn đề rất xác đáng là dự thảo Luật vẫn chưa thiết lập được những quy định có khả năng chấm dứt tình trạng quy hoạch “treo”, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Đại biểu Phương nhấn mạnh đến hai vấn đề: xử lý trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm triển khai thực hiện quy hoạch và trách nhiệm bồi thường cho người dân như thế nào.

Xóa bỏ tình trạng núp bóng “thẩm quyền tập thể” để trốn tránh trách nhiệm

Xem qua Điều 240 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về xử lý trách nhiệm của người có thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai có thể thấy, quy định này được giữ gần như y nguyên so với Điều 207 Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, trách nhiệm kỷ luật hoặc hình sự chỉ đặt ra đối với các hành vi làm trái với quy định của pháp luật trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cá nhân cán bộ, công chức.

Những hành vi vi phạm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được liệt kê tại khoản 2  Điều 97 Nghị định 43/2014/NĐ-CP bao gồm: Không tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời theo quy định; Không thực hiện đúng quy định về tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất mà sau ba năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất; không báo cáo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Điều đáng nói là, mặc dù Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP liệt kê cụ thể các trường hợp vi phạm này nhưng tại Điều 229 Bộ luật Hình sự quy định về những hành vi phạm tội về quản lý đất đai lại không hề đề cập đến những sai phạm trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Như vậy, có thể thấy, quy định pháp luật hiện hành vẫn chưa làm rõ được trách nhiệm pháp lý đối với người có thẩm quyền trong trường hợp để xảy ra quy hoạch “treo”.

Theo tác giả, hành vi để xảy ra quy hoạch “treo” có thể được viện dẫn theo quy định về “hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất” tại điểm b khoản 1 Điều 207 Luật Đất đai năm 2013. Bởi lẽ thực tiễn cho thấy, tình trạng quy hoạch “treo” không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, quyền lợi của người dân với tư cách người sử dụng đất, mà còn gây lãng phí tài nguyên đất đai, làm cản trở sự phát triển của đất nước, gây ra những lệ lụy lâu dài cho xã hội. Mặc dù vậy, những “hành vi khác” này hiện không được Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết, nên không có cơ sở xem xét.

Hiện nay, trong dự thảo Luật, quy định trên được sửa đổi tại điểm b khoản 1 Điều 240 thành “hành vi khác gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất”. Có thể thấy, mặc dù có thể thay đổi về từ ngữ nhưng nội hàm của quy định này vẫn giống với Luật Đất đai năm 2013. Do đó, trong trường hợp Luật Đất đai (sửa đổi), Nghị định quy định chi tiết Luật cần quy định cụ thể về hành vi thiếu trách nhiệm trong việc không triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cho ra đời những quy hoạch kém chất lượng, thiếu hiệu quả, phát sinh tình trạng quy hoạch “treo”,… là những trường hợp phải bị xem xét kỷ luật hoặc hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, vấn đề khó nhất khi xác định trách nhiệm để xử lý vi phạm trong trường hợp này là thẩm quyền tổ chức lập, điều chỉnh, thông qua, phê duyệt đều là thẩm quyền của tập thể, rất khó phân định trách nhiệm của cá nhân để xử lý. Trong khi đó, đối với cơ quan, tổ chức, Bộ luật hình sự cũng chỉ xem xét trách nhiệm của pháp nhân thương mại.

Vì vậy, trong lần sửa đổi này, Luật Đất đai, Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn liên quan cần xác định rõ ranh giới giữa “trách nhiệm cá nhân” và “trách nhiệm tập thể”, hướng đến cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân có thẩm quyền trong việc để xảy ra quy hoạch “treo”, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, lãng phí các nguồn lực phát triển đất nước. Đặc biệt, tập trung vào trách nhiệm của người đứng đầu, xóa bỏ triệt để tình trạng núp bóng “thẩm quyền tập thể” để trốn tránh trách nhiệm.

Làm rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân

Bên cạnh việc xem xét quy định cụ thể trách nhiệm của người có thẩm quyền để xảy ra quy hoạch “treo” thì bổ sung các quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp này cũng là yêu cầu cấp thiết đặt ra.

Bỡi lẽ, những quy hoạch “treo”, dự án “treo” trong thời gian qua đã khiến cho cuộc sống, sinh kế, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của không ít người dân, hộ gia đình bị xáo trộn. Trong nhiều trường hợp, người dân bị mất đi chỗ ở ổn định, không thể sửa chữa nhà cửa, đất canh tác phải bỏ hoang, rơi vào cảnh đói nghèo,... Những thiệt hại này bao gồm cả thiệt hại về vật chất và tinh thần, có ảnh hưởng lâu dài đến đời sống, tâm lý của người dân.

Tuy nhiên, về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, khoản 1 Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017 quy định: “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây: a) Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này; b) Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này; c) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại”.

Như vậy, yêu cầu đầu tiên về có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại đã không thỏa mãn. Bởi như đã phân tích ở trên, hành vi thiếu trách nhiệm trong việc để xảy ra quy hoạch treo hiện nay chưa được xem là hành vi vi phạm pháp luật trong các văn bản có liên quan như Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như Bộ Luật hình sự.

Do đó, trong lần sửa đổi này, Luật Đất đai và Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước cần có sự đồng bộ trong việc bổ sung các quy định liên quan về trách nhiệm bồi thường đối với những thiệt hại mà quy hoạch kém chất lượng, quy hoạch “treo” gây ra cho người dân. Qua đó, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

-------------
(*) Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ

1 BÌNH LUẬN

  1. Hoan nghênh ý kiến xác đáng. Nếu không xác định trách nhiệm việc để xảy ra quy hoạch treo thì tư duy nhiệm kỳ vẫn còn phát triển, thất thoát tài sản công vẫn diễn ra và tham nhũng phá hoại lợi ích quốc gia.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới