Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quỹ khí hậu hối hả đổ vốn vào Đông Nam Á

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các quỹ khí hậu đang chuyển dòng vốn sang ASEAN nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi xanh, giúp các nước trong khu vực hình thành hệ sinh thái công nghệ chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu lượng phát thải.

Điện mặt trời ở Indonesia. Đông Nam Á đang thu hút sự chú ý của các quỹ khí hậu toàn cầu khi tốc độ chuyển đổi xanh của khu vực đang tăng dần. Ảnh: Reuters

Mới nhất là quỹ Aera VC đã huy động được 50 triệu đô la. Thành lập năm 2016, Aera là một trong những quỹ khí hậu lâu đời nhất châu Á, với số vốn đầu tư mỗi dự án từ 500.000 đến 1 triệu đô la. Cho đến nay, Aera đã thực hiện được hơn 24 khoản đầu tư, trong đó có 12 công ty dự án giảm phát thải.

Ngoài Đông Nam Á, Aera VC còn đầu tư vào Pháp, Ấn Độ, Úc và Mỹ. Danh mục đầu tư của Aera gồm các dự án nổi bật. Chẳng hạn, công ty Praan ở Ấn Độ chuyến chế tạo máy lọc không khí mà không cần dùng bộ lọc. Hoặc startup Shiok Meats ở Singapore chuyên sản xuất thịt hải sản từ tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Hay ngân hàng thế hệ mới Green-Got ở Pháp với các chương trình cho vay tập trung cho dự án chống biến đổi khí hậu.

Aera đặt mục tiêu thực hiện 10 khoản đầu tư hạt giống mới trong vài tháng tới và cũng sẵn sàng cấp vốn cho các vòng tiếp theo của các công ty mà quỹ đã tài trợ.

Aera có nguồn gốc ở New Zealand. Việc chuyển trụ sở sang Singapore đã giúp Aera trở thành quỹ khí hậu toàn cầu đầu tiên có trụ sở tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Là liên doanh giữa quỹ cổ phần tư nhân Everstone Capital và nhà phát triển điện mặt trời lớn nhất châu Âu là Lightsource BP, Eversource Capital đang xem xét đợt gọi vốn thứ hai trị giá 700 triệu đô nhằm mở rộng việc tài trợ cho các dự án chống biến đổi khí hậu. Tháng 1-2022, Eversource đã huy động được 741 triệu đô la trong đợt quỹ đầu tiên có tên Quỹ cổ phần tăng trưởng xanh.

Sanjay Gujral, giám đốc kinh doanh của Everstone, nói rằng bên cạnh những khoản đầu tư này là các dự án đồng đầu tư và tài trợ, với tổng số vốn đã giải ngân là 2 tỉ đô la.

Một trong các dự án của Eversource là Kathari Water Management, một nền tảng quản lý tài sản trong các công ty nước và xử lý nước thải ở Ấn Độ. Hoặc như Accretive Cleantech Finance, một công ty tài chính phi ngân hàng tài trợ khí hậu cung cấp các giải pháp tài chính cho tài sản xanh như xe điện (xe hai và ba bánh), năng lượng mặt trời trên mái nhà và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành bao bì, cấp nước, xử lý chất thải, vật liệu xây dựng và năng lượng tái tạo.

Đầu tư vào các startup về công nghệ khí hậu đã tăng lên đáng kể trong khu vực. Tháng 10 vừa rồi, HSBC cho biết họ có kế hoạch phân bổ 1 tỉ đô la để hỗ trợ các công ty công nghệ khí hậu mới nổi trên toàn thế giới.

Trong khi đó, tháng 7-2023 quỹ Radical Fund có trụ sở tại Thái Lan đã kết sổ đợt gọi vốn đầu tiên trị giá 40 triệu đô la, tập trung đầu tư vào ASEAN. Radical Fund cũng giành được sự ủng hộ của một số quỹ gia đình lớn trong khu vực.

Từ tháng 6-2023, Quỹ tín dụng tư nhân ADM Capital có trụ sở tại Hồng Kông cũng đang tìm cách huy động 200 triệu đô cho Quỹ cảnh quan thông minh khí hậu châu Á (ACLF) dành cho các dự án ở Indonesia.

Theo DealStreetAsia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới