Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quy luật lãi suất

LS. Trương Thanh Đức (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Mong muốn của doanh nghiệp được bơm mạnh vốn tín dụng, hạ thấp lãi suất cho vay, đồng thời phải giữ được mức lạm phát thấp, dường như là câu chuyện “tam nhân bất đồng hành” trong nền kinh tế thị trường.

Doanh nghiệp khó khăn, cần bơm vốn để cấp cứu, duy trì sự tồn tại, tránh phá sản, thì ngân hàng sẽ hết sức cân nhắc và không dễ dàng cho vay vì rủi ro rất cao. Ảnh: N.K

Thị trường tín dụng

Doanh nghiệp luôn mong vay được nhiều vốn với lãi suất thấp, nay càng bị thôi thúc hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ còn tiếp tục tàn phá nền kinh tế, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng thử thách khó khăn, thua lỗ, phá sản.

Ngân hàng cũng muốn tăng dư nợ, cùng với việc giảm lãi suất để dễ bán hàng và bán được nhiều vốn tín dụng. Nhưng việc cho vay của ngân hàng luôn gặp phải thách thức rủi ro lớn và lãi suất thì lại hoàn toàn do thị trường quyết định.

Là nhà cung cấp vốn cho thị trường, nhưng ngân hàng không sản xuất ra tiền vốn, mà phải đi vay của thị trường. Có thể khẳng định, lãi suất tiền vốn là một trong số ít loại giá cả hàng hóa được vận hành theo đúng quy luật, không bị làm giá và phản ánh sát thực nhất cung cầu thị trường tín dụng.

Với thực tế cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành ngân hàng, lãi suất cao hay thấp cũng đều hết sức bình thường, cao cũng chỉ rất tạm thời mà thấp thì cũng chỉ là nhất thời, vì luôn luôn có xu hướng cân bằng hợp lý, vừa phải. Mọi điều kiện đi vay cũng như cho vay và các yếu tố liên quan, đều dẫn đến ẩn số “lãi suất cho vay”, mà suy cho cùng thì là “lãi suất thu nợ”, tức lãi suất không phải cao hay thấp tại thời điểm cho vay, mà phải xét ở thời điểm thu được nợ. Cho vay khó một thì thu nợ khó mười, cho vay càng dễ thì thu nợ càng khó.

Con số và tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng vẫn cao, nhưng tỷ suất lợi nhuận thì lại thấp, trong khi rủi ro của ngân hàng đang bò lên con dốc dựng ngược còn cao hơn lợi nhuận.

Mong muốn tăng tín dụng

Mong muốn tăng trưởng tín dụng là của cả hai phía doanh nghiệp và ngân hàng, tuy nhiên giữa cung và cầu lại có sự mâu thuẫn không dễ tháo gỡ. Trong bối cảnh thuận lợi, cũng vẫn thấy nhiều tiếng nói của doanh nghiệp kêu ca gặp khó khi vay vốn ngân hàng, trong bối cảnh khó khăn thì càng không dễ dàng. Thử thách đi vay và cho vay là quá dễ so với thách thức trả nợ và thu nợ.

Việc tăng tín dụng và giảm lãi suất để cứu doanh nghiệp đang trông chờ vào chính sách của Chính phủ hỗ trợ từ đối tượng vay, điều kiện vay cho đến lãi suất, đồng thời với việc sẽ phải chấp nhận các rủi ro về lạm phát và tín dụng.

Lúc thị trường thuận, việc cho vay đúng chuẩn cũng đã rất khó khăn vì phải dựa vào các yếu tố thông tin khách hàng, dự án, tài chính, tài sản bảo đảm thiếu tin cậy, kém minh bạch. Thời thị trường không thuận, mà bơm mạnh tín dụng thì đồng nghĩa với việc phải chấp nhận cho vay dưới chuẩn và đón nhận hậu quả nan giải sau này. Hoạt động của các ngân hàng chuẩn mực không chấp nhận đánh đổi điều này.

Nếu nhu cầu vốn tăng lên do sản xuất kinh doanh thuận lợi thì ngân hàng sẽ dễ dàng đáp ứng theo quy luật cung cầu. Nhưng nếu doanh nghiệp khó khăn, cần bơm vốn để cấp cứu, duy trì sự tồn tại, tránh phá sản, thì ngân hàng sẽ hết sức cân nhắc và không dễ dàng cho vay vì rủi ro rất cao. Rủi ro của doanh nghiệp cũng chính là nguy cơ của ngân hàng, vấn đề chỉ còn là sớm hay muộn.

Vì vậy, không nên trông chờ nhiều vào khả năng đẩy mạnh tín dụng, nhất là lại đồng thời với việc hạ lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại.

Mong muốn giảm lãi suất

Lãi suất cho vay phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có: tỷ lệ lạm phát, lãi suất huy động; các tỷ lệ dự trữ tiền gửi và bảo đảm thanh khoản vốn; khả năng thất thoát vốn vay; các chi phí thu hồi, xử lý nợ; chi phí và lợi nhuận của ngân hàng; và một yếu tố đòn cân mang tính quyết định là cung cầu thừa hay thiếu vốn. Kể cả các yếu tố phi thị trường cũng góp phần cấu thành nên lãi suất thị trường.

Vì vậy, dường như là một sự tất yếu, lãi suất tiền đồng cao hơn lãi suất bình quân thế giới và cao hơn nhiều so với lãi suất các đồng tiền khác như euro, đô la Mỹ, bảng Anh, yen Nhật… Do đó, muốn giảm lãi suất cho vay thì phải tác động vào các tỷ lệ và chi phí cấu thành lãi suất.

Dùng chính sách tiền tệ để kéo giảm lãi suất thì hiện gần như không còn dư địa. Lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước cho các tổ chức tín dụng vay vốn đã giảm nhiều, đến nay chỉ còn 4%/năm và 2,5%/năm. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là vốn huy động tiền đồng phải gửi vào Ngân hàng Nhà nước từ tháng 6-2018 đến nay của quỹ tín dụng nhân dân đã là 0%; của các ngân hàng thương mại chỉ có 1% đối với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và 3% đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng (riêng Agribank chỉ còn 0,5% và 1,5% từ tháng 8-2021 đến hết tháng 1-2022). Đây đã là tỷ lệ rất thấp để bảo đảm khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Như vậy, không thể đòi hỏi thêm việc hạ lãi suất từ chính sách tiền tệ.

Việc giảm lãi suất bằng công cụ hành chính là đi ngược lại quy luật thị trường và thường không mang lại tác dụng thực chất. Ví dụ, từ tháng 10-2020, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng với bốn trường hợp khác (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao) chỉ có 4,5%/năm.

Tuy nhiên, vì đây là mức lãi suất thấp hơn rất nhiều so với thị trường, nên ngân hàng chỉ cho vay nếu vẫn an toàn và hiệu quả, bằng không họ vẫn có hai lý do để từ chối rất đúng luật, đó là doanh nghiệp phải có “tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh” và phải đạt được sự thỏa thuận về nhiều điều kiện khác.

Do đó, việc tăng tín dụng và giảm lãi suất để cứu doanh nghiệp đang trông chờ vào chính sách của Chính phủ hỗ trợ từ đối tượng vay, điều kiện vay cho đến lãi suất, đồng thời với việc sẽ phải chấp nhận các rủi ro về lạm phát và tín dụng.

Vẫn cứ phải tìm lời giải, dù mục tiêu tăng tín dụng, giảm lãi suất và lạm phát thấp cũng tựa như “bộ ba bất khả thi”.

———-

(*) Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC

2 BÌNH LUẬN

  1. Lãi suất không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp và ngân hàng mà là của toàn bộ nền kinh tế. Ngân hàng cũng không muốn cho vay lãi cao. Doanh nghiệp thì mong muốn lãi suất thấp. Nhưng thực ra lãi suất thấp chỉ có ý nghĩa khi sự biến động mạnh của lãi suất thị trường bị loại trừ và thời gian áp dụng lãi suất thấp khá dài mới mang lại hiệu quả. Bối cảnh hiện nay rất rủi ro, lạm phát rình rập, lãi suất sẽ tăng bất cứ lúc nào chưa dự đoán được, vì vậy doanh nghiệp phải biết cân đối sử dụng vốn hợp lý, nên vay ngắn hạn thay vì dài hạn, tăng cường nguồn vốn tự lực thay cho vốn đi vay là chủ yếu… Quan trọng là có chiến thuật sử dụng vốn linh hoạt và chủ động.

  2. Ngân hàng hiện nay rất tỉnh táo, không chạy đua tăng trưởng tín dụng như trước để chuốc lấy thảm họa nợ xấu. Khách hàng qua đợt dịch khốc liệt vừa rồi cũng sẽ nhận ra rằng ngân hàng nào mới là đối tác đồng hành đáng tin cậy. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Lãi suất cũng vậy. Đừng tham bát bỏ mâm. Ngân hàng và khách hàng, tuy hai mà một. Trong quan hệ tín dụng, rốt cuộc chỉ có sự lựa chọn chính xác đối tác tin cậy mới là quan trọng nhất, chứ không phải/ không hẳn là lãi suất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới