(KTSG Online) - Dòng vốn Nhật Bản luôn nằm trong tốp đầu về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Nhân dịp đầu năm mới, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM đã chia sẻ với KTSG Online về xu hướng, chiến lược đầu tư của doanh nghiệp nước này vào Việt Nam trong thời gian tới.
Khép lại một năm đầy khó khăn do dịch Covid-19, nguồn vốn từ Nhật Bản vào Việt Nam năm vừa qua vẫn tăng 64,6% so với năm 2020. Có hơn 55% trong số 700 doanh nghiệp nước này tại Việt Nam được khảo sát cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư trong 1-2 năm tới.
KTSG Online: Vì sao lượng doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục chọn Việt Nam để mở rộng đầu tư nhiều nhất trong khu vực ASEAN trong bối cảnh đất nước bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh do Covid-19, thưa ông?
Ông Hirai Shinji: Đúng vậy, khảo sát của JETRO vào tháng 8 và 9-2021, thời điểm TPHCM và các tỉnh phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng có đến 55,3% doanh nghiệp được hỏi cho biết mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Đây là tỷ lệ doanh nghiệp dự định mở rộng kinh doanh cao nhất của khối doanh nghiệp Nhật Bản ở khu vực ASEAN.
Cơ sở để các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam lạc quan tiếp tục rót vốn mở rộng kinh doanh là việc tiếp tục mở rộng xuất khẩu, quy mô tăng trưởng doanh thu của thị trường nội địa gần 100 triệu dân Việt Nam khá hấp dẫn và sự ổn định về chính trị của môi trường kinh doanh.
Có thể nói dù chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 bùng phát trong quí 3 năm 2021 nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tin tưởng vào tiềm năng đầu tư lâu dài ở Việt Nam. Trong khu vực ASEAN, rõ ràng các doanh nghiệp Nhật Bản đã nhìn thấy Việt Nam có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư hơn so với các quốc gia khác.
Những lợi thế về môi trường đầu tư của Việt Nam dưới cái nhìn của doanh nghiệp Nhật Bản trong lần khảo sát này có vẻ khác so với những kết quả khảo sát lần trước?
Nếu quay lại những năm 2018 về trước thì quy mô thị trường và tiềm năng của Việt Nam chỉ được xếp thứ 3 trong lựa chọn của họ. Trong khi đó, chi phí lao động giá rẻ và ổn định chính trị luôn đứng đầu trong sự lựa chọn của doanh nghiệp Nhật Bản.
Tuy nhiên, sức hấp dẫn về chi phí lao động giá rẻ này hiện nay không còn là quyết định ưu tiên để họ chọn Việt Nam đầu tư. Bởi lẽ trên thực tế, nếu chọn lao động giá rẻ thì các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia khác, không phải là Việt Nam.
Và khảo sát cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh khó khăn hiện nay là yếu tố về sức hấp dẫn về quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Đây được xem là lợi thế rất lớn của Việt Nam và được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao nhất để họ quyết định mở rộng đầu tư trong thời gian tới.
Vậy có doanh nghiệp Nhật Bản nào ở Việt Nam muốn dịch chuyển sản xuất hoặc đầu tư sang các quốc gia khác không, thưa ông?
Khảo sát của JETRO diễn ra trong thời điểm môi trường kinh doanh rất khó khăn do dịch bệnh bùng phát, phải thực hiện giãn cách xã hội, nên khi đó cũng có khoảng 1,9% doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam cho biết có xu hướng thu nhỏ quy mô hoạt động và chỉ khoảng 0,3% doanh nghiệp có phương án rút khỏi Việt Nam. So với kết quả khảo sát của năm trước đó thì tỷ lệ dịch chuyển này giảm 3,9 điểm phần trăm. Và so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á thì tỷ lệ này ở Việt Nam là khá thấp.
Hiện có 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản đứng thứ hai với gần 64,4 tỉ đô la (chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư).
Mặt khác việc dịch chuyển này cũng không có nghĩa họ đóng cửa toàn bộ ở Việt Nam, một số doanh nghiệp cho biết họ phải chuyển hướng sang các nước khác để bù cho những phần chưa thể sản xuất kịp ở Việt Nam. Trong tương lai, khi tình hình chống dịch ở Việt Nam khả quan hơn, họ vẫn muốn quay lại. Và trên thực tế, đến nay tôi cũng chưa thấy có doanh nghiệp Nhật Bản nào rút khỏi Việt Nam sau trận dịch này.
Theo ông xu hướng đầu tư sắp tới của doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam sẽ như thế nào?
Về hoạt động sản xuất, tuy vẫn giữ được thế mạnh là sản xuất các sản phẩm đa dạng nhưng xu hướng cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang chuyển dần sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Đơn cử như trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất các trang thiết bị y tế, sản phẩm bảo vệ an toàn con người và chăm sóc sức khỏe đòi hỏi công nghệ, thiết bị kỹ thuật cao.
Trong tương lai gần, chúng ta có thể kỳ vọng vào những doanh nghiệp Nhật Bản với trình độ sản xuất công nghệ cao sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam nhằm sản xuất những sản phẩm khác có giá trị gia tăng cao. Tôi tin rằng sẽ có các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào khu công nghệ cao TPHCM hay các dự án về công nghệ nhựa liên quan đến công nghệ hóa dầu ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu,…
Có thể nói đây là một bước chuyển đổi đáng kể trong đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản. Bởi lẽ trước đây cách làm phổ biến của đầu tư doanh nghiệp Nhật Bản là thực hiện gia công sản xuất tại Việt Nam rồi xuất khẩu trở về lại thị trường Nhật Bản.
Thời gian sắp tới, theo tôi, nguyên vật liệu sản xuất không chỉ mang từ Nhật Bản qua lắp ráp mà họ sẽ tăng thu mua tại Việt Nam. Bên cạnh xuất trở lại Nhật Bản, sản phẩm sản xuất ở Việt Nam sẽ còn hướng đến thị trường lân cận khác.
Khảo sát còn cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản đang xem Việt Nam là một thị trường tiêu thụ. Vậy sắp tới đây sẽ có những doanh nghiệp thương mại lớn của Nhật Bản đến Việt Nam?
Tôi cho rằng dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng là tiền đề để doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp khối phi sản xuất của Nhật Bản tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.
Ngoài các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng… thì những địa phương phát triển kinh tế hoặc có thu nhập đầu người cao như tỉnh Bình Dương cũng thu hút các doanh nghiệp phi sản xuất Nhật Bản đến đầu tư kinh doanh.
Trong năm 2021, Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,9 tỉ đô la Mỹ, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 64,6% so với cùng kỳ.
Hiện nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn căng thẳng nên các doanh nghiệp mới khó có thể đến Việt Nam lúc này. Tuy nhiên, những doanh nghiệp bán lẻ đã có mặt ở Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng những điểm kinh doanh bất kể dịch bệnh hoành hành. Đơn cử như nhãn hàng thời trang Uniqlo của Fast Retailing tiếp tục mở rộng điểm bán lẻ mới ở Việt Nam; trong khi Aeon Mall thì vừa cho khởi công trung tâm thương mại lớn ở thành phố mới Bình Dương vào tháng 12 vừa qua…
Nhìn chung cơ sở để các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam lạc quan mở rộng kinh doanh là yếu tố quy mô tăng trưởng doanh thu của thị trường nội địa khá hấp dẫn.
Như ông đề cập, xu hướng sắp tới doanh nghiệp Nhật Bản gia tăng thương mại và phi sản xuất, trong khi vốn đầu tư cho lĩnh vực này thường có quy mô nhỏ. Với xu hướng này thì liệu dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ sụt giảm trong thời gian tới?
Nhìn tổng thể về vốn đầu tư thì chỉ cần một dự án của doanh nghiệp lớn sẽ giúp tổng vốn đăng ký chung nhiều lên so với nhiều doanh nghiệp phi sản xuất nhỏ và vừa cộng lại.
Quay lại số lượng khảo sát năm 2021 cho thấy, lượng doanh nghiệp sản xuất và phi sản xuất, lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia khảo sát tương đối cân bằng, không chênh lệch nhiều. Và nếu số các dự án mở rộng đầu tư của doanh nghiệp phi sản xuất nhỏ và vừa tăng lên nhiều thì khi đó tổng đầu tư sẽ không thay đổi so với trước đây.
Vậy làm thế nào để Việt Nam tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản?
Tôi cho rằng không riêng khối doanh nghiệp thương mại mà đối với hoạt động sản xuất thì hiện tại cũng sẽ rất khó có doanh nghiệp Nhật Bản mới đến để đầu tư do yếu tố dịch bệnh đi lại khó khăn. Do vậy, tôi không kỳ vọng vào làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam trong lúc này. Dòng vốn mới phụ thuộc rất nhiều vào việc mở cửa đi lại giữa hai quốc gia, trong đó có việc kết nối lại các đường bay quốc tế. Chúng tôi vẫn kỳ vọng doanh nhân, nhà đầu tư sẽ đi lại dễ dàng hơn trong năm nay.
Tuy nhiên, dòng vốn Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2022 sẽ được bổ sung từ các nhà đầu tư hiện hữu qua các dự án mở rộng đầu tư và kinh doanh.
Có những hạn chế nào ở Việt Nam đang làm chùn bước mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản không, thưa ông?
Điều mà giới đầu tư Nhật Bản vẫn còn băn khoăn về môi trường đầu tư của Việt Nam là rủi ro chi phí nhân công tăng vọt (60,2% doanh nghiệp được khảo sát cho biết như vậy, giảm 3,5 điểm so với năm trước).
Mặt khác, sau làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng than phiền về sự phức tạp trong thủ tục hành chính (53,8%, tăng 7,1 điểm so với năm trước) tiếp tục tăng cao so với năm trước. Không những vậy, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc (43,4%, tăng 4,8 điểm) cũng có khuynh hướng tăng.
Điểm đáng chú ý là các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn còn phàn nàn về tính thiếu minh bạch trong vận hành chính sách của chính quyền địa phương, như chính sách công nghiệp, chính sách năng lượng, quy định vốn nước ngoài... Tiếp đến là giá đất thuê văn phòng tăng, tỷ lệ nội địa hóa đã cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với các nước...
Vì vậy, khi mà các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng hoạt động ở Việt Nam, yếu tố mà họ mong đợi là một môi trường đầu tư kinh doanh hoàn thiện hơn.
Xin cám ơn ông!
JETRO gần đây đã công bố báo cáo khảo sát từ 4.600 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại gần 20 thị trường nước ngoài, trong đó có 700 doanh nghiệp ở Việt Nam. Khảo sát được thực hiện từ 25-8 đến 24-9-2021, trùng với khoảng thời gian Việt Nam áp dụng các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt.Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 55% trong số 700 doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Hơn 42,5% doanh nghiệp dự kiến duy trì ở quy mô hiện tại.