Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quỹ tài trợ đại học Nhật Bản lỗ lớn trong năm đầu tiên

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Quỹ tài trợ đại học trị giá 10.000 tỉ yen (70 tỉ đô la) của Nhật Bản đã có một năm khởi đầu khó khăn với khoản lỗ ròng lên đến 420 triệu đô la. Riêng khoản lỗ đầu tư vào trái phiếu của quỹ lỗ đến 890 triệu đô la do lãi suất tăng cao trên toàn cầu.

Các trường đại học Nhật Bản đang tìm tòi học cách đầu tư nguồn tiền tài trợ từ các mạnh thường quân dù nguồn vốn này rất ít ỏi so với các trường đại học châu Âu và Mỹ. Đại học Tokyo còn bổ nhiệm người của quỹ đầu tư Black Rock làm giám đốc đầu tư của trường.

Đại học Tokyo là một trong ba trường có thể nhận được tiền hỗ trợ từ Quỹ tài trợ đại học Nhật Bản trong mùa thu này. Đại học Tokyo cũng là nơi sớm hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm vào các startup công nghệ mới nổi và cũng là trường đầu tiên có giám đốc đầu tư. Ảnh: Nikkei Asia

Mô hình Nhật Bản

Ra mắt năm ngoái, quỹ đặt mục tiêu hỗ trợ tài chính cho các trường đại học Nhật Bản nhằm giúp các trường tăng bậc xếp hạng và lọt vào nhóm những trường tốt nhất trên thế giới. Quỹ do Cơ quan Khoa học và công nghệ Nhật Bản (JST) trực thuộc Bộ Giáo dục quản lý

Trong năm tài chính đầu tiên kết thúc vào tháng 3 vừa rồi, hiệu suất đầu tư của quỹ âm 0,6%. Các khoản đầu tư quỹ vốn cổ phần tư nhân đã mang lại lợi nhuận 65,5 tỉ yen, các khoản đầu tư khác cũng mang lại lợi nhuận nhỏ hơn. Riêng các khoản lỗ trái phiếu lên tới 126,3 tỉ yen (890 triệu đô la) do lãi suất tăng trên toàn thế giới.

Tính đến cuối tháng 3, 55% tài sản do quỹ quản lý là trái phiếu chính phủ, bao gồm trái phiếu chính phủ Nhật Bản. Trong khi đó 17% tài sản được phân bổ cho quỹ đầu tư tư nhân. Tỷ lệ tài sản thay thế có rủi ro cao được giữ ở mức thấp nhằm ưu tiên ổn định nền tảng tài chính của quỹ trong năm đầu tiên hoạt động.

Thu nhập ròng của quỹ bao gồm cổ tức bằng cổ phiếu và các khoản lãi và lỗ cố định đạt tổng cộng 74,2 tỉ yen cho năm tài chính 2022. Đồng thời, các khoản lỗ chưa thực nhận lên đến 125,9 tỉ yen tính đến cuối tháng 3.

JST cho biết các khoản trợ cấp được phân bổ dựa trên tình hình tài chính của quỹ và số liệu lãi lỗ hiện tại.

“Các khoản trợ cấp được thường được trích từ lợi tức đầu tư. Vì thế, sẽ rất khó có tiền để tài trợ nếu quỹ đầu tư không đạt kết quả kinh doanh như mong muốn”, một quan chức cấp cao của Bộ Giáo dục cho biết.

Quỹ đã nhận được đơn xin trợ cấp từ 10 trường, trong đó Đại học Tokyo, Đại học Kyoto và Đại học Tohoku được chọn vào vòng trong. Một hoặc hai trường có thể sẽ được chọn để nhận trợ cấp vào mùa thu.

Học tập và ganh đua với mô hình Âu - Mỹ

Phần lớn các đại học của Mỹ chủ yếu dựa vào các quỹ tài trợ để hỗ trợ hoạt động.

Đại học Yale sở hữu một trong những quỹ tài trợ lớn nhất thế giới với khoảng 41 tỉ đô la. Khoảng 70% trong số đó là tài sản thay thế, bao gồm tài nguyên thiên nhiên và bất động sản. Trường cũng đã tăng đầu tư vốn mạo hiểm kể từ những năm 2010.

Đại học Harvard ở Mỹ đã đầu tư vào các lĩnh vực thay thế như bất động sản và cổ phiếu chưa niêm yết bằng tài sản của trường. Đại học này đã kiếm được hơn 2 tỉ đô la từ các khoản đầu tư trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6-2022, tổng số tiền tài trợ của trường là 50,9 tỉ đô la.

Khoản tài trợ tại Đại học Stanford cũng ở Mỹ được định giá 37,8 tỉ đô la tính đến tháng 9-2021. Đại học Cambridge của Vương quốc Anh có khoản tài trợ trị giá 3,8 tỉ bảng Anh (4,8 tỉ đô la) tính đến tháng 6-2022.

Trong số các trường Nhật Bản, khoản tài trợ của Đại học Keio là 87 tỉ yen trong năm tài chính 2020, tương đương khoảng 612 triệu đô la theo tỷ giá hiện nay. Riêng Đại học Tokyo chỉ nhận được 19 tỉ yen.

Các trường đại học châu Âu và Mỹ sử dụng tiền lãi đầu tư từ các khoản tài trợ để hỗ trợ tài chính cho sinh viên, duy trì và quản lý các cơ sở nghiên cứu, đồng thời trả lương cho các giáo sư.

Nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính với các trường phương Tây, Quỹ tài trợ đại học của Nhật Bản có mục tiêu đầu tư 4,49% hàng năm, mức cao đối với các nhà đầu tư tổ chức trong nước. Quỹ đang đặt mục tiêu lợi nhuận 300 tỉ yen vào cuối tháng 3-2027. Ngoài ra, quỹ dành 600 tỉ yen làm nguồn quỹ dự phòng rủi ro, tương đương hai năm lợi nhuận dùng để tài trợ trong trường hợp thị trường đầu tư xấu đi.

Nhìn vào tài sản được quản lý của quỹ Nhật Bản tính đến cuối tháng 3, chứng khoán Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong vốn cổ phần toàn cầu với 936,3 tỉ yen, tiếp đến là chứng khoán Nhật Bản với 420,5 tỉ yên. Lượng trái phiếu Mỹ và Nhật luôn đứng đầu, tiếp theo là trái phiếu từ Pháp, Úc và Tây Ban Nha.

Mục tiêu đầu tư trên 4% không áp dụng trong khi quỹ đang xây dựng danh mục đầu tư. Điều này nhắm tránh cản trở nguồn tài trợ dài hạn cho các trường đại học. JST giải thích “bởi tỷ lệ an toàn vốn của quỹ thấp do phụ thuộc vào các khoản vay dài hạn với lãi suất thấp của chính phủ”.

Sayuri Kawamura tại Viện nghiên cứu Nhật Bản cho rằng: “Mục tiêu đầu tư của quỹ khá cao so với các nhà đầu tư tổ chức khác như quỹ hưu trí quốc gia. Vì thế, sẽ không dễ để tạo ra lợi nhuận ổn định”.

Săn người từ quỹ đầu tư Black Rock

Tháng 4-2018 Đại học Tokyo đã bước đầu lập quỹ đầu tư mạo hiểm riêng có tên University of Tokyo Edge Capital. Quy mô ban đầu là 25 tỉ yen (226 triệu đô la), UTEC đặt mục tiêu đầu tư vào các startup trong ngành dược phẩm, khoa học vật liệu và các công nghệ đột phá khác.

Cuối tháng 3 vừa rồi, Đại học Kyoto đã bổ nhiệm ông Takeshi Fukushima từng giữ chức giám đốc đầu tư (CIO) của Black Rock Japan làm CIO của đại học này. Cần phải nhắc rằng Black Rock là tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu có trụ sở tại New York, Mỹ có nguồn vốn tổng chủ sở hữu đến 32.500 tỉ đô la.

Dữ liệu mới nhất cho thấy trường đại học hàng đầu của Nhật Bản có quỹ tài trợ khoảng 44 tỉ yen (332 triệu đô la). Trái phiếu chiếm khoảng 60% danh mục đầu tư, trong khi cổ phiếu và các khoản đầu tư thay thế chiếm 20% mỗi loại.

Đại học Tokyo có kế hoạch chuyển các tỷ lệ các khoản đầu tư thay thế thành 60%, tăng gấp ba lần, và mỗi danh mục trái phiếu và cổ phiếu chiếm 20%. Các khoản đầu tư thay thế được coi là rủi ro hơn, nhưng có thể tạo ra lợi nhuận lớn hơn.

Đại học Tokyo hiện vẫn công bố tỷ lệ mới cho các khoản đầu tư thay thế, hiện vẫn chia đều giữa vốn cổ phần tư nhân và bất động sản. Trường đã tăng tỷ lệ hoàn vốn dự kiến hàng năm lên 5% từ 3,5%.

Tân CIO Fukushima cũng sẽ được giao nhiệm vụ quản lý rủi ro và thu hút nhân tài.

Từ năm 2018, Đại học Tokyo đã bắt đầu chuyển trọng tâm ra khỏi các khoản đầu tư an toàn nhưng lợi nhuận thấp như tiền gửi và trái phiếu chính phủ sau khi Nhật Bản nới lỏng các quy định về quản lý tài sản tại các trường đại học quốc gia.

Khi tìm cách mở rộng quy mô quỹ tài trợ, Đại học Tokyo có kế hoạch tăng cường “tiếp cận các nhà tài trợ và kêu gọi quyên góp”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới