Thứ Sáu, 24/03/2023, 00:13
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Quyền được biết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quyền được biết

(TBKTSG Online) – Khí hậu ngày một khắc nghiệt do tình trạng ấm lên của trái đất; giá cả tiêu dùng tăng chóng mặt và không hề có dấu hiệu dừng lại; nạn ùn tắc giao thông đô thị trở thành căn bệnh gần như mãn tính; trên báo, Internet, phát thanh, truyền hình, càng lúc càng tràn ngập thông tin, bình luận về sự xuống cấp của những giá trị, về cái xấu, cái ác…

Nói chung, dường như chất lượng cuộc sống xã hội đang kém dần. Nhưng…

Nỗi nghi ngại càng tăng khi khía cạnh tiêu cực của cuộc sống được ghi nhận khắp nơi, chứ không chỉ ở những góc khuất, xa xăm, khó kiểm soát của xã hội. Chẳng hạn, ngay giữa một cộng đồng dân cư đông đúc của Hà Nội lại có một cô gái bị chủ công nhiên hành hạ như nô lệ suốt mười mấy năm; cũng chính từ thủ đô đã bùng phát dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, một thứ dịch mà, trong suy nghĩ bình thường, chỉ khiến người ta liên tưởng đến những vùng đất nghèo nàn, lạc hậu.

Thực ra, những chuyện bê bối, tội ác, thảm họa… được nhắc tới một cách thường xuyên, chưa hẳn vì chúng xảy ra nhiều hơn. Cần phải tính đến số lượng các vụ xung đột, khủng hoảng trong mối quan hệ so sánh với số lượng thành viên của xã hội. Vả lại, điều kiện thông tin liên lạc trong cuộc sống hiện đại đã được cải thiện đáng kể; chuyện gì đó xảy ra ở đâu rất xa xôi, hẻo lánh, chỉ trong một thời gian ngắn, đã được toàn xã hội biết đến.

Có điều chắc chắn: so với nhiều năm trước, người dân và giới truyền thông bây giờ đã có thể bàn luận về nhiều chủ đề từng được cho là cấm kỵ hoặc nhạy cảm, một cách công khai, theo các quan điểm khác biệt và nhất là không phải với thái độ dè dặt, sợ đụng chạm. Mà, suy cho cùng, đó cũng chỉ là sự khẳng định những gì đã được thừa nhận từ lâu, trên giấy tờ, như các nguyên tắc cơ bản chi phối sự vận hành của xã hội.

Trước hết, xã hội có quyền biết điều gì đang xảy ra, một khi những hệ lụy của nó tác động trực tiếp đến cuộc sống của mỗi thành viên, dù theo hướng tích cực hay tiêu cực. Có một thời, các thành viên xã hội chỉ được phép tiếp nhận thông tin theo các kênh chính thức, được kiểm soát chặt chẽ. Cơ chế thông tin này được trông đợi có tác dụng như một công cụ định hướng ứng xử cho toàn xã hội, theo một khuôn mẫu thống nhất do nhà nước xây dựng. Ngày nay, ai cũng hiểu sự trông đợi đó là phi thực tế.

Rõ hơn, ứng xử nhân văn, được hiểu là hành vi có ý thức của chủ thể trong giao tiếp, luôn hình thành trong khuôn khổ theo đuổi lợi ích nào đó mà chủ thể nhắm tới, chứ không phải theo sự điều khiển từ bên ngoài. Giữa lúc cao điểm dịch cúm gia cầm, người ta không ăn thịt gà, vịt, đơn giản vì sợ chết, hơn là vì tự nguyện tuân lệnh của nhà chức trách. Điều đó cũng có nghĩa là nếu không sợ, thì người ta vẫn sẽ ăn và… có thể sẽ chết. Bởi vậy, biện pháp định hướng ứng xử tốt nhất, có hiệu quả bền vững nhất, là cung cấp đầy đủ thông tin về sự việc xảy ra, đặc biệt là về hậu quả dự kiến khách quan của từng cách xử sự trong tình huống cụ thể. Chính sự hiểu biết tường tận sẽ dẫn dắt xã hội đi đến chỗ lựa chọn cách ứng xử hợp lý.

Mặt khác, một khi đã nhận thức đầy đủ về quyền được thông tin, xã hội sẽ không ngừng đòi hỏi chất lượng thông tin phải được nâng cao, hoàn thiện. Một bài báo, bình luận về kỳ họp vừa qua của Quốc hội, đã đưa ra nhận xét đại thể rằng đông đảo cử tri vẫn theo dõi các cuộc chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với các thành viên của Chính phủ, nhưng với mức độ háo hức, chú tâm kém hơn trước nhiều. Điều này hiểu được: so với cách nay vài năm, các cuộc chất vấn không có gì mới về thể thức giao tiếp, trao đổi, do đó, trở nên đơn điệu, nhàm chán. Đặc biệt, việc trả lời của nhiều thành viên Chính phủ đã thành bài bản quen thuộc đến mức một người dân với trình độ hiểu biết trung bình cũng có thể đoán trước nội dung chính của nó. Sự thờ ơ của người dân được coi như phản ứng xã hội, có tác dụng tạo sức ép đối với việc cải thiện chất lượng thông tin tại diễn đàn Quốc hội.

Xã hội cũng có quyền được biết bản chất và căn nguyên của sự việc được thông tin. Chính từ nhận thức về quyền này mà người ta thắc mắc tại sao nhà chức trách y tế không gọi trận dịch xuất phát từ Hà Nội vừa qua là dịch tả, mà lại là dịch “tiêu chảy cấp nguy hiểm”. Thậm chí, theo các quan chức có thẩm quyền, nếu gọi đúng và đầy đủ thì tên của dịch còn dài hơn nữa. Rốt cuộc, nhà chức trách y tế kiên quyết khẳng định cách gọi của mình; nhưng phản ứng trước đó của dư luận cho thấy xã hội không còn tiếp nhận thông tin một cách thụ động, dù là thông tin từ các nguồn chính thức.

Trong một ví dụ khác, một đại biểu Quốc hội, khi chất vấn Bộ trưởng Nội vụ cũng tại kỳ họp vừa rồi, đã đặt một câu hỏi khá tế nhị liên quan đến chuyện phân biệt đối xử giữa người trong Đảng và người ngoài Đảng khi bổ nhiệm, thăng chức trong bộ máy nhà nước. Chuyện rất cũ nhưng người ta vẫn cảm thấy hứng thú khi nó được đem ra bàn luận một cách công khai, trong khuôn khổ một phiên họp của cơ quan quyền lực nhà nước: điều chưa có tiền lệ. Câu trả lời của ông bộ trưởng không thỏa đáng, song đó không hẳn do ông né tránh đối thoại: đúng hơn, chỉ riêng ông không đủ thẩm quyền để giải quyết dứt khoát vấn đề.

Có những chuyện xảy ra giống như hôm kia, hôm qua, nhưng hôm nay được xử lý khác đi, do yêu cầu của xã hội về sự tôn trọng đối với những nguyên tắc chủ đạo của nhà nước pháp quyền. Chẳng hạn, nạn tham nhũng, ngày xưa có những vị trí được bảo bọc, che chắn bằng hệ thống xử lý nội bộ, trở nên bất khả xâm phạm đối với công luận. Còn bây giờ, thứ trưởng cũng đã phải đứng trước vành móng ngựa để chịu trách nhiệm về các tội đục khoét của công. Cuộc đấu tranh chống đặc quyền, đặc lợi bất minh và bất công không hề dễ dàng, nhưng nó đang tiến triển.

Nói tóm lại, những mảng tối, cái xấu, cái ác luôn là một phần của đời sống xã hội. Bức tranh xã hội hiện đại không hẳn xấu hơn trước, nhưng chắc chắn nó đã được nhận diện rõ hơn, nhờ có được thông tin đầy đủ và có chất lượng tốt hơn. Minh bạch hóa thông tin đã trở thành xu thế không thể đảo ngược và xu thế đó chính là nét chấm phá tích cực của cuộc sống hôm nay.

Thực ra, cũng có những điều trước đây là bình thường, nhưng bây giờ lại trở nên xấu, do nhận thức xã hội đã thay đổi. Ví dụ trong thời bao cấp, mỗi khi bắt được hàng lậu như thuốc lá, vải vóc, thuốc Tây…, thì người ta tịch thu rồi giao cho thương nghiệp quốc doanh tổ chức bán cho công nhân, viên chức, nhân dân để lấy tiền sung công quỹ. Còn bây giờ, nhà chức trách cũng được xác định là một chủ thể trong xã hội có tổ chức, như các chủ thể khác, nghĩa là cũng phải chịu sự chi phối của pháp luật. Cách xử sự đó có thể khiến nhà chức trách – chủ thể bị coi là có hành vi dùng lợi thế của kẻ mạnh để “phỗng tay trên” phẩm vật của bọn buôn lậu.

Cuối cùng, chắc chắn là có một thứ đang thực sự xấu đi, do xuống cấp, đó là môi trường sống. Mà, điều này cũng hợp quy luật: quả đất chỉ có giới hạn, trong khi sự gia tăng dân số và năng lực khai thác của con người thì chẳng chịu một giới hạn nào. Nếu cứ theo đà này, thì hành tinh của chúng ta có ngày sẽ chỉ còn đá và cát.

Nhận thức đã rõ, vậy thì thái độ sống đúng đắn, tích cực của con người đương đại cũng được xác định: một mặt, cần phải bảo vệ và nâng niu môi trường thiên nhiên; mặt khác phải tiếp tục đẩy mạnh tiến trình minh bạch hóa thông tin bằng sức ép của toàn xã hội đối với tất cả các hệ thống, thiết chế, chủ thể. Phải làm thế nào để giữ được lâu dài ngôi nhà chung sạch, đẹp; để mọi thứ trong cuộc sống xã hội đều được nhìn nhận như vốn có và, đặc biệt, để cái tốt, điều thiện, sự hòa thuận, lòng bao dung luôn ngự trị và được tôn vinh.

Minh bạch hóa thông tin đã trở thành xu thế không thể đảo ngược và xu thế đó chính là nét chấm phá tích cực của cuộc sống hôm nay.

TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới