Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quyền lực khoáng sản của Trung Quốc trỗi dậy khi ảnh hưởng của OPEC suy yếu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Khi cuộc chuyển đổi xanh tăng tốc, các khoáng sản kim loại thiết để sản xuất pin, điện gió, mặt trời yếu như cobalt, lithium, nickel sẽ dần thay thế sức ảnh hưởng của dầu mỏ trong hệ thống năng lượng toàn cầu. Lúc đó, quyền lực của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ nhường chỗ cho những nước kiểm soát nguồn cung khoáng sản đó, dẫn đầu là Trung Quốc.

Đến năm 2030, ngân hàng UBS dự đoán nhu cầu các kim loại quan trọng đối với năng lượng xanh như  lithium, graphite (than chì), nickel, cobalt, đồng lần lượt  tăng 1100%, 700%, 200%, 300% và 500%. Ảnh: Atl

5 nước nắm giữ một nửa trữ lượng khoáng sản toàn cầu

Từ lệnh cấm vận dầu mỏ của OPEC đối với Mỹ vào thập niên 1970 cho đến việc Nga cắt nguồn cung khí đốt sang Tây Âu hồi năm ngoái, biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch được sử dụng như vũ khí lợi hại để theo đuổi các mục tiêu chiến lược.

Tiến trình chuyển đổi sang năng lượng xanh có khả năng vô hiệu hóa vĩnh viễn vũ khí dầu mỏ. Tuy nhiên, thế giới có thể chỉ là đơn giản hoán đổi sang một dạng phụ thuộc hàng hóa và ảnh hưởng địa chính trị khác.

Những nguồn năng lượng sạch như gió, mặt trời và hydro đều có sẵn trong tự nhiên và hoàn toàn miễn phí. Nhưng để biến chúng thành năng lượng, lưu trữ trong pin và truyền dẫn chúng cần một lượng lớn khoáng chất như cobalt, lithium, nickel. Song, nguồn cung của các khoáng sản này mang tính tập trung hơn dầu và khí đốt.

Theo dữ liệu từ S&P Global, CHDC Congo nắm giữ 43% trữ lượng cobalt và Argentina cung cấp 34% sản lượng lithium của thế giới. Chile chiếm 30% nguồn đồng và Indonesia nắm giữ nguồn cung 19% nickel trên thị trường toàn. Tất cả con số này đều vượt quá 12% thị phần sản xuất dầu của Saudi Arabia và 16% thị phần sản lượng khí đốt tự nhiên của Nga trên toàn cầu.

Đối với cả bốn khoáng sản nói trên, 5 nước có nguồn cung lớn nhất chiếm hơn một nửa trữ lượng toàn cầu. Số liệu của S&P cho thấy, với dầu và khí đốt, 5 công ty hàng đầu kiểm soát chưa đến một nửa nguồn cung toàn cầu.

Hoạt động sản xuất ở hạ nguồn thậm chí còn tập trung hơn. Trung Quốc tinh chế 70% lượng cobalt , 65% lượng lithium và 42% lượng đồng của thế giới, vượt xa thị phần sản lượng dầu của OPEC.

Lo sợ sự phụ thuộc lẫn nhau

Các chính phủ phương Tây từng hoan nghênh việc Trung Quốc sẵn sàng thực hiện hoạt động tinh chế khoáng sản có rủi ro gây ô nhiễm cao, Đó là kiểu toàn cầu hóa phụ thuộc lẫn nhau được giả định sẽ tiếp tục phát triển

Nhưng điều này không còn nữa, Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang nổi lên giữa một bên là Trung Quốc và Nga và một bên là Mỹ và các đồng minh. Cả hai phe đang “vũ khí hóa” sự phụ thuộc lẫn nhau đó. Khi Nga đưa quân sang Ukraine vào năm ngoái, phương Tây đã loại bỏ nước này ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu và cắt đứt nguồn cung cấp hàng hóa đầu vào và các dịch vụ quan trọng khác. Ngược lại, Nga siết chặt nguồn cung khí đốt sang Tây Âu. Trong khi đó, Mỹ hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các công nghệ bán dẫn quan trọng.

Không ai “vũ khí hóa” sự phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn Trung Quốc. Bắc Kinh thường xuyên cấm nhập khẩu và xuất khẩu nhằm vào nước xung đột về mặt chính trị và phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài để củng cố sức mạnh của các tập đoàn trong nước. Hồi tháng 7, Trung Quốc thông báo sẽ hạn chế xuất khẩu hai loại khoáng sản quan trọng đối với bán dẫn, hệ thống tên lửa và pin mặt trời.

Mỹ đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ, ban hành hồi năm ngoái, đưa ra các khoản trợ cấp khổng lồ cho xe điện, pin và năng lượng tái tạo, với điều kiện các khoáng sản liên quan phải có nguồn gốc từ Mỹ hoặc các nước có hiệp định thương mại tự do với Mỹ, chứ không phải từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, như S&P Global đã chỉ ra trong một báo cáo hồi tháng trước, chiến lược này có vấn đề. Đầu tiên, nhu cầu về bốn loại khoáng sản quan trọng cobalt, lithium, nickel và đồng đang tăng vọt. Và đạo luật IRA sẽ tăng nhu cầu của chúng thên 12-15% vào năm 2035. Mức tiêu thụ nickel, cobalt và lithium (được sử dụng trong pin và các công nghệ xanh khác) của Mỹ sẽ tăng gấp 23 lần vào năm 2035 so với hiện nay, theo dự báo của S&P Global. Mức tiêu thụ đồng, kim loại có mặt khắp nơi trong các thiết bị phát điện và truyền tải điện, của Mỹ sẽ tăng gấp đôi trong cùng kỳ.

S&P kết luận rằng, điều này sẽ khiến Mỹ phụ thuộc hơn bao giờ hết vào nguồn khoáng sản nhập khẩu khó có đáp ứng đầy đủ từ các đối tác thương mại tự do. Đến năm 2035, các đối tác không có hiệp định tự do thương mại với Mỹ dự kiến chiếm 90% sản lượng cobalt toàn cầu, phần lớn là ở CHDC Congo, nước xuất khẩu 70% sản lượng cobalt sang Trung Quốc.

 

Vấn đề cấp phép hạn chế nguồn cung của Mỹ

Những khoáng sản nói trên thực sự không hề thiếu. Chỉ riêng Mỹ có trữ lượng đồng đủ đáp ứng nhu cầu của nước này trong 20 năm, S&P lưu ý. Vấn đề là phải mất trung bình 15 năm để một mỏ đồng đi từ giai đoạn phát hiện đến sản xuất.

Tại Mỹ, qui trình cấp phép cho các mỏ khoáng sản có thể mất từ 7-10 năm, so với 2-3 năm ở Úc và Canada. Theo Aurian de La Noue, Giám đốc tư vấn của S&P Commodity Insights, bài toán kinh tế cho hoạt động tinh chế khoáng sản thậm chí còn khó khăn hơn. Ông cho biết, kể từ thập niên năm 1970, Mỹ chưa xây dựng thêm bất kỳ nhà máy luyện đồng nào.

Từ thập niên 1950 đến 1980, nhiều công ty dầu mỏ phương Tây đã chứng kiến hoạt động của họ bị quốc hữu hóa ở nước ngoài. Hiện nay, chủ nghĩa dân tộc tài nguyên một lần nữa trỗi dậy. Indonesia đang hạn chế xuất khẩu quặng nickel thô để phục vụ hoạt động tinh chế trong nước. Chile đang quốc hữu hóa một phần các mỏ lithium trong nước.

Tuy nhiên, địa chính trị năng lượng trong kỷ nguyên tiếp theo sẽ rất khác so với kỷ nguyên trước. Khoáng sản thiết yếu cho năng lượng xanh sẽ không bao giờ được “vũ khí hóa” hiệu quả như dầu khí.

Khoáng sản không có sức ảnh hưởng như dầu mỏ

Dầu mỏ ở một khía cạnh nào có tính đặc thù. Dễ dàng vận chuyển và lưu trữ hơn gỗ hoặc than và hiệu quả năng lượng cũng cao hơn nhiều, dầu mỏ đóng một vai trò quan trọng rất tự nhiên đối với thương mại quốc tế, cũng những nỗ lực kiểm soát hoạt động thương mại đó. Vai trò quan trọng của dầu mỏ trong giao thông vận tải, bao gồm cả xe tải quân đội, xe tăng, máy bay và tàu chiến, khiến cho sự sẵn có của nhiên liệu hóa thạch này trở thành vấn đề sống còn của quốc gia, ảnh hưởng đến tiến trình của cả hai cuộc chiến tranh thế giới.

Ngược lại, khoáng chất năng lượng không phải là nhiên liệu. Theo Daniel Yergin, nhà sử học năng lượng và là Phó Chủ tịch của S&P, nếu nguồn cung của một số khoáng sản quan trọng bị hạn chế, giá xe điện sẽ tăng lên, các dự án điện gió xa bờ sẽ đình trệ.

“Sẽ không có ai xếp hàng để đổ đầy đồng vào ô tô của họ”, Yergin nói.

Các động thái hạn chế xuất khẩu hoặc nỗ lực thành lập một cartel khoáng sản giống như OPEC rốt cục sẽ làm tăng giá và thúc đẩy cuộc chạy tìm kiếm các lựa chọn thay thế. Điều này giống như tình trạng giá dầu cao trong thập niên 1970 thúc đẩy hoạt động thăm dò sản xuất dầu khí ở Biển Bắc ở châu Âu và ở vùng North Slope của bang Alaska (Mỹ).

Theo tạp chí Chemistry World, mỏ lithium được phát hiện gần đây tại một miệng núi lửa dọc biên giới của hai bang Oregon và Nevada ở Mỹ có thể là mỏ lớn nhất thế giới. Tiến trình cấp phép cho mỏ này có thể được đẩy nhanh hơn trong trường hợp khẩn cấp. Sau khi Nga cắt giảm xuất khẩu khí đốt, Đức đã xây dựng xong một kho cảng khí hóa lỏng (LNG) khổng lồ chỉ vòng chưa đầy một năm. Thông thường, một dự án lớn như vậy phải mất 5 năm để hoàn thành.

Bên cạnh tính đa dạng hóa về mặt địa lý, năng lượng tái tạo còn được hưởng lợi từ tính đa dạng hóa công nghệ. Aurian de La Noue, của S&P Commodity Insights lưu ý rằng, kim loại đồng đang cạnh tranh với nhôm trong hệ thống dây điện. Trong khi đó, lithium, nickel  và cobalt đều cạnh tranh với nhau về tỷ trọng trong pin. Các nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển pin sodium-ion và sắt-oxy, không sử dụng lithium.

Có lẽ trở ngại lớn nhất đối với ý đồ vũ khí hóa năng lượng trong tương lai là thế giới đang bước vào một kỷ nguyên đa dạng chưa từng có. Trang dữ liệu Our World In Data lưu ý, cho đến thập niên 1900, hầu hết năng lượng đều đến từ than và sinh khối, chẳng hạn như gỗ. Trong thế kỷ qua, dầu và khí đốt bổ sung cho nguồn cung năng lượg toàn cầu. Với sự phát triển của năng lượng hạt nhân, thủy điện, gió, mặt trời, hydrogen và nhiên liệu sinh học, nguồn cung năng lượng của thế giới sẽ đa dạng hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.

“Đa dạng hóa sẽ là nguyên tắc trung tâm của an ninh năng lượng toàn cầu”, Yergin nhận định.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới