Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quyền nhân thân trong quyền tác giả: Khi sự phân biệt đối xử là cần thiết

Lê Vũ Vân Anh(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ở các quốc gia thông luật, luật sở hữu trí tuệ (SHTT) được xem là một lĩnh vực thương mại. Tuy nhiên, điều phân biệt luật SHTT với các lĩnh vực luật thương mại khác chính là khía cạnh người sáng tạo trong luật SHTT. Đây là những người có quyền đứng tên và kiểm soát số phận của tác phẩm, thậm chí ngay cả khi họ không phải là chủ sở hữu của gói quyền kinh tế chính, như quyền sao chép, phân phối hay biểu diễn.

Quyền của người sáng tạo thu hút nhiều sự chú ý nhất là các quyền nhân thân của tác giả. Mặc dù có sự khác biệt đáng kể giữa các nước theo hệ thống thông luật (common law) và dân luật (civil law), có hai quyền nhân thân chính mà gần như nước nào cũng ghi nhận: (1) quyền được công nhận là tác giả, đảm bảo rằng người sáng tạo được công nhận và ghi tên trong tác phẩm và (2) quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, cho phép tác giả ngăn chặn hoặc phản đối các chỉnh sửa gây tổn hại đến danh dự và nhân phẩm của mình. Đây cũng là hai quyền nhân thân chính quy định tại Công ước Berne về Bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật (điều 6bis).

Khi khía cạnh tinh thần xung đột với lợi ích kinh tế

Quyền nhân thân ra đời dựa trên một ý tưởng đơn giản, đó là tác giả luôn có một mối quan hệ đặc biệt với tác phẩm của mình. Mối quan hệ đó là vĩnh viễn và không thể thay thế. Tác phẩm thể hiện “tinh thần,” “cá nhân,” và “tâm hồn” của người sáng tạo, hay cách mà chúng ta lãng mạn hóa rằng tác phẩm là “đứa con tinh thần” của tác giả. Sự xuất hiện của quyền nhân thân nhằm bảo vệ đứa con này ngay cả khi “cha mẹ” chúng không phải là người hưởng lợi chính từ việc khai thác tác phẩm.

Ở các nước phát triển hiện nay, khi mà quyền kinh tế phần lớn nằm trong tay các nhà xuất bản, các công ty thu âm, hay các đế chế giải trí lớn, quyền nhân thân có thể được xem là mỏ neo cuối cùng và duy nhất để một tác giả kiểm soát số phận đứa con của mình.

Trong các quyền nhân thân, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm có lẽ gây ra nhiều tranh cãi nhất, vì khía cạnh tinh thần của nó xung đột với lợi ích kinh tế.

Trong nhiều trường hợp vì mục đích tiếp thị, người giữ quyền khai thác nhận thấy cần phải thay đổi tác phẩm để phù hợp với thị trường và đối tượng khán giả mà tác phẩm nhắm đến. Nếu tác giả nhất quyết bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm bằng cách chống lại bất kỳ sự thay đổi nào, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ phủ sóng cũng như cản trở lợi ích kinh tế của chủ quyền.

Khi phát hành cuốn sách “Harry Potter and the Philosopher’s Stone” (tên gốc ở Anh) ở thị trường Mỹ, tác giả J.K. Rowling quyết định thay đổi tiêu đề thành “Harry Potter and the Sorcerer’s Stone”. Cụm từ Philosopher’s Stone - Hòn đá triết lý đã được biết đến trong truyền thuyết và văn học, nhưng tại thị trường Mỹ, cụm từ này được cho là có thể gây hiểu nhầm hoặc không hấp dẫn đối với độc giả trẻ. Do đó, “Sorcerer’s Stone” - Hòn đá phù thủy được coi là tên gọi phù hợp hơn để đưa tác phẩm đến gần với độc giả Mỹ.

Đối với một quốc gia có hệ thống SHTT non trẻ như Việt Nam (nếu tính từ lúc chúng ta có bộ luật SHTT đầu tiên vào năm 2005), quyền nhân thân cũng đã nhiều lần gây ra sóng gió. Những tranh cãi về tác phẩm điện ảnh “Hôn nhân không giá thú” chuyển thể từ kịch bản cùng tên, vụ việc kéo dài 12 năm Thần đồng đất Việt, hay gần đây nhất là tác phẩm điện ảnh Đất rừng phương Nam chuyển thể từ tác phẩm văn học gốc Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, là những minh chứng rõ rệt cho sự phức tạp của loại quyền này.

Sự phân cực hai hệ thống thông luật và dân luật

Một cách thẳng thắn, bảo vệ hay không bảo vệ quyền nhân thân và bảo vệ các quyền này đến mức nào đã từ lâu là yếu tố phân cực hai hệ thống thông luật và dân luật trong lĩnh vực quyền tác giả.

Ngoại trừ sự khác biệt đến từ luật quốc gia của các nước Anh-Mỹ (bảo hộ quyền nhân thân hẹp) và Pháp-Đức (bảo hộ quyền nhân thân rộng hơn), sự đối nghịch này còn được thể hiện rất rõ qua các hiệp định quốc tế liên quan. Chẳng hạn Công ước Berne, công ước đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực quyền tác giả, yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo hộ quyền nhân thân. Trong khi đó, tại Hiệp định TRIPS (hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại về quyền SHTT), hiệp định thương mại quan trọng và toàn vẹn nhất về SHTT, quyền này hoàn toàn vắng mặt.

Sự trái ngược như vậy đến từ việc quốc gia nào “chống lưng” cho các hiệp ước nói trên. Trong khi Berne được khởi xướng bởi Pháp, quốc gia bảo hộ quyền nhân thân nghiêm ngặt bậc nhất thế giới, TRIPS ra đời từ sự ủng hộ mạnh mẽ của nước Mỹ và các khu vực tư - nơi mà việc khai thác tác phẩm được cho là quan trọng hơn việc bảo hộ quyền nhân thân.

Con đường quyền nhân thân tìm chỗ đứng trong Berne cũng không hề dễ dàng. Ngay cả khi công ước này được thông qua vào năm 1886 thì mãi cho đến năm 1928, gần nửa thế kỷ sau đó, hai quyền nhân thân (quyền được đứng tên và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm) mới được ghi nhận. Sau này, mặc dù TRIPS yêu cầu các quốc gia thành viên phải thi hành toàn bộ Berne nhưng ngoại lệ được áp dụng với điều 6bis - ­điều khoản quy định quyền nhân thân của công ước này.

Lý do đằng sau ngoại lệ nêu trên đến từ sự ảnh hưởng của Mỹ, quốc gia cổ vũ mạnh mẽ cho toàn cầu hóa những quy định nào có lợi cho nước này, trong khi quyền nhân thân được xem là gây khó khăn cho việc khai thác quyền tác giả. Một cách miễn cưỡng, nước Mỹ bảo hộ quyền nhân thân hạn hẹp. Đạo luật Quyền nhân thân về hình ảnh của nghệ sĩ (1990) áp dụng giới hạn chỉ đối với bản gốc vật lý và tối đa 200 bản được ký tên và liên tiếp đánh số của một bức tranh, bức vẽ, bản in hoặc tượng điêu khắc. Đạo luật này không áp dụng cho văn học, âm nhạc hay kịch nghệ.

Phân biệt đối xử để trả lại giá trị cho từng loại hình nghệ thuật

Sự phân biệt đối xử của nước Mỹ hoàn toàn có thể lý giải dựa trên tính chất và đặc điểm riêng của các loại hình nghệ thuật. Tranh và tượng điêu khắc là những đối tượng vật lý và hữu hình mà việc thay đổi một phần tác phẩm (dù nhỏ tới đâu) có thể thay đổi mãi mãi hình dạng của chúng và, trong một số trường hợp, phá hủy giá trị nghệ thuật lẫn thương mại của tác phẩm. Trong khi đó, việc chỉnh sửa tác phẩm văn học hay âm nhạc được xem là phù hợp và thậm chí còn mang lại lợi ích trong một vài trường hợp.

Ngoài ra, mỹ thuật và điêu khắc thường là những sáng tạo bền vững. Một khi đã được tạo ra, chúng tồn tại dưới một hình thức cố định. Ngược lại, tác phẩm văn học và kịch nghệ phải trải qua các bản in, có sự điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh thời đại khi được tái bản và thậm chí cần thiết trong việc làm tác phẩm phái sinh như các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh. Hoặc đôi khi chính tác giả tự thay đổi tác phẩm của mình.

Một ví dụ điển hình là cố nhà văn kiếm hiệp nổi tiếng Kim Dung đã ba lần sửa lại từ tên nhân vật, tính cách hay những biến cố đến với từng nhân vật cho tới kết truyện dành cho nhân vật chính trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký. Trong khi đó, sẽ thật hiếm hoi khi một tác phẩm mỹ thuật hay điêu khắc được tác giả thay đổi sau khi tác phẩm đã được hoàn thành và ra mắt công chúng.

Qua các ví dụ trên có thể thấy rằng, mặc dù tính toàn vẹn của tác phẩm viết và kịch nghệ vẫn quan trọng, tính linh hoạt và bản sắc của các phương tiện này có thể khiến những thay đổi trở nên chấp nhận và thậm chí được mong đợi.

Ngược lại, nghệ thuật thị giác mang lại tác động thị giác ngay lập tức. Sự thay đổi một bức tranh hoặc một bức tượng có thể làm biến dạng hoặc làm gián đoạn trải nghiệm thẩm mỹ và giảm thiểu giá trị tinh thần, nghệ thuật mà chúng mang lại. Tuy nhiên, tác phẩm văn học và kịch nghệ, mặc dù cũng rất biểu đạt, có thể có sự linh hoạt trong việc diễn giải mà vẫn giữ nguyên thông điệp cốt lõi của chúng.

Cuối cùng, giá trị thị trường của tranh và tượng thường cao hơn nhiều so với tác phẩm khác bởi vì tính độc bản. Chúng ta chỉ có một bức tranh gốc “Mona Lisa” nhưng có thể có hàng triệu bản in “gốc” (theo nghĩa hợp pháp) tác phẩm “Mật mã Da Vinci”. Bảo vệ tính toàn vẹn của nghệ thuật thị giác là cần thiết để bảo tồn giá trị thương mại của chúng. Bất kỳ thay đổi nào, thậm chí với ý đồ tốt, cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị thị trường, điều này không phổ biến hoặc rõ ràng trong thế giới của văn học hoặc kịch nghệ.

Những phân tích trên cho phép chúng ta nhận định rằng những tranh cãi gay gắt về quyền nhân thân đến từ nguyên nhân sâu xa, đó chính là luật SHTT thế giới nói chung đã gom tất cả các loại hình nghệ thuật vào một rổ mà quên mất rằng chúng cần phải được đối xử khác nhau. Trong trường hợp này, việc “phân biệt đối xử” là cần thiết để trả lại giá trị cho từng loại hình nghệ thuật.

(*) Giảng dạy Luật Sở hữu trí tuệ tại Đại học Durham, Vương quốc Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới