(KTSG) - Trong văn hóa ứng xử truyền thống, dân ta ít chú trọng bảo vệ sự riêng tư của cá nhân. Vậy mà ba mươi năm nay, quyền riêng tư đã dần được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật ở nước ta. Nếu không có sự điều chỉnh thích hợp các thói quen cư xử ngày thường, bảo vệ quyền riêng tư sẽ có nguy cơ trở thành “tiêu chuẩn kép” trong xã hội Việt Nam hiện đại.
- Nghịch lý quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân
- Quyền tự do thông tin, quyền riêng tư và quyền được lãng quên
Một sản phẩm mới của thời hiện đại
Suốt nhiều thế kỷ, điều kiện địa lý khắc nghiệt và nền kinh tế nông nghiệp đã hình thành lối sống cộng đồng và truyền thống đùm bọc của người Việt. “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, người Việt hành xử tình nghĩa, quen nương tựa lẫn nhau để cùng vượt khó, chứ không quen khép kín hay tự mình đương đầu với những khó khăn của cuộc đời. Có lẽ vì vậy nên sự riêng tư và nhu cầu được tôn trọng riêng tư là cái gì đó xa lạ trong tâm thức xã hội, chưa phải là một chuẩn mực ứng xử trong văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Nhưng ba chục năm trở lại đây, “quyền riêng tư” đã dần hiện diện trong pháp luật Việt Nam. Qua nhiều lần sửa đổi câu chữ, tinh thần của quyền này vẫn được giữ nguyên (thậm chí là mở rộng): thông tin về đời sống riêng và những bí mật thầm kín của mỗi người đều được pháp luật bảo vệ. Việc ghi nhận sự riêng tư thành một quyền trong luật thể hiện quan điểm của Nhà nước muốn bảo vệ cuộc sống tự do, tự tại của mỗi người dân trong một xã hội công nghiệp hóa, tránh mọi soi mói, can thiệp của người đời.
Nếu coi luật là những quy tắc ứng xử mà tất cả mọi người phải tuân theo, thì việc Nhà nước ghi nhận quyền riêng tư vào luật đã tạo ra chuẩn mực hành xử mới cho cộng đồng. Ngược lại với lối sống truyền thống đề cao việc quan tâm hỏi han, chia sẻ, tiêu chuẩn mới về quyền riêng tư đòi hỏi người ta phải tôn trọng thông tin về cá nhân và phải giữ bí mật những thông tin ấy nếu mình vô tình nắm bắt được. Sự thay đổi đột ngột về chuẩn mực đó đôi khi sẽ tạo ra những phản ứng trái ngược từ các cá nhân trong xã hội, dễ hình thành thứ “tiêu chuẩn kép”, tức nói một đằng, làm một nẻo.
Nguồn gốc hình thành quyền riêng tư
Đa phần những nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư đều xuất xứ từ pháp luật phương Tây, phản ánh văn hóa và quan điểm của người Tây phương từ thế kỷ 19. Thời ấy, nhận thấy sự trỗi dậy của công nghệ nhiếp ảnh sẽ ghi lại nhiều khoảnh khắc “chỉ muốn quên đi” trong đời sống, các luật gia hai bờ Đại Tây Dương đã nhanh chóng ghi nhận một thứ quyền mới, “cao hơn” quyền tài sản, để bảo vệ cho sự toàn vẹn về phẩm giá con người.
Trước sự trỗi dậy của các công nghệ đột phá, dữ liệu cá nhân có thể bị lưu trữ, chuyển giao một cách âm thầm mà cá nhân không hề hay biết. Để bảo vệ quyền riêng tư trong bối cảnh mới, rất cần những quy tắc pháp lý mới bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số. Các nhà làm luật phải diễn giải lại các nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư để điều chỉnh việc thu thập, xử lý dữ liệu về cá nhân qua môi trường Internet.
Với người phương Tây, sự ra đời của luật riêng tư hay bảo vệ dữ liệu cá nhân đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức pháp lý trong truyền thống coi trọng phẩm giá cá nhân. Trong khi đó, ở các nước Á Đông nặng văn hóa cộng đồng, quyền riêng tư thường xuất hiện nhờ kết quả của những cuộc cải cách pháp luật để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế.
Bước chuyển mới của quyền riêng tư tại Việt Nam
Việt Nam đang chuyển rất nhanh sang một nền kinh tế số. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của thương mại điện tử, quá trình “số” hóa nhanh chóng đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống riêng tư của người dân. Năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP để điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ việc thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân. Ghi nhận thêm 11 quyền mới cho cá nhân (điều 9), Nghị định 13/2023 là quyết sách kịp thời của nhà quản lý để đảm bảo quyền riêng tư của người dân trong bối cảnh mới.
Song đặt trong điều kiện văn hóa xã hội của nước ta, các quy định trong Nghị định 13/2023 có lẽ còn phần nào mới mẻ. Đôi chỗ, câu chữ của luật có lẽ còn hơi xa với trình độ nhận thức chung. Ví dụ, với một bác nông dân sớm hôm làm đồng, câu “Chủ thể dữ liệu được truy cập để xem, chỉnh sửa hoặc yêu cầu chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác” chắc sẽ gây lúng túng, khó hiểu. Quyền riêng tư đã là chuyện xa lạ, huống chi là bảo vệ dữ liệu cá nhân!
Suy cho cùng, quyền riêng tư, dù nghe hào nhoáng đến mấy, cũng chỉ là một khái niệm trên giấy. Nếu ta không chịu khó tập tành những thói quen mới trong đời sống số, thì riêng tư mãi mãi chỉ là một giá trị lý tưởng, một thứ “tiêu chuẩn kép” giữa lý thuyết và thực tế mà thôi.
Viết “quyền” vào luật là chuyện dễ, làm thế nào bảo vệ được quyền trên thực tế mới là điều quan trọng. Bàn chi đạo lý xa xôi, nếu người dân không hiểu vì sao họ lại cần cái gọi là “quyền riêng tư” khi sử dụng điện thoại để “săn sale”, thì các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân trong luật khó có thể đi vào đời sống.
Ba mươi năm nay, dù bao thế hệ luật gia đã rao giảng về quyền riêng tư trên khắp diễn đàn lớn nhỏ ở Việt Nam, một em học sinh vẫn chưa thể kỳ vọng là điểm số bài thi của mình được giữ kín với các bạn cùng lớp. Nếu bạn thử gõ từ khóa “danh sách sinh viên” hay “kết quả thi” trên trình duyệt web, hàng loạt thông tin cá nhân trôi nổi sẽ bày ra trước mắt bạn.
Nói đến đời sống hiện đại, càng không thể không nhắc đến các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải ý thức rõ về tầm quan trọng của dữ liệu cá nhân hơn hết. Khi chạy theo những toan tính thiệt - hơn, thêm thông tin là thêm tài nguyên, giới chủ dễ quên mất rằng chính họ cũng là những người bị thu thập thông tin. Xây dựng một thuật toán, một phần mềm hay vận hành một mô hình quản trị mà lơ là nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân, giới chủ không những thể hiện sự vô trách nhiệm với xã hội mà còn đặt bản thân mình vào rủi ro lâu dài.
Cần thay đổi từ nhận thức
Bảo vệ quyền riêng tư không phải chỉ là chuyện của Nhà nước, của một cơ quan an ninh hay bảo mật thông tin nào đó xa xôi. Bảo vệ quyền riêng tư trước hết xuất phát từ việc chính chúng ta phải có ý thức và tuân thủ những nghĩa vụ mà luật đặt ra cho mình khi tiếp xúc với thông tin hay dữ liệu cá nhân của người khác. Xâm phạm quyền riêng tư, trong bối cảnh số, không nhất thiết phải “hình sự” đến mức đánh cắp thông tin hay mua bán dữ liệu cá nhân. Đó là những việc rất đỗi bình thường ngỡ chẳng có gì nghiêm trọng mà ta vẫn hay làm trong đời sống hàng ngày, như nghe ngóng, “tám chuyện”, soi mói,...
Ngoài ra, không cứ phải có thiệt hại xảy ra mới là xâm hại quyền riêng tư. Ngay cả khi không có thiệt hại bằng tiền, những hành động vô thức như gửi nguyên thông tin đơn hàng mà quên che tên, chụp ảnh danh sách khách hàng có thông tin nhạy cảm và gửi qua Zalo, hay chụp màn hình tin nhắn bày tỏ quan điểm về tôn giáo của ai đó và gửi đi nơi khác, đều đã được xem là xâm hại quyền riêng tư.
Suy cho cùng, quyền riêng tư, dù nghe hào nhoáng đến mấy, cũng chỉ là một khái niệm trên giấy. Nếu ta không chịu khó tập tành những thói quen mới trong đời sống số, thì riêng tư mãi mãi chỉ là một giá trị lý tưởng, một thứ “tiêu chuẩn kép” giữa lý thuyết và thực tế mà thôi.
(*) Khoa Luật, trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế TPHCM