(KTSG) - Những vụ kiện đánh cắp ca khúc đã có lịch sử lâu dài và có vẽ thêm phần phức tạp khi công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trở nên tiến bộ hơn. Ranh giới về quyền tác giả âm nhạc sẽ được xác định ra sao khi mà sự đóng góp của con người và AI khó tách bạch hoặc thậm chí rất mơ hồ.
- Tham vọng của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
- Khi trí tuệ nhân tạo lấn sân vào nghệ thuật!
Nếu là người yêu âm nhạc hiện đại, hẳn bạn cũng không còn xa lạ gì với bản hit Levitating của ca sĩ Dua Lipa từng làm mưa làm gió suốt hai năm 2021 – 2022 với kỷ lục 77 tuần liên tiếp góp mặt trong các bảng xếp hạng những ca khúc ăn khách Top 100 Billboard. Song thành công của ca khúc này không phải là hoàn hảo. Một ban nhạc có tên Artikal Sound System đã kiện Dua Lipa đánh cắp một trong những ca khúc của họ là Live Your Life; hai tác phẩm này có cùng âm giai và nhịp độ, cùng giai điệu và cùng hợp âm.
Không giống mà vẫn giống
Bạn hãy hình dung rằng với 29 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, bạn có thể tạo ra được bao nhiêu từ mới? Nhiều không đếm xuể phải không? Tương tự như vậy, trong âm nhạc, bất kể là có bao nhiêu nốt và bao nhiêu hợp âm, số lượng cách thức pha trộn, kết hợp những nốt và hợp âm này lại với nhau để tạo ra âm nhạc nguyên bản là không có giới hạn. Ranh giới để phân biệt chúng lại nằm ở những yếu tố khác, mà ví dụ tiêu biểu ở đây là vụ việc xoay quanh ca khúc Blurred Lines do Robin Thicke hợp tác sản xuất cùng T.I. và Pharrell Williams.
Vào tháng 8-2013, sau khi gia đình của cố nghệ sĩ Marvin Gaye cáo buộc rằng ca khúc của Thicke đã vay mượn từ bài hát Got to Give It Up của ông, Thicke cùng Williams đã khởi kiện để cố gắng khẳng định rằng nhạc phẩm của họ không vi phạm quyền tác giả. Nhà Gaye cũng phản tố, dẫn đến cuộc chiến pháp lý kéo dài 5 năm. Với Jan Gaye, vợ cũ của Marvin Gaye, Blurred Lines nghe rất giống với ca khúc mà chồng bà ra mắt năm 1977.
“Đúng là một cơn ác mộng. Tôi đã mất rất nhiều niềm tin ở con người và động cơ của họ trong ngành âm nhạc”, Gaye bộc bạch. Bà cũng khẳng định mình đã ở cùng chồng khi ông thực hiện thu âm bài hát, nên có thể khẳng định mà không chút do dự nào là đã có sự sao chép ở đây. Cuối cùng, gia đình Gaye đã thắng kiện vào tháng 7-2018, được nhận khoản bồi thường 5 triệu đô la và một nửa toàn bộ số tiền quyền tác giả trong tương lai.
Điều khiến vụ việc Blurred Lines trở nên nổi tiếng là về mặt kỹ thuật, hai bài hát này không giống nhau đến thế. Giai điệu và lời bài hát khác nhau; hợp âm và phần âm trầm cũng khác. Điểm chung là không khí mà chúng mang lại: nhịp độ, âm thanh của bộ gõ cowbell và tiếng tán gẫu trong bữa tiệc. Phán quyết trong vụ việc này dường như đã mở ra cánh cửa cho những vụ kiện tương tự chống lại các ban nhạc và nghệ sĩ nổi tiếng. Martin Harrington và Thomas Leonard (Amazing) đã kiện Ed Sheeran (Photograph) và được công nhận là đồng tác giả và chia sẻ tiền quyền tác giả.
Để chiến thắng trong những vụ kiện này, bạn phải chứng minh được ba điều: trước tiên, bạn phải cho thấy là mình sở hữu bài hát nguyên gốc; kế đến, bạn phải cho thấy là kẻ đạo nhạc có khả năng tiếp cận – tức là họ đã nghe bài hát của bạn ở đâu đó; và cuối cùng, quan trọng nhất, bạn phải cho thấy hai bài hát có sự tương đồng về căn bản. Điều kiện cuối cùng này cũng là điều khó chứng minh nhất.
Ăn cắp hay lấy cảm hứng?
Trên thực tế, không một nghệ sĩ nào có thể sở hữu riêng cho mình từng nốt nhạc, từng hợp âm hay một đoạn độc tấu guitar và chắc chắn không thể sở hữu cảm giác của một bài hát. Có sự khác biệt rõ ràng giữa sao chép và lấy cảm hứng. Ví dụ, nhóm nhạc The Beatles lấy cảm hứng từ Bob Dylan, Rolling Stones được truyền cảm hứng từ các nghệ sĩ dòng nhạc Delta Blues và Robert Johnson; Elvis Presley học hỏi B.B King. Họ đã thêm bản sắc cá nhân và cách tiếp cận hiện đại vào âm nhạc của người đi trước. Mấu chốt của sự sáng tạo chính là ở chỗ đó.
Damien Riehl – một luật sư, nhạc sĩ kiêm lập trình viên tại Mỹ – sở hữu một ổ cứng chứa 68 tỉ giai điệu mà anh khẳng định là “bao gồm tất cả các giai điệu từng được viết ra và […] có thể được viết ra”. Anh cùng một người bạn đã xây dựng một chương trình phần mềm để tạo ra những giai điệu này, nhằm cho thấy rằng việc kiện cáo chỉ vì một phần nhỏ trong một bài hát là điều khá ngớ ngẩn. “Việc chúng tôi đã làm là đưa tất cả các bài hát này, tất cả những giai điệu này, trở thành tài sản công cộng, để bất kỳ ai cũng có thể thoải mái sử dụng chúng mà không phải lo bị kiện”, Riehl nói. Theo Riehl, chỉ nên kiện tụng khi bạn thấy toàn bộ bài hát của mình bị ăn cắp, nhưng với những giai điệu rất ngắn hay thậm chí dài hơn thì cũng không nên đăng ký quyền tác giả.
Có vẻ như sau vụ việc Blurred Lines, các tòa án tại Mỹ cũng đang nhìn nhận lại bản chất của vấn đề “ăn cắp hay lấy cảm hứng” theo hướng này. Khi một ban nhạc có tên Spirit (Taurus) kiện Led Zeppelin (Stairway to Heaven) vào năm 2014, họ đã bị thua kiện. Khi một rapper có nghệ danh Flame (Joyful Noise) kiện Katy Perry (Dark Horse) vào năm 2019, anh này cũng bị xử thua khi kháng cáo. Trong vụ việc đó, thẩm phán lưu ý rằng tám nốt nhạc tương đồng giữa hai bài hát “không mang tính độc nhất cụ thể hay là sự kết hợp hiếm hoi”.
Đây là hai ví dụ tiêu biểu cho thấy chúng ta không nên mổ xẻ các ca khúc, săm soi tìm điểm tương đồng để có thể tuyên bố quyền sở hữu với từng “mẩu nhạc” bé xíu vì không ai được lợi về lâu dài nếu điều đó xảy ra cả. Có một số người còn cho rằng không nên có bất kỳ vụ kiện nào về vấn đề vi phạm quyền tác giả, vì theo họ, “nghệ sĩ giỏi là người sao chép, nghệ sĩ xuất chúng là người đánh cắp” – nghĩa là chúng ta xây dựng điều mới mẻ từ những tác phẩm có sẵn. Nhưng không phải ai cũng lạc quan như vậy. Luật sư Richard Busch, người tham gia nhiều vụ kiện các nghệ sĩ và ban nhạc nổi tiếng về hành vi đạo nhạc và lần nào cũng chiến thắng, bao gồm cả vụ việc Blurred Lines, đã cười phá lên khi được biết về ý kiến này: “Những ai nói thế chắc là chưa từng bị ăn trộm thứ gì bao giờ”!
Hướng dẫn của USCO về AI vẫn chưa thỏa đáng
Vào ngày 15-3-2023, Văn phòng bvản quyền Mỹ (USCO) đã ban hành hướng dẫn về khả năng đăng ký quyền tác giả cho các tác phẩm được tạo ra bằng AI, cho biết một tác phẩm được tạo ra có sự kết hợp giữa cả AI và con người có thể đủ điều kiện để được bảo hộ quyền tác giả, đồng thời loại trừ mọi nội dung hoàn toàn là sản phẩm của AI. Về cơ bản, lập trường của cơ quan này là quyền tác giả chỉ áp dụng cho những phần của tác phẩm có thể coi là do con người làm tác giả.
Điều này thoạt nghe thì có vẻ hợp lý, tuy nhiên, ranh giới rành mạch như vậy lại thường khó xác định trong ngành âm nhạc. USCO cũng thừa nhận điều này bằng cách để ngỏ khả năng đăng ký quyền tác giả cho nội dung do AI tạo ra nếu nó biểu đạt “ý tưởng tinh thần nguyên gốc” (original mental conception) của tác giả, thay vì chỉ đơn thuần là sự “sao chép máy móc” (mechanical reproduction). Biểu đạt ý tưởng là điều quen thuộc đối với những người soạn nhạc. Cho dù là để “gỡ bí”, lấy cảm hứng hay sắp xếp ý tưởng, rất nhiều người sáng tạo nội dung hiện nay đều sử dụng công cụ AI ở mức độ nào đó, và cách thức mà các công cụ này tác động đến quá trình sáng tác của họ thường không được xác định rõ ràng.
Để giải quyết việc này, chính sách mới của USCO đã lưu ý rằng khả năng đăng ký quyền tác giả của một tác phẩm bất kỳ sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của tác phẩm đó và sẽ cần phải được xác định theo từng trường hợp. Điều cần lưu ý là quyền tác giả không bảo hộ ý tưởng, chỉ bảo hộ hình thức biểu đạt; sự phân biệt này chắc chắn sẽ trở nên phức tạp khi áp dụng trên thực tế.
Trong giới hạn của quy định hiện tại chỉ đăng ký quyền tác giả cho hình thức biểu đạt của con người, mức độ chính xác mà con người cần tham gia vào một tác phẩm tạo ra bằng AI để được bảo hộ quyền tác giả vẫn còn cần phải xem xét. Ranh giới chưa được kiểm chứng này dấy lên những câu hỏi lớn cho ngành âm nhạc và cho tương lai gần của hoạt động viết nhạc có AI hỗ trợ.
USCO đưa ra ví dụ khá đơn giản: một tác giả nộp đơn đăng ký một cuốn truyện tranh mà phần chữ do tác giả là con người sáng tác nhưng hình ảnh lại do AI tạo ra, thông qua công cụ Midjourney. Văn Phòng xác định rằng mặc dù có thể đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm này, quyền tác giả chỉ áp dụng cho phần chữ do con người viết cũng như cho tác giả là con người thực hiện lựa chọn và sắp xếp hình ảnh nhưng không áp dụng cho chính hình ảnh mà AI tạo ra.
Tuy nhiên, cuốn truyện tranh không phải là bài hát. Rõ ràng là với một cuốn truyện tranh, người ta có thể phân biệt dễ dàng giữa văn bản và hình ảnh. Điều này cũng tương tự như một bài hát có giai điệu hoàn toàn do AI tạo ra kết hợp với phần lời chỉ do con người viết và ngược lại. Những trường hợp như thế này sẽ đặt ra câu hỏi xung quanh việc phối lại và sử dụng lại âm thanh: có nên chỉ trích việc phối lại và sử dụng lại những phần của một bài hát do AI tạo ra và không được bảo hộ quyền tác giả? Ranh giới sẽ được xác định ra sao khi mà sự đóng góp của con người và AI khó tách bạch hoặc thậm chí cực kỳ mơ hồ.
(*) Văn phòng luật chuyên về sở hữu trí tuệ Gottlieb, Rackman & Reisman, P.C, Manhattan, New York, Mỹ.
Mời xem bài tiếp theo: Âm nhạc do AI tạo ra: cần bao nhiêu “tính người” để được đăng ký quyền tác giả? trên KTSG số 18-2023, phát hành ngày 4-5-2023.