Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi trí tuệ nhân tạo lấn sân vào nghệ thuật!

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Hiện nay, chưa có luật quốc gia nào hay công ước quốc tế nào được thông qua liên quan tới việc bảo vệ sản phẩm sáng tạo của trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial intelligence). Khi phải giải quyết tranh chấp liên quan tới sáng tạo của AI, các tòa án quốc gia cũng đưa ra các giải pháp trái ngược…

Robot đang vẽ tranh trên giá vẽ.

Từ vài năm trở lại đây, chúng ta nói nhiều đến khả năng máy móc thay thế con người trong tương lai (theo dự doán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OCDE thì 14% ngành nghề hiện nay có khả năng cao sẽ bị thay thế bởi máy móc, và 32% ngành nghề khác sẽ phải chịu những thay đổi to lớn dưới tác động của tự động hóa), nhưng vẫn tự tin rằng trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, AI còn xa mới đạt được năng lực như con người.

Gần đây, suy nghĩ này đang bị lung lay, khi chúng ta tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh do AI vẽ, lắng tai nghe những bản nhạc do AI viết ra. Không chỉ có thể viết những hợp đồng kín kẽ, AI cũng có thể sáng tạo ra những bài thơ, đoạn văn gợi hình ảnh và cảm xúc.

Không chỉ thế, giờ đây ai cũng có thể tham gia vào sáng tác, nhờ vào những ứng dụng như DALL-E 2, Midjourney hay Stable Diffusion. Với những ứng dụng này, chúng ta có thể tạo ra những tác “phẩm nghệ thuật”, đơn giản bằng cách nhập vào các từ mô tả “tác phẩm” mong muốn. Với vài cú nhấp chuột, một sáng tác mới đã ra đời.

Tính đến cuối năm 2022, riêng DALL-E 2 đã có khoảng hơn 1,5 triệu người dùng, với khoảng hơn 2 triệu “tác phẩm nghệ thuật” mới được tạo ra hàng ngày. Tất nhiên, các ứng dụng này không chỉ dừng ở việc sáng tạo ra hình ảnh, mà còn có thể tạo ra cả “tác phẩm” hình ảnh và âm thanh.

Nhiều công ty đã chọn “nghệ sĩ AI” để làm các công việc như minh họa, thiết kế, vì chi phí rẻ hơn rất nhiều lần. Tuy nhiên, cũng còn quá sớm khi kết luận rằng AI sẽ có thể thay thế họa sĩ con người.

Vào tháng 9 năm ngoái, một tác phẩm do AI tạo ra trên ứng dụng Midjourdney đã đạt… giải nhất trong một cuộc thi vẽ.

Ông Jason Allen, người ra lệnh cho AI tạo ra bức tranh này đã nhập vào ứng dụng hơn 900 đoạn mô tả khác nhau, và chọn lựa trong số các hình ảnh AI tạo ra ba bức tranh, sau đó chỉnh sửa lại bằng photoshop và in lên trên toan vẽ. Bức tranh miêu tả một khung cảnh đậm chất viễn tưởng, đầy ánh sáng.

Sự kiện này đã làm chấn động giới nghệ sĩ, nhiều người cho rằng thế là “nghệ thuật đã chết”.

Nghệ thuật đã trải qua vô vàn các cuộc cách mạng, nhưng trong cuộc cách mạng này, con người đã thua, và AI đã thắng. Phát biểu này của Jason Allen lại càng… đổ dầu vào lửa.

Rõ ràng là lo ngại của các nghệ sĩ không phải là không có cơ sở. Nhiều công ty đã chọn “nghệ sĩ AI” để làm các công việc như minh họa, thiết kế, vì chi phí rẻ hơn rất nhiều lần. Tuy nhiên, cũng còn quá sớm khi kết luận rằng AI sẽ có thể thay thế họa sĩ con người.

Cuộc cách mạng trong nghệ thuật nói trên cũng đặt ra những câu hỏi pháp lý, cụ thể là trong lĩnh vực luật bản quyền.

Câu hỏi thứ nhất đặt ra liên quan tới khái niệm “sáng tạo”. Trong văn hóa phương Tây, từ “nhà sáng tạo” đầu tiên được dùng để nói Đức Chúa Trời trong Thiên Chúa giáo – chỉ có Chúa Trời mới có thể tạo ra cái mới.

Về sau này, thuật ngữ “nhà sáng tạo” mới được dùng để chỉ nghệ sĩ sáng tạo, những người tạo nên các tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tạo. Điều này có thể cho thấy vị trí quan trọng mà xã hội dành cho người nghệ sĩ.

Giờ đây, cách mạng công nghệ đã làm thay đổi khái niệm “nhà sáng tạo”, cũng như khái niệm “sáng tạo”, vì nó không còn chỉ dành cho con người. Luật bản quyền vốn luôn được coi như một luật “nhân văn” giờ phải đối mặt với một bài toán khó: liệu sáng tạo của AI có đáp ứng tiêu chí “tác phẩm sáng tạo” trong luật? Các văn bản luật quốc tế, cũng như phần lớn các luật quốc gia đều không định nghĩa rõ ràng khái niệm “tác giả”, hay “tác phẩm sáng tạo”(1).

Điều này dẫn đến kết quả là khó tìm thấy điều khoản nào không cho phép coi sáng tạo của AI là “tác phẩm” xứng đáng được bảo vệ. Tuy nhiên, trong quan niệm chung, chúng ta vẫn coi sáng tạo là tố chất của riêng con người, nên điều này có thể cản trở việc công nhận khả năng sáng tạo của AI.

Tuy nhiên, mỗi cuộc cách mạng đều dẫn tới những thay đổi về nhận thức và quan niệm. Nhiều chuyên gia đề xuất việc xây dựng khái niệm mới về “sáng tạo”, cho phép bao gồm cả những sản phẩm của AI. Đây cũng là giải pháp mà Hội đồng Liên minh châu Âu chọn lựa.

Câu hỏi thứ hai là nếu sản phẩm của AI được coi là “sáng tạo”, thì luật bản quyền có bảo vệ các sáng tạo này hay không? Chủ đề này được thảo luận giữa các nhà làm luật quốc gia, khu vực (nghị quyết của Hội đồng Liên minh châu Âu), cho tới quốc tế (Chương trình lấy ý kiến của Tổ chức quốc tế về Sở hữu trí tuệ – WIPO).

Kết quả dường như cho thấy một khuynh hướng chung bảo vệ sáng tạo của AI bằng luật bản quyền “kiểu riêng biệt” (sui generis), vốn đã được chọn để bảo vệ dữ liệu. Một khi các doanh nghiệp đã đầu tư vật chất vào việc tạo ra những tài sản trí tuệ, thì hiển nhiên xuất hiện nhu cầu bảo vệ những tài sản trí tuệ đó.

Tất nhiên, trong cách tiếp cận này, luật bản quyền sẽ ngày càng trở thành một luật bảo vệ đầu tư mang tính thương mại, hơn là luật bảo vệ tác giả – nhà sáng tạo con người.

Hiện nay, chưa có luật quốc gia nào hay công ước quốc tế nào được thông qua liên quan tới việc bảo vệ sản phẩm sáng tạo của AI. Khi phải giải quyết tranh chấp liên quan tới sáng tạo của AI, các tòa án quốc gia cũng đưa ra các giải pháp trái ngược.

Ví dụ, ở Trung Quốc, một bài báo do AI viết đã được tòa án công nhận là tác phẩm có tính sáng tạo(2). Theo các thẩm phán của tòa án Nam Sa, nội dung bài báo thể hiện khả năng chọn lựa và phân tích thông tin, hình thức trình bày hợp lý, rõ ràng, và rõ ràng là có một sự “sáng tạo”.

Tòa án cũng nhấn mạnh rằng thời gian AI sản xuất ra bài báo này cũng chỉ khoảng trong hai phút, và không có sự hỗ trợ nào của con người trong quá trình “sáng tác”. Rõ ràng là đối với tòa án này, việc AI không phải là con người không đặt ra cản trở cụ thể nào với luật bản quyền.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này lại không được Cục Bản quyền Mỹ chọn lựa, đối với bức tranh mang tên A Recent Entrance to Paradise do AI tạo ra. Theo quyết định đưa ra vào ngày 14-2-2022 của Cục Bản quyền Mỹ thì tác phẩm này (do ông Steven Thaler đứng tên đăng ký cho tác giả là “Máy sáng tạo”) không thể đăng ký bảo hộ bởi vì tác phẩm này không do con người tạo ra(3).

Trong quyết định nói trên, Cục Bản quyền Mỹ nhắc lại “truyền thống” trong luật bản quyền Mỹ, vốn không bảo vệ những sản phẩm của máy tính. Ông Steven Thaler cho rằng quyết định “chỉ có con người mới được coi là tác giả tác phẩm” là vi hiến, và hiện đang phản đối quyết định này tại tòa án Mỹ.

Nhiều người cho rằng sáng tạo của AI chỉ thu hút được sự chú ý của giới yêu thích nghệ thuật trong thời gian ngắn, vì sản phẩm sáng tạo hàng loạt một cách quá dễ dàng sẽ nhanh chóng mất đi giá trị nghệ thuật của nó, trái ngược với tác phẩm sáng tạo đích thực của con người. Có lẽ yếu tố này cũng nên được đưa vào xem xét khi xây dựng một luật bản quyền mới, phù hợp với các thay đổi công nghệ hiện nay.

(1) Luật Việt Nam có đưa ra định nghĩa tác phẩm khá chung chung: “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học được thể hiện dưới hình thức và bằng phương tiện nào đó; không phân biệt nội dung, giá trị và không phụ thuộc vào bất kì thủ tục nào”.

(2) Tòa án nhân dân Nam Sa, Quảng Châu trong vụ tranh chấp giữa Công ty Shenzhen Tencent Computer System Co., Ltd và Shanghai Yingxun Technology Co., Ltd (2019)

(3) https://www.copyright.gov/rulings-filings/review-board/docs/a-recent-entrance-to-paradise.pdf

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới