Thứ năm, 12/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quyết định tiên phong của tòa án Đức về AI và ngoại lệ khai thác dữ liệu

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tòa án Đức vừa phán quyết rằng Laion - cơ quan phi lợi nhuận chuyên tạo ra các bộ dữ liệu đào tạo mở mà tất cả mọi người đều có thể sử dụng miễn phí - không vi phạm bản quyền khi sử dụng hình ảnh của một nhiếp ảnh gia dù ông này không cho phép.

Kể từ khi ChatGPT được tung ra vào tháng 11-2022, trí tuệ nhân tạo tạo sinh (AI generative) ngày càng có những bước tiến gây sửng sốt. Là những chương trình AI hoạt động trên các mô hình ngôn ngữ (Language Models) cho phép tạo ra nội dung văn bản, hình ảnh, âm thanh hay video “mới” dựa trên những dữ liệu được học, AI tạo sinh có những tiềm năng áp dụng khổng lồ, là cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.

Cũng kể từ khi AI tạo sinh ra đời, các vụ tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Ở Mỹ, nhiều tác giả, chủ sở hữu kiện công ty AI tạo sinh về hành vi sử dụng tác phẩm của họ để đào tạo AI. Tuy nhiên, đến giờ, chưa có quyết định nào của tòa án Mỹ trả lời rõ ràng câu hỏi về sự vi phạm bản quyền của các công ty này.

Gần đây, một quyết định của Tòa án Hamburg (Đức) đặc biệt thu hút sự chú ý của giới công nghệ cũng như các chuyên gia pháp lý. Đây cũng là quyết định tòa án đầu tiên ở châu Âu liên quan đến chủ đề nóng bỏng AI tạo sinh.

Luật của Liên minh châu Âu (điều 3 và điều 4 của Luật 2019 về quyền tác giả và quyền liên quan trong thị trường chung) công nhận hai ngoại lệ trong luật bản quyền là ngoại lệ về khai phá dữ liệu và khai phá văn bản (text and data mining). Các quốc gia thành viên vì thế phải đưa vào luật bản quyền quốc gia quy định cho phép sao chép hoặc trích đoạn hợp pháp tác phẩm bảo hộ với mục đích khai phá dữ liệu và khai phá văn bản - một hoạt động thiết yếu trong khoa học dữ liệu.

Điều kiện để ngoại lệ này được áp dụng là đối tượng khai thác phải có “tiếp cận hợp pháp” tới tác phẩm (điều 3), có nghĩa là không được sử dụng các nguồn bất hợp pháp, vi phạm luật bản quyền, hoặc vì mục đích nghiên cứu khoa học của các cơ sở nghiên cứu hay các cơ quan về di sản văn hóa (điều 4). Chủ sở hữu quyền tác giả có thể chọn giải pháp từ chối áp dụng ngoại lệ (“opt-out”, có nghĩa là chọn không tham gia). Trong trường hợp opt-out, tác phẩm của tác giả liên quan sẽ không nằm trong phạm vi áp dụng ngoại lệ nói trên.

Laion không phủ nhận rằng đã sử dụng những hình ảnh của Kneschke mà không có sự cho phép của ông nhưng cho rằng việc sử dụng này rơi vào ngoại lệ “khai phá dữ liệu và khai phá văn bản” với mục đích khoa học.

Vụ tranh chấp trước Tòa án Hamburg liên quan tới Laion, một cơ quan phi lợi nhuận của Đức chuyên tạo ra các bộ dữ liệu đào tạo mở mà tất cả mọi người đều có thể sử dụng miễn phí. Phần mềm AI tạo sinh Stable Diffusion cũng như một số mô hình ngôn ngữ nổi tiếng khác đã sử dụng bộ dữ liệu đào tạo mở của Laion mang tên LAION-5B. Tuy nhiên, trong số các dữ liệu LAION-5B có tồn tại một đường dẫn hyperlink tới BigstockPhot, một trang web của nhiếp ảnh gia người Đức Robert Kneschke.

Vấn đề đặt ra là ông Kneschke có ra thông báo trong mục “Điều kiện sử dụng trang web” rằng mọi hành vi sử dụng hình ảnh thuộc sở hữu của ông do các “chương trình tự động hóa” thực hiện bị đặc biệt nghiêm cấm. Khi phát hiện ra các tác phẩm của mình bị sử dụng không có sự cho phép, ông đã kiện Laion ra Tòa án Hamburg. Laion không phủ nhận rằng đã sử dụng những hình ảnh của Kneschke mà không có sự cho phép của ông nhưng cho rằng việc sử dụng này rơi vào ngoại lệ “khai phá dữ liệu và khai phá văn bản” với mục đích khoa học. Tất nhiên, ông Kneschke không đồng tình với lập luận của Laion.

Rất tiếc, quan điểm của thẩm phán Tòa án Hamburg trùng với Laion. Theo quyết định của tòa án này trong tháng 9 vừa qua, Laion hoạt động với mục đích nghiên cứu khoa học, không vì lợi nhuận. Vì thế, ngoại lệ sẽ được áp dụng trong trường hợp này, mà không cần phải có sự cho phép của tác giả. Đây không chỉ là chiến thắng của Laion mà còn cho nhiều công ty sở hữu AI khác hoạt động ở châu Âu. Ngược lại, quyết định này cũng là một bất lợi lớn cho các tác giả, vốn đang tìm mọi cách để các chương trình AI tạo sinh không sử dụng “chùa” tác phẩm của mình.

Quyết định này của Tòa án Hamburg, tất nhiên, chưa phải là quyết định cuối cùng. Nếu ông Kneschke kháng án, câu hỏi về ngoại lệ “khai phá dữ liệu và khai phá văn bản” trong trường hợp AI tạo sinh sẽ có thể lên tới tận tòa án của Liên minh châu Âu. Đây cũng là cơ hội để có câu trả lời dứt khoát, rõ ràng cho vấn đề đầy nan giải này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới