Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quýt hồng quay trở lại thời ‘hoàng kim’: bài toán nan giải

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đề án khôi phục vườn quýt hồng ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp bước đầu cho kết quả phát triển vườn cây rất khả quan. Tuy nhiên, để mở rộng diện tích như kỳ vọng của đề án hay như thời kỳ "hoàng kim" không phải là chuyện dễ.

Ông Đoàn Anh Kiệt đánh giá đề án khôi phục vườn quýt hồng giúp cây phát triển tốt. Ảnh: Trung Chánh

Quýt hồng- loại cây đặc sản của huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp- được chăm sóc và cho trái mỗi năm một lần đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Ở thời kỳ phát triển đỉnh cao, quýt hồng ở huyện Lai Vung có hơn 2.000 héc ta diện tích sản xuất, nhưng sau một thời gian khá dài dịch bệnh, diện tích loại cây trồng này hiện chỉ còn khoảng 200 héc ta.

Vườn quýt hồng "xanh" trở lại nhờ đề án khôi phục

Trao đổi với KTSG Online, ông Đoàn Anh Kiệt, ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cho biết, giai đoạn 2014-2016 là thời điểm phát triển nhất của quýt hồng ở Lai Vung, cả về diện tích lẫn sản lượng. “Lúc bấy giờ, năng suất quýt hồng có thể đạt đến 50 tấn/héc ta, mang lại cho người dân thu nhập hơn 1 tỉ đồng/héc ta”, ông nói.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2017-2020, loại cây đặc sản này gặp dịch bệnh vàng lá thúi rễ, khiến diện tích sản xuất từ khoảng 2.000 héc ta giảm xuống chỉ còn khoảng 200 héc ta. “Trước đây, bà con nông dân chỉ thấy cây quýt bị vàng rồi tự nhiên rụng lá chết, chứ không biết đó là bệnh vàng lá thúi rễ”, ông Kiệt nói.

Khi UBND tỉnh Đồng Tháp có đề án "bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung giai đoạn 2020-2024", các nhà khoa ở Trường Đại học Cần Thơ, Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã vào cuộc và xác định đó là bệnh vàng lá thúi rễ, tức tuyến trùng và nấm bệnh tấn công vào bộ rễ làm chết cây.

Theo thừa nhận của ông Kiệt, trước đây bà con nông dân lạm dụng phân hoá học để vườn cây đạt năng suất cao, nhưng điều này đã làm đất bạc màu, mất cân bằng độ PH, dẫn đến tuyến trùng phát triển, khiến nấm bệnh tăng cao, làm chết cây vì bệnh vàng lá thúi rễ.

Ngoài quýt hồng, đề án nêu trên của UBND tỉnh Đồng Tháp cũng chỉ ra rằng, cây quýt đường và cam xoàn cũng chịu chung tình trạng, tức xảy ra dịch bệnh với diện tích bị ảnh hưởng khoảng 5.372 héc ta, trong đó, có 2.500 héc ta không cho năng suất và khoảng 1.500 héc ta đã bị đốn bỏ.

Việc xây dựng đề án nêu trên nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2024 diện tích bảo tồn quýt hồng ở huyện Lai Vung đạt 546,63 héc ta, trong đó, khu vực khắc phục dịch bệnh là 198,71 héc ta và khu vực trồng mới là 347,92 héc ta.

Đến nay, sau hai năm triển khai đề án (từ năm 2020), ông Kiệt, một trong những hộ dân tham gia, cho biết đề án đã giúp nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, tức thay vì sử dụng 100% phân hóa học, thì nông dân sử dụng 70% phân hữu cơ và chỉ còn khoảng 30% phân hoá học cho quá trình canh tác.

“Theo đề án, mỗi năm sẽ bổ sung khoảng 15 tấn phân hữu cơ/héc ta (phân hữu cơ ở đây là loại phân được phối trộn từ phân chuồng và rơm rạ mục) để thay thế cho 70% lượng phân hoá học bị cắt giảm nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây quýt”, ông Kiệt cho biết và giải thích, lượng phân này sẽ kết hợp với khoảng 300 kg phân hoá học/héc ta để chia ra bón làm nhiều lần cho quá trình canh tác của vườn cây (mỗi năm có khoảng 5-6 lần bón).

Với quy trình canh tác mới, theo ông Kiệt, ở năm đầu tiên áp dụng (năm 2021), vườn quýt hồng có hiện tượng phục hồi, tức vườn cây xanh tốt hơn, tình trạng cây chết do bệnh vàng lá thúi rễ đã ngưng. “Sau năm đầu áp dụng, cây quýt hồng phục hồi từ từ, bước sang năm thứ hai (năm 2022) vườn cây của tôi phục hồi đạt khoảng 60-70%”, ông cho biết, nhưng thông tin thêm rằng năng suất hiện nay của cây quýt cũng chỉ đạt khoảng 20 tấn/héc ta so với con số khoảng 50 tấn/héc ta như trước đây.

Năng suất giảm như vậy cũng phản ánh đúng thực trạng, bởi bên cạnh việc vườn cây chưa phục hồi hoàn toàn, việc nông dân thay đổi cách thức sản xuất theo hướng hữu cơ cũng khiến năng suất giảm so với phương thức canh tác hoá học.

Ông Trần Minh Sơn (Tám Sơn), Ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, một hộ dân khác đã tham gia đề án cũng xác nhận, vườn quýt hồng của gia đình ông đã phục hồi khoảng 50% sau hai năm áp dụng sản xuất theo đề án.

Còn ông Nguyễn Văn Đầy, Ngụ ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cho biết, vườn cây của gia đình ông gần như đã phục hồi hoàn toàn, năng suất đã tăng trở lại. “Vào đợt mưa nhiều vào cuối năm ngoái, cây quýt của tôi vẫn không bị nứt và rụng trái như trước đây”, ông dẫn chứng và cho rằng việc chuyển hướng sử dụng phân hữu cơ theo đề án là yếu tố căn bản giúp vườn cây ít sâu bệnh, giảm tỷ lệ cây chết do vàng lá thúi rễ.

Ông Tám Sơn bên vườn quýt hồng thu hoạch dịp Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: Trung Chánh

Khó đưa quýt hồng trở lại thời kỳ "hoàng kim"

Trao đổi với KTSG Online, ông Tám Sơn thừa nhận, đề án có hiệu quả tốt trong việc giúp cây quýt hồng phục hồi “sức khoẻ”. Tuy nhiên, điều này cũng rất khó để giúp nông dân quay trở lại với loại cây trồng từng giúp nông dân ở huyện Lai Vung cất nhà, mua xe.

Theo ông, trong những năm cây quýt hồng bị thiệt hại nặng, có không ít nông dân đã quyết định chuyển sang các loại cây ăn trái khác như: mít, sầu riêng, mãng cầu, dừa… “Đây là những loại cây ăn trái lâu năm, cho nên khi họ đã chuyển thì rất khó để phá bỏ quay trở lại với cây quýt hồng, trong khi diện tích mở mới cũng không còn”, ông Sơn nêu thực trạng.

Lý giải nguyên nhân đề án bước đầu cho thấy hiệu quả tốt, nhưng diện tích quýt hồng chưa thể phục hồi, ông Kiệt cho rằng, nguyên nhân thứ nhất là chi phí đầu tư quá lớn, mà cụ thể sau ba năm trồng đến thời điểm cây bắt đầu cho trái, chi phí đầu tư lên đến 800 triệu đồng/héc ta, bà con không đủ vốn; nguyên nhân thứ hai là bà con nông dân vẫn còn e ngại về tính bền vững trong việc phục hồi của loại cây trồng này.

Chính vì vậy, ông Kiệt cho rằng, tại các cuộc họp bàn giải pháp khôi phục ông đều đề xuất phải có chính sách vốn cho nông dân và cần làm rõ tính hiệu quả bền vững trong việc phục hồi vườn cây của đề án. “Một số hộ đã phục hồi thì bà con có vốn, chứ vay ngân hàng để sản xuất coi như thua”, ông nói.

Trong khi đó, tại hội thảo bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị quýt hồng được tổ chức tại huyện Lai Vung mới đây, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng việc chú trọng nâng cao năng suất bằng cách lạm dụng phân hoá học chính là cái giá phải trả. “Đó là hệ luỵ khiến quýt hồng của chúng ta từ hàng ngàn héc ta giảm xuống chỉ còn 200 héc ta”, ông Tùng nói và cho rằng khi phục hồi cần phải có định hướng, bao gồm cả về vấn đề an toàn thực phẩm để không rơi vào “vết xe cũ”, vì phải mất ít nhất 10 năm để định hình lại loại cây trồng này.

TS Nguyễn Minh Châu, Nguyên viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam, cũng cho biết đã nhiều lần góp ý phải chú trọng vào chất lượng sản phẩm, chứ không nên đặt nặng đến năng suất. “Muốn năng suất cao rất dễ, chỉ cần trồng dày, bón phân, phun thật nhiều là được, nhưng đó là con đường đi sai cần phải sửa, tức phải đi theo con đường hữu cơ. Ai đi theo con đường năng suất trước sau gì cũng chết”, ông nhấn mạnh.

Một điểm lưu ý khác được ông Châu nêu ra, đó là cần phải tập trung cho cây giống tốt, bởi có cây giống kháng bệnh sẽ giúp vườn cây phát triển ổn định hơn. "Theo tôi cần phải lưu ý vấn đề này”, ông nói và cho rằng cây giống kém chất lượng 40.000 đồng/cây, trong khi cây sạch bệnh là 100.000 đồng/cây, thì dĩ nhiên nông dân sẽ chọn cây có giá thành tốt. “Vì vậy, để đảm bảo cho bà con sản xuất bền vững, thì Nhà nước phải hỗ trợ phần chênh lệch đó”, ông nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới