Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ra lệnh cho… thị trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ra lệnh cho… thị trường

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Trong một hội nghị của ngành nông nghiệp tổ chức hôm 13-2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường liên tục nhấn mạnh về vấn đề giảm giá thịt heo. Ông kêu gọi, đề nghị các doanh nghiệp lớn cùng nhau giảm giá, kéo mức giá xuống ít nhất ở mức 75.000 đồng/ki lô gam. “Nếu các doanh nghiệp không thực hiện, trong tuần tiếp theo, bộ sẽ chuyển sang việc yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện giảm giá. Nếu vẫn cố tình neo giá heo ở mức cao, bộ sẽ rà soát kiểm tra, căn cứ vào các luật định cũng như quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh để yêu cầu doanh nghiệp giảm giá thịt heo xuống ở mức hợp lý”, ông Cường nói.

Ra lệnh cho... thị trường
Ảnh: TTXVN

Ba ngày sau, yêu cầu của ông Cường được các doanh nghiệp thực hiện. Giá heo hơi tại các doanh nghiệp lớn giảm về mức 73.000-75.000 đồng/ki lô gam, phần nào làm dịu cơn sốt giá kéo dài nhiều tháng qua. Tuy nhiên, xét về mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, đề nghị giảm giá có phần cưỡng ép từ phía Nhà nước đang can thiệp quá sâu vào sự vận hành của kinh tế thị trường mà cung – cầu mới là hai yếu tố duy nhất xác định giá cả.

Nhìn lại lịch sử điều tiết nền kinh tế, không ít lần Nhà nước can thiệp vào thị trường bằng mệnh lệnh hoặc văn bản hành chính như sự việc kể trên. Chẳng hạn, Thông tư 80/2014/TT-BGTVT về vận tải hành khách trên đường thủy nội địa quy định doanh nghiệp chỉ được áp dụng giá vé mới sau 15 ngày kể từ khi công bố kể cả khi giảm giá, phải đóng cửa bán vé tối thiểu 15 phút trước khi phương tiện xuất bến, không được bán vé vượt số lượng hành khách; quyết định xử phạt hành chính các doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước taxi theo giá giảm xăng dầu hồi năm 2016; hay mới đây là mệnh lệnh xử phạt, tước giấy phép các nhà thuốc tăng giá bán khẩu trang. Tất cả các mặt hàng, dịch vụ kể trên đều không thuộc diện bình ổn giá theo Luật Giá.

Phải thừa nhận rằng không có một thị trường tự do thuần túy, bàn tay vô hình dù hoạt động tự do đến mấy vẫn chịu sự tác động của “bàn tay nhà nước” theo cách này hoặc cách khác. Tuy nhiên, can thiệp vào thị trường bằng ra mệnh lệnh có thể làm méo mó thị trường, khiến doanh nghiệp mất động lực cạnh tranh lành mạnh và làm xa rời mục tiêu xây dựng nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường mà Chính phủ đề ra.

Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ, EU và nhiều nước phát triển khác vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Đó là bởi Nhà nước hiện nay vẫn đang còn xu hướng kiểm soát thay vì điều tiết và kiến tạo phát triển. Thay bằng ra lệnh cho thị trường, cơ quan quản lý có thể gián tiếp điều tiết giá cả bằng cách tăng cung, khuyến khích sản xuất, lưu thông và kìm cầu bằng cách tuyên truyền người dân không nên tích trữ, gom hàng. Đặc biệt là buộc các doanh nghiệp niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và đóng thuế đầy đủ để xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh. Quan trọng hơn, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cắt giảm chi phí kinh doanh, cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, điều chỉnh mức thuế, phí hợp lý…

Cũng không loại trừ khả năng có sự liên kết giữa các doanh nghiệp để cạnh tranh không lành mạnh, thao túng giá. Nhưng bất cập này không thể được giải quyết bằng cách ra các mệnh lệnh xử phạt mà cần một hệ thống luật pháp về cạnh tranh hoàn chỉnh, phù hợp với tình hình thực tiễn, có thế mới khiến doanh nghiệp, người dân tâm phục khẩu phục và yên tâm đầu tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới