Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ra ngõ gặp hoa hậu thì đã sao?

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - “Hầu hết trả lời lạc đề. Đề đại loại là nói về hòa bình thế giới, các em lại kể lể về cá nhân mình hoặc ca ngợi vị chức sắc nào đó nhưng có vẻ thuộc lòng, đọc ro ro”, giám đốc một công ty du lịch nhận xét sau khi xem một cuộc thi hoa hậu, là cuộc thi đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội về ngôi vị hoa hậu trong những ngày gần đây.

Hơn tuần qua, những bình luận trên nhiều trang thông tin điện tử và mạng xã hội liên tục công kích một cuộc thi hoa hậu và qua đó, kể thêm nhiều cuộc thi khác đã diễn ra trong các năm qua, với nhận xét đại ý là Việt Nam có quá nhiều cuộc thi hoa hậu, hoa khôi.

Trong bài “Đằng sau sự bùng nổ các cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam” đăng trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn vào tháng 8 năm ngoái, có thông tin cho biết, tính từ năm 2020-2023, số lượng cuộc thi hoa hậu của Việt Nam đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Pháp và Mỹ. Tuy nhiên, mấy ngày qua, có nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, có đến 60 cuộc thi hoa hậu được tổ chức trên cả nước. Trong đó, có những cuộc thi chọn các hoa hậu rất lạ như hoa hậu vĩnh hằng, hoa hậu đoan trang, hoa hậu thẩm mỹ.

Quy định về tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu đã được Chính phủ quy định trong Nghị định 144 ban hành năm 2020 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Theo điều 16 của nghị định, nhà tổ chức cuộc thi có thể là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật; hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn; tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cuộc thi phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật; có văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cơ quan nhà nước là ủy ban nhân dân tỉnh, thành nơi tổ chức cuộc thi, sẽ chỉ đạo các cơ quan trực thuộc thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động tổ chức cuộc thi trên địa bàn đúng quy định của pháp luật. Đến đây có thể nói, quan điểm của nhà quản lý là xem các cuộc thi hoa hậu, người mẫu, hoa khôi như những hoạt động biểu diễn nghệ thuật; việc xin phép tổ chức không khác gì với đăng ký tổ chức các chương trình ca múa nhạc, biểu diễn cải lương, tuồng, chèo…

Nếu là hoạt động biểu diễn nghệ thuật, không vi phạm pháp luật, không vi phạm thuần phong mỹ tục thì càng có nhiều cuộc thi, nhiều điểm biểu diễn thu hút được người xem thì đó là hoạt động văn hóa nghệ thuật lành mạnh. Công ty tổ chức tốt, bài bản, ban giám khảo uy tín, hoạt động truyền thông đến cộng đồng tốt thì danh hiệu hoa hậu, người đẹp qua từng năm sẽ thu hút người xem, thu nhà tài trợ và quảng cáo, nộp thuế cho Nhà nước. Ngược lại, doanh nghiệp tổ chức cuộc thi yếu kém sẽ bị người “tiêu dùng” nghệ thuật đào thải, dần biến mất trên thị trường.

Có không ít người nói với người viết rằng, quá nhiều cuộc thi sẽ làm nhiễu loạn “thị trường” người đẹp, sao Nhà nước không ra tay? Thiết nghĩ, nếu là cơ quan cấp phép thì không thể không cấp phép cho doanh nghiệp đủ điều kiện hồ sơ và không vi phạm pháp luật. Việc quản lý các cuộc thi này sẽ được thực hiện tương tự như những chương trình ca múa nhạc hay các loại hình nghệ thuật khác. Tức là, nếu thi người đẹp mà quá nhố nhăng, nhẹ thì bị người dân phản ứng, nhà tài trợ tẩy chay còn nặng, cơ quan quản lý sẽ phạt hành chính, rút giấy phép và không cấp phép các lần sau.

Khi các cuộc thi người đẹp vẫn có những tác dụng tốt cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu; hình ảnh hoa hậu trong quảng bá sản phẩm, dịch vụ vẫn có khả năng thu hút khách hàng thì số lượng các cuộc thi vẫn còn nhiều là lẽ đương nhiên.

Tuy nhiên, khi khán giả có trình độ cao hơn, khắt khe hơn, đòi hỏi các cuộc thi phải có chất lượng chuyên môn hơn; nhà tài trợ cũng yêu cầu cao hơn về tính nghiêm túc và sự chuyên nghiệp của sự kiện thì khi ấy, các cuộc thi hoa hậu mặc nhiên sẽ giảm, bởi nhà tổ chức không chuyên nghiệp sẽ bị đào thải dần.

Ra ngõ gặp hoa hậu thì đã sao?

3 BÌNH LUẬN

  1. Người đẹp, đâu có lỗi gì ? Không nên phê phán hoa hậu. Chỉ phê phán những cái gì… cứ tưởng là hoa hậu mà thôi. Nếu chưa chuẩn, thì cần tiếp tục chỉnh sửa. Cho các em thêm cơ hội, cũng không có gì đáng tiếc. Ông bà ta thường nói, cái nết đánh chết cái đẹp. Có thể diễn giải thêm cho hay hơn trong thời đại ngày nay, cái nết kết với cái đẹp, là OK. Dù sao, cái đẹp vẫn cứu độ thế gian. Cái đẹp hiểu theo nghĩa rộng và văn minh. Đại văn hào Nga, Dostoevsky, đã từng nhắc nhở chúng ta như vậy.

  2. Ra ngõ gặp hoa hậu ? Tuyệt vời, nhưng không thực tế. Hoa hậu, là người đẹp được tôn vinh và công nhận theo đúng quy định phép tắc của cuộc chơi. Lẽ thường, cái gì nhiều quá thì hóa bình thường, thậm chí tầm thường. Bởi vậy, cuộc chơi nào muốn vươn đến đỉnh cao thì phải chứng minh được tính uy tín và chuyên nghiệp.

  3. Cứ xem như biểu diễn nghệ thuật như bài báo viết là được, thị trường nghệ thuật sẽ sàng lọc, nhà tài trợ cũng sàng lọc và chính người dân cũng nâng cao mức hưởng thụ nghệ thuật lên, lúc đó các cuộc thi hoa hậu sẽ dần dà đi vào chất lượng, nề nếp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới