Răng chưa long, đầu đã bạc!
(SGTO) - Ngày nay, xã hội đang trên đà phát triển mạnh về mọi mặt, con người ngày càng quan tâm đến sức khỏe của mình. Tuy nhiên, có những thói quen xấu của nhiều người về răng miệng tồn tại từ rất lâu mà không dễ gì thay đổi được.
Cụ thể như thói quen đánh răng chà ngang, làm mòn cổ răng hàng loạt, dẫn đến ê buốt, thậm chí mòn đứt cả thân răng. Một số khác thì vẫn quan niệm “đầu bạc răng long”, mà không biết rằng chỉ cần giữ vệ sinh răng miệng, khám răng, cạo vôi răng định kỳ thì ngay cả khi “đầu bạc”, răng vẫn “chưa long”. Mặt khác, cũng có người tuy biết mình mắc bệnh về răng miệng như hơi thở hôi, nói chuyện văng nước bọt… sinh ra lo lắng, thiếu tự tin khi giao tiếp nhưng vẫn “kiên quyết” không đi khám… vì mắc cỡ khi gặp bác sĩ!
Trường hợp chị T, 40 tuổi, vừa làm công tác quản lý công ty X ở quận 7, TPHCM, vừa cộng tác giảng dạy với các công ty đào tạo là một ví dụ. Cách đây vài năm, chị vừa bị răng thưa, vừa bị mất một số răng ở hai bên hàm dưới. Thay vì phải khám, chị T sợ đi kiềng lại răng sẽ mất một hoặc hai năm răng mới hoàn chỉnh, vì sợ ảnh hưởng đến công việc, chị đành thôi.
Do đó, các răng cửa hàm dưới của chị ngày càng hở kẽ và hai má bị hóp nên trông chị già hơn tuổi 40. Tuy nhiên điều làm chị T lúng túng và mất tự tin hơn cả là khi chủ trì các buổi họp của công ty hoặc lúc giảng dạy… nước bọt cứ vô tư văng ra trước hàng chục cặp mắt sững sờ của mọi người. Do không đi khám răng miệng, nên chị T cứ tưởng mình bị tật bẩm sinh nên cố gắng chịu đựng cảnh “mưa rào rơi lất phất” trong suốt thời gian dài…
Cho đến một ngày, chị lấy hết can đảm đem nỗi lo âu, mặc cảm của mình đến tâm sự với bác sĩ nha khoa. Vấn đề của chị tưởng phức tạp nhưng hóa ra lại rất đơn giản. Sau ba bốn lần được bác sĩ trám, bít các khe hở của răng hàm dưới - nguyên nhân làm văng nước bọt, chị T đã có lại sự tự tin với hai hàm răng trắng đều, không còn cảnh “mưa rào rơi lất phất” nữa.
Hoặc một trường hợp khác là một nữ bệnh nhân 55 tuổi ở tận Lâm Đồng phải tìm xuống Sài Gòn vì trạng thái răng thường xuyên bị đau, nhức và sưng hàm. Bà kể lúc khám ở Lâm Đồng, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây đau, sưng hàm là do răng khôn số 48 mọc ngang và đề nghị nhổ. Thế nhưng, các bác sĩ ở thành phố đã phát hiện ra nguyên nhân gây đau cho bà là do có viên sỏi nằm ngay tuyến nước bọt đã làm viêm và đau toàn bộ phần hàm.
Để giữ vệ sinh răng miệng, nhiều người có thói quen sau khi thức giấc vào buổi sáng việc đầu tiên là súc miệng đánh răng, ăn sáng rồi đi làm và rất ít khi đánh răng lại một lần nữa. Chính vì không đánh răng sau khi ăn nên nhiều người không để ý đến những mẩu thức ăn thừa còn bám trên răng, một trong những nguyên nhân gây sâu răng về sau. Vì vậy, cách bảo vệ răng đơn giản, ít tốn kém nhất là mỗi ngvười nên có thói quen đánh răng sau mỗi bữa ăn, đánh răng trước khi đi ngủ và khám răng định kỳ.
BS. NGUYỄN THỊ BẢO TRÂM - Phòng khám đa khoa Vì Dân