(KTSG) – “Điều tốt nhất mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể làm đó là không gây chú ý và tĩnh lặng như rừng cây trong đền” – Hisato Ichimada(*)
Bài viết này là phân tích đầu tư hàng tháng của Quỹ QTMacro gửi tới những nhà đầu tư chuyên nghiệp và các quỹ đầu tư nhằm tiếp cận thị trường tốt hơn.
- Nhật Bản và Việt Nam ký thoả thuận ODA giá trị gần 11.000 tỉ đồng
- EU, Nhật Bản hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng chip
Lý do nhiều người có cái nhìn sai lệch về Nhật Bản
Nhật Bản luôn là một ẩn số, và vì thế không thể phân tích bằng những phương thức đã được áp dụng cho các khu vực khác trên thế giới. Cách tiếp cận tốt nhất đối với đất nước mặt trời mọc này là tìm hiểu những điểm đặc trưng trước khi suy nghĩ tới tiềm năng của họ. Hãy để ý tới những điểm đáng chú ý sau:
– Nhật Bản là quốc gia có chỉ số nợ trên GDP vượt 260% và áp dụng hình thức kiểm soát đường cong lợi suất để kích thích nền kinh tế.
– Kích thích kinh tế nhìn đơn giản trên sách vở, nhưng thực tiễn thì không. Nhật Bản đã phải trải qua vài thập kỷ không nhìn thấy tăng trưởng kể từ đầu những năm 1990. Thị trường cổ phiếu chỉ dao động trong khoảng nhất định trong cả một chu kỳ Abenomics, khi ngân hàng trung ương hoàn toàn thất bại trong quá trình đạt mục tiêu lạm phát ở 2%.
– Chất vấn về định hướng chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày càng tăng khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cùng với những ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển đồng loạt tăng lãi suất vào năm ngoái. Lạm phát chạm đỉnh cao nhất trong 41 năm ở mức 4,2% vào tháng 1-2023 càng làm chất vấn thêm nặng nề.
– BOJ sẽ bị ép phải dừng chính sách tiền tệ của mình, mặc cho áp lực lên nền kinh tế vốn không tăng trưởng.
– Đây là lý do tại sao lần thay thống đốc BOJ sắp tới đang là tâm điểm truyền thông. Sự kiện này được mong đợi sẽ đánh dấu bước ngoặt trong công cuộc cải tổ lại chính sách tiền tệ và nâng lãi suất trở lại. Nhưng đối với QTMacro đây không phải là chất xúc tác để bắt đầu quá trình đó như tất cả đều nghĩ.
Nhiều ý kiến từ bên ngoài không hiểu rằng, đối với BOJ, lạm phát cao nhất trong 41 năm là một điều tốt và cần khuyến khích. Chính phủ Nhật muốn tăng chỉ số lương, tăng đầu tư dài hạn, tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, và tăng cường sự liên kết công – tư trong các lĩnh vực tối quan trọng như chip điện tử và hàng không vũ trụ và quốc phòng. Lạm phát là con đường ít chông gai nhất.
Nếu chỉ nhìn vào chính sách tiền tệ của Nhật Bản, chúng ta sẽ bỏ qua bức tranh tổng thể của nền kinh tế này: dân số già đi, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và sự bành trướng mạnh mẽ từ Trung Quốc là những yếu tố địa chính trị gây áp lực lớn nhất lên đất nước mặt trời mọc trong vòng 75 năm qua.
Trong hai lần gần nhất Nhật Bản phải đối mặt với những thách thức tương tự, nền kinh tế của họ bật mạnh và Nhật Bản tái cấu trúc trục quyền lực của thế giới. Mặc dù Nhật Bản lúc nào cũng gặp khó khăn, nhưng lịch sử 155 năm của họ cho thấy dân tộc này luôn biết cách vượt khó mỗi khi bị dồn vào thế cùng đường. Liệu Nhật Bản có thể lặp lại điều đó hay không?
Nhân khẩu xấu
Nhật Bản có chỉ số nhân khẩu xấu nhất thế giới.
– Năm 2021, Nhật Bản thống kê được 811.000 trẻ em sinh ra so với gần 1,4 triệu người già chết đi. Đây là cách biệt lớn nhất giữa tỷ lệ sinh và tử trong lịch sử của quốc gia này.
– Báo cáo của Viện Dân số và An sinh xã hội Nhật Bản cho biết xu hướng giảm tỷ lệ sinh của Nhật mới chỉ bắt đầu. Tới năm 2065, dân số Nhật sẽ chỉ còn 88 triệu người so với 127 triệu người như hiện tại, giảm 30%.
– Chỉ số người có tuổi lớn hơn 65 ở Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ cộng lại mới lớn hơn của Nhật Bản. So về phần trăm dân số thì Nhật Bản lớn hơn cả ba quốc gia trên, với 28,2% tổng dân số có tuổi lớn hơn 65. Đứng thứ nhì là Ý với 22,8%. Độ tuổi có số người thống kê nhiều nhất là 49 tuổi.
– Trong khi Trung Quốc mới chỉ thông báo thống kê nhân khẩu giảm vào tháng 1 năm nay, thì Nhật Bản đã bắt đầu nhìn thấy nhân khẩu giảm kể từ năm 2015.
Dân số giảm đồng nghĩa với tăng trưởng giảm khiến Chính phủ Nhật Bản buộc phải tăng chi tiêu an sinh xã hội, được cho rằng sẽ phải chiếm 25% tổng thu nhập quốc gia năm 2025. Khi cộng tất cả những dịch vụ công khác thì chỉ số chi tiêu công sẽ chiếm 60% tổng thu nhập quốc gia.
Lần cuối cùng Nhật Bản nhìn thấy tăng trưởng kinh tế đó là lúc dân số tăng gấp đôi ở cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nhật Bản cũng là quốc gia đầu tiên nhìn thấy dân số giảm và đã trải qua một thời gian dài đối phó với vấn đề này. Khi các quốc gia phát triển cũng bắt đầu đi vào chu kỳ suy thoái dân số, họ sẽ phải học hỏi nhiều từ Nhật.
Thiếu thốn khoáng sản
Địa hình ốc đảo luôn mang lại nhiều lợi thế về địa chính trị:
Liên hiệp Anh có thể bành trướng và tạo dựng đế chế của mình một phần là do đảo quốc này ngăn cách với lục địa châu Âu, nơi mà chiến tranh thường xuyên diễn ra. Các cuộc chinh chiến của Vua Phillip II, Hoàng đế Napoleon và Hitler đều thất bại trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát Anh vì tất cả đều thất bại trên mặt trận thủy chiến.
Mỹ có được sự thịnh vượng ngày hôm nay cũng nhờ vào sự ngăn cách tương tự. Mexico và Canada không phải những mối nguy hiểm thật sự với Mỹ, trong khi đó tất cả những quốc gia có thù địch với Mỹ đều phải giải bài toán biển Đại Tây Dương hoặc Thái Bình Dương để có thể gây áp lực lên quốc gia vĩ đại nhất thế giới này. Kể từ lần cuối cùng khi Anh đốt phá Washington D.C. năm 1812, Mỹ chưa một lần nào gặp phải đe dọa trực tiếp về mặt an ninh quốc phòng.
Nhưng xét về khoáng sản, Anh và Mỹ là hai quốc gia có đủ khoáng sản để tự lực cánh sinh so với tất cả các quốc gia có địa hình tương tự.
Với Nhật Bản, địa hình quần đảo của quốc gia này cũng mang lại lợi thế về địa chính trị, nhưng lại không có nguồn khoáng sản hoặc lợi thế thiên nhiên nào cả.
– Nhật Bản phụ thuộc 94% tổng tiêu thụ năng lượng vào nhập khẩu. Thống kê của Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho thấy đất nước này phụ thuộc 97,7% nguồn dầu của Trung Đông.
– Nhật Bản không thể tự canh tác đủ nông sản để cung cấp cho thị trường nội địa, là nước nhập khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới.
– Bên cạnh đó, Nhật Bản còn nhập khẩu hầu hết tất cả các kim loại đầu vào cần thiết cho ngành công nghiệp.
Chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc hơn các quốc gia khác
Nền kinh tế Nhật Bản chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Trung Quốc.
– Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, chiếm 21,6% tổng xuất khẩu và 24% tổng nhập khẩu trong năm 2021.
– Thống kê của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, khoảng 1.133 trên tổng số 5.000 sản phẩm nhập khẩu phụ thuộc vào Trung Quốc; so với Mỹ chỉ khoảng 590 sản phẩm. Theo Nikkei, nếu Trung Quốc dừng giao dịch, các công ty Nhật Bản sẽ chịu tổn thất ít nhất 390 tỉ đô la Mỹ.
Vì dân số già hóa, các công ty Nhật Bản nhìn vào Trung Quốc như là giải pháp để kiểm soát chi phí. Nhưng khảo sát gần nhất cho thấy tâm lý này đang dần thay đổi: 14% các công ty có dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc đã tính tới cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc, và 78% các công ty tham gia khảo sát tin rằng rủi ro chuỗi cung ứng tới từ Trung Quốc đã tăng trong sáu tháng gần nhất. Một số công ty hy vọng họ có thể giảm thiểu rủi ro căng thẳng chính trị giữa Nhật Bản và Trung Quốc bằng cách đẩy chuỗi cung ứng xuống các nước Đông Nam Á.
Công thức để thành công
Nhật Bản luôn tìm ra cách để vượt qua mọi khó khăn. Hệ thống chính trị và kinh tế của quốc gia này có thể lột xác một cách ngoạn mục nếu cần thiết.
Khả năng hiện đại hóa và công nghiệp hóa của Nhật Bản hầu hết được khơi mào bởi những sự đe dọa an ninh quốc gia, từ đế chế nhà Minh tới sự bành trướng của các thế lực hải quân châu Âu.
Đô đốc Matthew Perry dùng vũ lực mở cửa Nhật Bản vào năm 1854, lúc chính phủ nước này đóng cửa và tự cách ly với thế giới bên ngoài.
Trong vòng 40 năm kể từ sự kiện năm 1854, Nhật Bản đã xây dựng được lực lượng hải quân cực mạnh, và nếu may mắn hơn trong trận chiến Midway, có lẽ Nhật Bản và Mỹ sẽ bất phân thắng bại trên mặt trận thủy chiến trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Công cuộc khôi phục sau chiến tranh cũng mạnh mẽ không kém.
Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, tổng sản phẩm quốc dân Nhật Bản bị thiệt hại 40%, dân số giảm 3% (khoảng 3 triệu người chết vì chiến tranh), một số thành phố ở Nhật bị phá hủy hoàn toàn, tâm lý dân chúng bị chấn động sau khi bị bỏ bom nguyên tử.
Nhưng kinh tế Nhật Bản đã vươn lên ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng 6,8% mỗi năm từ năm 1952-1991 và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Liệu Nhật Bản có thể lặp lại được thành công của quá khứ? Rất có thể. Hiện tại, đất nước này vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu, nhưng lao động ở Trung Quốc không còn rẻ như trước và toàn cầu hóa hiện tại đã đi vào thoái trào. Nhưng Nhật Bản luôn biết cách vươn lên mỗi khi bị dồn vào đường cùng.
(Hết phần 1)
(*) Thống đốc thứ 18 Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (1946-1954)
- Những thông tin trên không nhằm vào mục đích chỉ điểm đầu tư. Tác giả có thể có những khoản đầu tư vào những cổ phiếu được nêu tên trong bài viết. Đầu tư thường mang rủi ro lớn, thế nên người đọc nên tìm tư vấn từ những chuyên gia đầu tư có bằng cấp trước khi cân nhắc đầu tư vào những gì mình đọc.
- Nếu nhà đầu tư quan tâm xin vui lòng liên hệ qua e-mail của QTMacro: slumdogmarket@gmail.com