Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Rào cản cũ, nghịch lý mới

TS. Trần Hữu Hiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Năm 2023, trong khi các rào cản cũ đang tích tụ thêm sức ỳ thì thị trường phải đón nhận những nghịch lý mới phát sinh. Kích cầu tiêu dùng, đầu tư, đảm bảo cán cân thương mại dương, tạo không gian và nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển là những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm 2023.

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không cần thiết, tập trung hàng thiết yếu.

Không gian phát triển mới và nghịch lý mới

Trên bình diện chung, Việt Nam cùng với các quốc gia trên thế giới đang trong bước chuyển lịch sử, từ không gian phát triển vật lý, địa - kinh tế sang thời đại số, từ lao động cơ bắp, tăng hàm lượng tri thức sang nền tảng và sử dụng động lực chủ yếu bằng trí tuệ và sáng tạo. Bước chuyển đó đòi hỏi các nền kinh tế phải định vị mình, huy động và sử dụng các nguồn lực phát triển hiệu quả.

Nhìn tổng thể trên bình diện chung của thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững dù chậm lại, nhưng vẫn giữ được đà tăng trưởng; đối mặt và đang thể hiện năng lực vượt qua “các cơn gió ngược” của kinh tế thế giới, nhưng cũng đang gặp phải những thách thức to lớn. Một số động lực tăng trưởng của đất nước đang suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, động lực tăng trưởng từ xuất khẩu giảm. Trong đó, có những tình huống, nghịch lý mới xuất hiện hoặc từ tác động tiêu cực tích lũy, liên hoàn cần nhận diện và chủ động ứng phó.

Xu hướng suy giảm động lực tăng trưởng kinh tế liên tục và kéo dài là biểu hiện dễ nhận thấy. Trong khi nền kinh tế “khát vốn” thì “tiền vẫn ế”. Doanh nghiệp thành lập mới tăng theo số liệu thống kê, nhưng chưa kịp hoạt động, đóng góp cho nền kinh tế, thì số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cũng tăng, chiếm khoảng 75% thành lập mới, tác động tiêu cực ngay tức khắc đến thị trường khi mất việc làm, đứt gãy nguồn cung sản phẩm, dịch vụ.

Thực tế cũng cho thấy, có sự lúng túng, nổi rõ trong lĩnh vực điều hành về điện, xăng dầu, cung ứng hàng hóa thiết yếu như thuốc chữa bệnh, vật tư y tế và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có sự yếu kém trong chuẩn bị các dự án đầu tư để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của một số cơ quan, đơn vị, dẫn đến điều chỉnh danh mục dự án đầu tư khi đã cân đối vốn.

Những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của các cơ quan, chính quyền địa phương chưa đủ để tháo điểm nghẽn, yếu kém tích lũy liên hoàn. Chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế. Việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai); chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phát huy nội lực thì phải khơi thông nguồn lực

Có thể thấy nhiều quyết sách nhanh, những chính sách tích cực, nhưng độ trễ chính sách khá dài, chứng tỏ việc triển khai chính sách của bộ phận thực thi chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng thấp còn xuất phát từ phía doanh nghiệp, thị trường thấp điểm. Sức khỏe doanh nghiệp chưa hồi phục sau các cú sốc đại dịch Covid-19; khi tỷ suất lợi nhuận thấp thì doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn và không dám vay vốn.

Bảo đảm các nguồn lực lưu thông thông suốt là yếu tố quyết định hiệu quả của nền kinh tế và doanh nghiệp, là hướng mở cho điểm nghẽn của tình thế “tiền ế” trong khi doanh nghiệp vẫn khát vốn.

Để tiền không bị ế, giải được cơn khát vốn cho doanh nghiệp, cần: Tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; ưu tiên thực chất cho nông nghiệp, nông thôn, mở rộng và thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin; củng cố, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục trong giao dịch với khách hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân.

Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng..., ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước được coi là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2023.

Cùng với kích cầu tiêu dùng, phải thúc đẩy đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân là nhân tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kích cầu tiêu dùng, đầu tư, đảm bảo cán cân thương mại dương là những giải pháp quan trọng vừa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023, vừa trợ lực, tạo không gian và nguồn lực cho doanh nghiệp đang hoạt động, đang chuẩn bị vào thị trường vượt qua rào cản cũ, thoát tình thế nghịch lý mới, có bước phát triển mới.

2 BÌNH LUẬN

  1. Không thể thúc giục tiêu tiền là có thể tiêu pha được ngay. Cũng như không thể thúc giục mở rộng tín dụng khi nội lực của doanh nghiệp đang teo tóp. Mọi thứ đều có nguyên nhân, nhất là khi nhìn vào bản chất của vấn đề. Tiền đang vận hành đúng nguyên lý của nó: Tiền đi liền khúc ruột/ Ai chi tiêu quá nhanh sẽ không bao giờ giàu có được/ Nếu bạn xài những thứ mà mình không cần, sớm muộn gì bạn cũng phải bán đi những thứ mình cần. Vậy thôi.

  2. Tiền xài vô tư, chính là tiền giấy, in vô tội vạ và gắn với siêu lạm phát. Qua thời đó lâu rồi. Thời nay, tiền xài phải gắn với trách nhiệm rõ ràng, thì đâu có thể dễ dàng được !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới