(KTSG) - Bộ Công Thương không ủng hộ việc trả tiền cho phần điện mặt trời mái nhà được phát lên lưới điện quốc gia do lo ngại “vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống và để ngăn hiện tượng trục lợi chính sách”; thay vào đó, bộ đề nghị áp dụng cơ chế mua với giá 0 đồng cho sản lượng điện được người dân, cơ quan và doanh nghiệp tự nguyện phát lên lưới.
- Đề xuất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được miễn giấy phép điện lực
- Đề xuất miễn, giảm các loại thuế, phí cụ thể cho nhà đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà
Nội dung này được nêu rõ tại dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, và Bộ Công Thương đang tích cực bảo vệ cho quan điểm này. Đây là đề xuất được đánh giá là không khuyến khích đối với điện mặt trời mái nhà, vốn đã phát triển rất mạnh sau khi Chính phủ cho áp dụng thí điểm mua điện mặt trời mái nhà của người dân trong năm 2020.
Thật ra Bộ Công Thương có lý do để lo ngại như vậy. Với hơn 9.500 MW, tổng công suất nguồn điện mặt trời mái nhà hiện nay tương đương công suất của ba nhà máy nhiệt điện lớn cộng lại, nhưng lại phân tán ra tới 103.000 dự án trên khắp cả nước, nên sẽ là thách thức rất lớn cho công tác điều độ. Hơn nữa, do tính bất định của điện mặt trời, hệ thống luôn phải có nguồn dự phòng là thủy điện hoặc nhiệt điện với công suất tương đương để kịp thời bù khuyết khi trời không có nắng, làm tăng chi phí.
Tuy nhiên, cũng không nên vì những khó khăn trên mà xem nhẹ một lĩnh vực nhiều tiềm năng phát triển như điện mặt trời mái nhà, nhất là khi những khó khăn Bộ Công Thương nêu ra chỉ là những vấn đề về kỹ thuật và có thể dùng biện pháp kỹ thuật để giải quyết.
Phát triển điện mặt trời mái nhà là phương thức hiệu quả để thu hút nguồn lực của xã hội cho phát triển nguồn điện, giảm áp lực trong việc chạy đua đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của hệ thống điện quốc gia. Hơn nữa, đây còn là một trong những giải pháp khả thi nhất để giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, tiến tới hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Trong thực tế, nhược điểm về tính ổn định của điện mặt trời, và cả điện gió, hoàn toàn có thể khắc phục bằng cách đầu tư cho các hệ thống lưu trữ điện. Vì vậy, thay vì bỏ ra hàng tỉ đô la Mỹ để xây dựng các nhà máy nhiệt điện làm dự phòng, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ để hướng dòng vốn đầu tư này vào các hệ thống lưu trữ năng lượng như thủy điện tích năng hoặc các trạm pin công suất lớn... giải pháp mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.
Ngoài ra, bên cạnh việc Nhà nước mua lại điện của người dân, thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vẫn còn những giải pháp hiệu quả khác để khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Chẳng hạn như Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn, thậm chí là trợ giá, để người dân tự đầu tư lắp đặt hệ thống pin lưu trữ điện, giống như chính sách trợ giá thông qua việc miễn, giảm thuế trước bạ với ô tô trong những năm qua. Nếu chính sách này kết hợp với việc hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp chế tạo pin trong nước thì hiệu quả đối với nền kinh tế còn lớn hơn gấp bội.
Hiện nay chi phí đầu tư cũng như giá thành điện mặt trời, điện gió đang có xu hướng giảm, trong khi giá điện lưới quốc gia thì ngày một tăng. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mái nhà. Cái còn thiếu chỉ là chính sách khuyến khích phù hợp mà thôi.
Nút thắt chính cần tháo gỡ: Khuyến khích nhà cung cấp/ người dân tăng cường thiết bị lưu trữ, dự phòng năng lượng mặt trời.
Có cơ chế khuyến khích tài chính về tiết kiệm điện: Ngành điện trả tiền/ hoặc thưởng cho những hộ gia đình/ tổ chức có thành tích tiết kiệm điện từ việc ưu tiên sử dụng năng lượng mặt trời. Giải pháp này xem ra ưu việt và thuyết phục hơn, so với việc áp giá 0 đồng cho điện mặt trời hòa chung vào lưới điện quốc gia.
“Thật ra Bộ Công Thương có lý do để lo ngại như vậy. Với hơn 9.500 MW, tổng công suất nguồn điện mặt trời mái nhà hiện nay tương đương công suất của ba nhà máy nhiệt điện lớn cộng lại, nhưng lại phân tán ra tới 103.000 dự án trên khắp cả nước, nên sẽ là thách thức rất lớn cho công tác điều độ. Hơn nữa, do tính bất định của điện mặt trời, hệ thống luôn phải có nguồn dự phòng là thủy điện hoặc nhiệt điện với công suất tương đương để kịp thời bù khuyết khi trời không có nắng, làm tăng chi phí.”
Tác giả nói rất giống “chiên da”. Rất nhiều “chiên da” chém như thật nhưng còn nhầm lẫn công suất và sản lượng, thậm chí còn dùng đơn vị kW/h để đo công suất phát điện.
Chính tính chất phân tán và công suất nhỏ của các hệ thống điện mặt trời mái nhà là một lợi thế cho hệ thống điện quốc gia. Lợi thế là ở chỗ điện năng phát ra chủ yếu tiêu thụ tại chỗ (nhỏ) và giảm sự ảnh hưởng do thay đổi công suất phát bởi yếu tố nắng mưa bất chợt (phân tán). Thách thức cho điều độ khi tỷ lệ điện năng từ gió và mặt trời cao là có nhưng với trình độ công nghệ về điều khiển tự động ngày càng cao thì việc này (điều độ và quản lý) không có gì là khó.