Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rất cần một khung pháp lý

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rất cần một khung pháp lý

Tranh minh họa: Khều

(TBKTSG) – Theo tin tức được báo chí tường thuật, tại cuộc hội thảo ngày 12-8-2008 tại Hà Nội để thảo luận dự thảo nghị định về việc hình thành khung pháp lý để quản lý và giám sát các tập đoàn kinh tế nhà nước do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương chịu trách nhiệm soạn thảo và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét, đại diện các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty đã phản ứng dữ dội đối với dự thảo, cho là “quá vội vã”, có ý định “quản”, “siết” các quyền hạn của các tập đoàn.

Việc thảo luận và góp ý kiến cho một dự thảo quan trọng như vậy là rất cần thiết và nên được tiếp tục. Sau đây, xin tham gia đóng góp một số ý kiến có tính nguyên tắc, chưa đi sâu vào các quy định cụ thể của dự thảo.

1. Các tập đoàn kinh tế nhà nước cho đến nay hoạt động thiếu một khung pháp lý cụ thể về quyền hạn của chủ sở hữu, trách nhiệm giải trình của các tập đoàn đối với chủ sở hữu vốn nhà nước… là điều rất không bình thường và là sơ hở nghiêm trọng.

Luật Doanh nghiệp 2005, được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2005 quy định tại điều 149 về tập đoàn kinh tế: “Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Chính phủ quy định hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế”. Tức là Quốc hội đã không thực hiện đầy đủ quyền lập pháp hiến định của mình về việc quy định những quyền cơ bản của chủ sở hữu vốn nhà nước, quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước, quyền giám sát, trách nhiệm giải trình về kết quả sử dụng vốn… mà giao toàn quyền cho Chính phủ quy định.

Đến nay, mới có dự thảo của Chính phủ về Nghị định quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước, chưa hề có nghị định hay văn bản nào được ban hành thì như vậy là “quá vội vã” hay quá chậm? Câu hỏi là trong suốt thời gian qua, hàng trăm ngàn tỉ đồng tiền vốn thuộc sở hữu nhà nước được quản lý theo khung pháp lý nào, trách nhiệm cá nhân của thành viên hội đồng quản trị quản lý vốn thuộc sở hữu nhà nước được quy định ở đâu? Thử xem xét một số vấn đề cụ thể sau đây:

– Tập đoàn kinh tế là ai? Công ty mẹ hay toàn thể tập đoàn? Thí dụ như Quyết định số 147/2006/QĐ-TTg ngày 22-6-2006 về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành tập đoàn Điện lực Việt Nam quy định trong điều 1, mục 1: “Hình thành tập đoàn Điện lực Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con…”, điều 1, mục 2 ghi: “Mối quan hệ giữa công ty mẹ trong tập đoàn Điện lực Việt Nam với chủ sở hữu nhà nước, với các công ty con..” và điều 1, mục 3 ghi: “Công ty mẹ – tập đoàn Điện lực Việt Nam là công ty nhà nước”.

Các tập đoàn kinh tế nhà nước cho đến nay hoạt động thiếu một khung pháp lý cụ thể về quyền hạn của chủ sở hữu, trách nhiệm giải trình của các tập đoàn đối với chủ sở hữu vốn nhà nước… là điều rất không bình thường và là sơ hở nghiêm trọng.

Với cách quy định như vậy thì tập đoàn là ai, là tổ hợp công ty mẹ và các công ty con hay chỉ là công ty mẹ?

Những quy định mâu thuẫn tương tự cũng có thể tìm thấy ở các quyết định thành lập tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, tập đoàn Dệt May Việt Nam…

Như vậy, tập đoàn có tư cách pháp nhân không, nếu có là ai? Công ty mẹ hay tổ hợp cả tập đoàn? Nếu tập đoàn với tư cách là tổ hợp các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân thì không phù hợp với Bộ luật Dân sự Việt Nam và không phù hợp với tập tục quốc tế. Thương hiệu tập đoàn Điện lực Việt Nam, logo là thuộc về công ty mẹ hay thuộc về cả tập đoàn, tức là mỗi một công ty con đều có quyền sử dụng?

– Chủ sở hữu thực hiện quyền như thế nào? Các tập đoàn nắm giữ khối tài sản rất lớn của nền kinh tế quốc dân, không chỉ tiền vốn, mà còn hầm mỏ, đất đai, rừng, biển hiện chưa tính đúng, tính đủ theo các tiêu chuẩn của kinh tế thị trường. Hơn thế nữa, tập đoàn kinh tế được trao các đặc quyền kinh doanh vô giá trên từng lĩnh vực như viễn thông, vùng trời, điện lực… đem lại những đặc quyền kinh doanh rất lớn mà không một doanh nghiệp tư nhân nào có thể mơ ước được.

Song, Nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu như thế nào? Ai là đại diện chủ sở hữu cụ thể và đích thực, theo những quy định pháp luật nào, trách nhiệm cá nhân về những quyết định sử dụng vốn, trách nhiệm giải trình bồi thường thiệt hại… chưa hề được quy định cụ thể.

Kinh tế học cho thấy tài sản chỉ có thể biến thành tư bản và được sử dụng có hiệu quả khi có chủ sở hữu cụ thể, nếu không được quy định cụ thể về quyền sở hữu, tài sản sẽ bị lợi dụng, mạnh ai nấy xài, “cha chung không ai khóc”, “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”.

Từng loại tài sản (đất đai, hầm mỏ, rừng, biển, ngoại tệ…), tiền vốn đầu tư vào từng lĩnh vực phải đem lại lợi nhuận bao nhiêu, phải được định mức cụ thể cho từng lĩnh vực, cho từng năm, ai được chuyển nhượng, ai quyết định góp vốn vào đâu là thuộc quyền chủ sở hữu chứ không thuộc quyền người được giao quyền sử dụng.

Quyền bổ nhiệm nhân sự cũng phải được chủ sở hữu giám sát tùy theo mức góp vốn vào công ty con. Tất cả những điều này được quy định ở đâu, cơ quan nào giám sát, trách nhiệm giải trình của tập đoàn trước chủ sở hữu vốn nhà nước là Chính phủ, cụ thể là Thủ tướng Chính phủ, người trực tiếp quản lý các tập đoàn, và Quốc hội như thế nào?

Phản ứng gay gắt của các đại diện tập đoàn đối với dự thảo nghị định là rất dễ hiểu và rất thường tình, vì lâu nay được mặc sức sử dụng khối tiền vốn khổng lồ, mặc sức góp vốn, lập công ty, ngân hàng thương mại… mà không có ai giám sát nay thấy dự thảo nghị định đặt ra việc giám sát, quy trách nhiệm nên phản đối. Nhưng vấn đề ở đây là vốn của tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước, tức thuộc sở hữu toàn dân chứ có phải tiền túi của cá nhân ông A ông B đâu.

Vì vậy, cần khẳng định thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước về tiền vốn, tài sản, giám sát việc thực hiện, đòi hỏi phải giải trình là rất cần thiết vì lợi ích quốc gia, là hoàn toàn bình thường vì kỷ cương và thượng tôn pháp luật. Không quy định mới là không bình thường, chúng ta không thể chấp nhận biến cái không bình thường thành bình thường và duy trì mãi mãi được.

– Đứng về mặt pháp lý, các tập đoàn kinh tế nhà nước đều phải tôn trọng các Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh… Các tập đoàn kinh tế đều có vị thế thống lĩnh thị trường, trách nhiệm, quyền hạn của Cục Cạnh tranh đối với các tập đoàn đến đâu hay các tập đoàn kinh tế hoạt động trên Luật Cạnh tranh?

Các trường hợp tranh chấp giữa VNPT và Viettel, trường hợp của điện lực… không thấy Cục Cạnh tranh có kết luận gì cả là điều không bình thường trong kinh tế thị trường. Việc để xuất lậu than ở quy mô kéo dài và to lớn như vậy, trách nhiệm về quản lý tài nguyên, về thực hiện các quy định xuất-nhập khẩu, trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước của tập đoàn Than – Khoáng sản thế nào?

2. Cần phải tổng kết việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước. Thí điểm theo khái niệm khoa học là “thử thực hiện trong một phạm vi có giới hạn về quy mô, trong một thời gian hạn chế nhất định, trong những điều kiện được xác định rõ nhằm thu lượm kết quả để đánh giá trước khi áp dụng chung”. Nay tám tập đoàn kinh tế nhà nước đã hoạt động từ năm 2006 nhưng điều kiện, các thông số và khung thí điểm thế nào, kết quả nhằm đạt được là gì, cho đến nay chưa thấy công bố.

Tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn nhà nước cần phải đạt được là bao nhiêu, tốc độ tăng năng suất lao động, tăng xuất khẩu, tỷ lệ đổi mới mặt hàng và mở rộng thị trường, tỷ lệ giảm tiêu hao năng lượng và nguyên vật liệu, tỷ lệ đổi mới công nghệ, các sáng chế, phát minh… là những thông số quản lý thông thường được giao cho mỗi doanh nghiệp hàng năm ở tất cả các nước trên thế giới, kể cả ở Trung Quốc, đã được giao cho các tập đoàn thế nào và kết quả ra sao? Rất cần tổng kết.

Và tổng kết thì tổng kết theo tiêu chí nào, đã được quy định ở đâu, các cơ quan trách nhiệm cần làm rõ và công bố cho công luận, vì tập đoàn kinh tế nhà nước sử dụng vốn của dân nên người dân với tư cách là đồng sở hữu cần được biết.

Tập đoàn kinh tế đã đạt được những tiến bộ và ưu việt gì so với mô hình tổng công ty nhà nước trước đây cũng cần được chứng minh bằng những số liệu cụ thể.

3. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy tập đoàn kinh tế tư nhân, có chủ sở hữu rõ ràng, bên cạnh những ưu điểm, cũng có những nhược điểm, đôi khi nghiêm trọng. Trước hết, do chủ sở hữu nắm đa số cổ phần có thể áp đảo và lũng đoạn quyền quản lý nên quyền của cổ đông thiểu số trong nhiều trường hợp không được tôn trọng.

Việc giám sát các tập đoàn kinh tế lớn, tạo được liên kết quyền lực kinh tế với ảnh hưởng lên báo chí, vận động hành lang về chính trị ở tất cả các nước, cho đến nay là rất khó khăn. Trong không ít trường hợp các tập đoàn kinh tế lớn giật dây cơ quan hoạch định chính sách, rất khó kiểm soát.

Thứ hai, do quy mô quá lớn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trên nhiều quốc gia, việc chỉ huy tập trung trở nên hầu như bất khả thi, hiện tượng các thành viên trong tập đoàn hoạt động chồng chéo, cạnh tranh với nhau là khó tránh khỏi.

Thứ ba, do quy mô quá lớn, các quyết định phải qua nhiều thủ tục nhiều cấp thẩm định, xét duyệt nên các tập đoàn dễ có nguy cơ trở nên xơ cứng, chậm thích nghi đối với những thay đối nhanh chóng của thị trường.Vì những lý do nêu trên, rất mong Chính phủ sớm xây dựng khung pháp lý để quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các tập đoàn, vì lợi ích của đất nước chứ không phải vì lợi ích của một nhóm nhất định nào đấy.

LÊ ĐĂNG DOANH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới