(KTSG) - Thông tin về phương án sắp xếp bộ máy nhà nước được dư luận đón nhận rất tích cực, thể hiện qua các bình luận bên dưới các bản tin báo chí và nhất là trên mạng xã hội. Điều này cho thấy người dân trông chờ và hoan nghênh các biện pháp mạnh nhằm tinh gọn bộ máy cồng kềnh, nâng hiệu quả làm việc, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước trong một giai đoạn mới.
Khối lượng công việc từ nay cho đến khi hoàn thiện bộ máy mới là rất lớn, từ những việc cụ thể như sắp xếp nhân sự, giải quyết các bộ phận dôi dư, sử dụng nguồn lực cũ cho nhiệm vụ mới, kể cả cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm... Quan trọng nhất trong quá trình này là không để ngắt quãng công việc, nhất là những bộ phận có tiếp xúc với người dân hay quy trình cấp phép cho doanh nghiệp sao cho hoạt động của xã hội, sự vận hành của nền kinh tế không bị gián đoạn.
Hiện nay sự chú ý của dư luận mới dừng ở cấp trung ương như bộ nào sẽ sáp nhập vào bộ nào; chuyển nhiệm vụ, vai trò của cơ quan nào về cơ quan nào... Thật ra việc sắp xếp như thế, sau khi đã có phương án chính thức, quyết định chính thức, sẽ phải tiến hành từ trung ương về đến địa phương. Chẳng hạn, nếu sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào Bộ Tài chính thì ở các tỉnh thành, các sở kế hoạch và đầu tư cũng sẽ được sáp nhập vào sở Tài chính. Một quy trình tương tự như thế cũng sẽ diễn ra ở các bộ, cơ quan sẽ được sáp nhập hay chuyển giao nhiệm vụ khác. Đây sẽ là một khối lượng công việc lớn, nhất là phải đề ra các thủ tục mới đối với các hoạt động có tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, hiện nay chúng ta chỉ triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả ở cấp trung ương; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ thực hiện sau; hiện tại chưa có chủ trương sáp nhập tỉnh, thành. Có thể trong giai đoạn này chưa tính đến các phương án sáp nhập tỉnh, thành vì làm cùng lúc sẽ gây xáo trộn lớn, ảnh hưởng đến quy hoạch vùng và các cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, việc sắp xếp bộ máy hành chính ở trung ương cần phải làm đồng bộ ở cấp địa phương lúc đó mới phát huy tác dụng thúc đẩy hiệu quả của bộ máy.
Lấy ví dụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được thành lập cách đây 29 năm để đáp ứng nhiều nhiệm vụ, trong đó có một nhu cầu rất lớn trong thời kỳ đó là xét duyệt, cấp phép cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Nay việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài hầu như đều thông qua sở kế hoạch và đầu tư địa phương hay ban quản lý các khu công nghiệp... Nếu ở trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được sáp nhập vào Bộ Tài chính thì ở cấp địa phương, các sở kế hoạch và đầu tư không còn cơ sở pháp lý để tồn tại và cấp phép cho doanh nghiệp nữa.
Chúng ta đang ở trong một giai đoạn rất thuận lợi cho việc sắp xếp - đó là so với tình hình cách đây vài thập kỷ, mạng lưới giao thông, liên lạc đã thông suốt, đồng bộ; Chính phủ điện tử dần hình thành, tạo điều kiện làm việc trên không gian mạng chứ không còn cách trở bởi hàng rào địa lý nữa. Cũng lấy ví dụ chuyện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay đăng ký doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài, đa phần đã được thực hiện qua mạng. Đây là cơ sở hạ tầng có sẵn, chỉ cần chuyển đổi sang nơi phụ trách mới là ổn thỏa. Sự thuận lợi này sẽ tạo điều kiện cho việc sắp xếp bộ máy hành chính, không chỉ ở trung ương mà còn ở cấp địa phương nữa.