Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rau quả Việt được bán nhiều vào thị trường khó tính Mỹ và EU

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong bối cảnh thị trường lớn nhất ở Trung Quốc bị sụt giảm mạnh, xuất khẩu rau quả Việt Nam đang tăng cao ở hầu hết các thị trường khác, kể cả những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao như Mỹ, EU hay Nhật Bản…

Với tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng giảm trên 11% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều khả năng kết thúc năm này ngành rau quả chỉ đạt kim ngạch khoảng 3,2 tỉ đô la Mỹ.

Ông Đặng Phúc Nguyên (bìa trái) và các diễn giả trao đổi về những cơ hội, thách thức của ngành rau quả Việt Nam sau đại dịch trong khuôn khổ Hội nghị khởi động HortEx Vietnam 2023 .Ảnh: L.H

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết như trên tại hội nghị khởi động Triển lãm quốc tế về sản xuất và chế biến rau, hoa, quả Việt Nam (HortEx Vietnam 2023) vào ngày 11-10 tại TPHCM.

Theo ông Nguyên, trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả Việt Nam chỉ đạt khoảng 2,45 tỉ đô la, giảm trên 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất mặt hàng rau quả của Việt Nam trong nhiều năm qua (trên 50% đến gần 60% tổng giá trị xuất khẩu) nhưng 9 tháng qua đã bị sụt giảm đến 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân là do đất nước đông dân nhất thế giới này đã áp dụng chính sách Zero Covid cũng như các “hàng rào kỹ thuật” nhập khẩu thông qua áp dụng lệnh 248, 249 với nhiều quy định chặt chẽ nhằm kiểm soát, tránh lây nhiễm chéo Covid-19 qua đường hàng hóa, bao bì. Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam trong thời gian qua cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi nhiều cửa khẩu biên giới với Trung Quốc tạm dừng thông quan hoặc hạn chế nhập hàng.

Các thị trường xuất khẩu khác cũng chịu không ít ảnh hưởng bởi tình hình đại dịch và chính trị quốc tế.

Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), cho rằng tuy xuất khẩu rau quả Việt Nam đã có mặt ở 60 quốc gia nhưng chủ yếu tập trung một số thị trường lớn như Trung Quốc, Đông Bắc Á, Liên minh châu Âu (EU) và Đông Nam Á. Tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ mới đạt trên 3,5 tỉ đô la/năm, chiếm chưa đến 1,4% tổng giá trị thị trường nhập khẩu rau quả của thế giới.

Theo ông Hưng, một trong những hạn chế của xuất khẩu rau quả là chưa đa dạng hóa thị trường, phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường lớn; khi thị trường lớn gặp khó đã ảnh hưởng ngay đến việc xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, tại sự kiện, theo ông Nguyên, trong bối cảnh xuất khẩu ở thị trường lớn ở Trung Quốc bị sụt giảm mạnh, các doanh nghiệp nông sản trong nước trong 9 tháng qua đã năng động, linh hoạt thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc giảm nhưng điểm sáng của ngành rau quả năm nay là các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do để đưa rau quả xuất khẩu tới những thị trường này”, ông Nguyên chia sẻ, và cho biết “Nhờ đó, hầu hết các thị trường xuất khẩu khác trong cùng thời gian trên đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái”.

Đáng chú ý, theo ông Nguyên, các thị trường xuất khẩu “khó tính” đòi hỏi cao về tiêu chuẩn và chất lượng như Mỹ, EU, Nhật Bản,… đã tăng cao nhập mặt hàng rau quả từ Việt Nam.

“Tôi cho rằng đây là dấu hiệu tốt để các doanh nghiệp rau quả nói riêng và doanh nghiệp ngành nông nghiệp trong nước nói chung phát huy việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để có thể đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thay vì quá phụ thuộc vào một vài thị trường lớn”, ông Nguyên nhận định.

Cũng theo ông Tổng thư ký, nhiều sản phẩm nông sản xuất vào được các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… không chỉ giúp mang lại giá trị gia tăng sản phẩm cao mà qua đó còn khẳng định mặt hàng rau quả và nông sản Việt Nam đạt chất lượng cao để có thể xuất đi nhiều nước khác trên thế giới.

“Ở thời điểm hiện tại, dù 9 tháng đầu năm nay xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU… đều tăng mạnh, có thị trường tăng tới 100%, nhưng do thị trường Trung Quốc giảm mạnh, kéo theo kim ngạch cả năm sẽ đạt khoảng 3,2 tỉ đô la, giảm 10% so với năm 2021”, ông Nguyên dự báo.

Trong bối cảnh tổng giá trị xuất khẩu bị sụt giảm, việc thực hiện đa dạng hóa thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên ngành cho sản phẩm rau quả đang được toàn ngành quan tâm. Vì vậy, theo ông Nguyên, HortEx Vietnam 2023 sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp gặp gỡ nhà mua hàng quốc tế sau 3 năm không có sự kiện chuyên ngành tương tự diễn ra.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam mong muốn, Hortex Vietnam 2023 sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp, chuyên gia và khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới với nhiều hoạt động diễn ra song song tai triển lãm. Cụ thể là các chuỗi Hội thảo chuyên ngành; Diễn đàn xuất khẩu và kết nối doanh nghiệp; chương trình khách mua tiềm năng (VIP Buyer); khu trưng bày hoa,…

HortEx Vietnam 2023 dự kiến sẽ diễn ra từ 1 đến 3-3-2023 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TPHCM với mục tiêu đón 250 doanh nghiệp tham gia trưng bày đến từ 30 quốc gia và khoảng 7.000 lượt khách tham quan thương mại.Đại diện đơn vị tổ chức triển lãm – Công ty TNHH MTV Dịch vụ Quảng cáo & Triển lãm Minh Vi (VEAS) cho biết hàng năm, sự kiện đã thu hút trên 200 doanh nghiệp tham gia trưng bày đến từ khoảng 30 quốc gia trên thế giới và đón tiếp khoảng 6.500 lượt khách tham quan trong và ngoài nước.Triển lãm HortEx Vietnam đã trở thành điểm hẹn chuyên nghiệp lớn nhất Đông Nam Á dành cho các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành rau, hoa, quả, đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với công nghệ tiên tiến trên thế giới và mở rộng thị trường xuất khẩu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới