Robot thông minh hỗ trợ cơn bùng nổ thương mại điện tử
Khánh Lan
(TBKTSG Online) - Đại dịch Covid-19 châm ngòi cho cơn bùng nổ nhu cầu giao hàng hóa trên toàn cầu do lượng đơn hàng mua sắm trực tuyến tăng đột biến. Điều này khiến các hãng giao nhận khổng lồ ở Mỹ như FedEx Corp. phải nhanh chóng triển khai những robot thông minh được trang bị thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo ở các nhà kho và trung tâm hoàn thiện đơn hàng của họ.
Robot nhà kho được trang bị ‘mắt’ và ‘trí não’
Các cánh tay robot phân loại gói hàng ở trung tâm phân phối hàng hóa World Hub của hãng chuyển phát phát nhanh FedEx Express ở Memphis, bang Tennessee, Mỹ. Ảnh: Wall Street Journal |
Sue, Randall, Colin và Bobby là ‘bốn nhân viên’ làm việc hiệu quả và đáng tin cậy nhất ở trung tâm phân phối hàng hóa khổng lồ World Hub của hãng chuyển phát nhanh FedEx Express ở Memphis, bang Tennessee. Bốn nhân viên này thực chất là bốn cánh tay robot công nghiệp có trọng lượng 118kg.
Chúng làm việc 8 tiếng mỗi ngày theo hai ca ban ngày và buổi tối để phân loại 1.300 gói hàng mỗi giờ từ các sọt hàng rồi đặt vào một băng chuyền. Chúng gần như không bao giờ nghỉ giải lao nhưng vì chúng vẫn còn vừa làm vừa học hỏi công việc nên đôi khi cần sự trợ giúp của nhân viên con người.
Được sản xuất bởi Công ty Yaskawa America ở Waukegan, Illinois, chúng được trang bị hệ thống thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo được cung cấp bởi Công ty Plus One Robotics ở San Antonio, bang Texas. Aaron Prather, cố vấn cấp cao của nhóm nghiên cứu và hoạch định công nghệ ở Công ty FedEx Express, cho biết dù làm việc với tốc độ chỉ bằng 50% so với các nhân viên con người có kỹ năng trong cùng vị trí công việc nhưng các robot này đang nhanh chóng trở thành một bộ phận quan trọng trong chuỗi máy móc và con người để duy trì dòng chảy các gói hàng ở trung tâm phân phối hàng hóa toàn cầu World Hub của FedEx Express.
Các hãng giao nhận như FedEx Corp.(Công ty mẹ của FedEx Express), Deutsche Post DHL Group, United Parcel Service (UPS) và Tập đoàn thương mại điện tử Amazon từ lâu chi hàng tỉ đô la để đầu tư cho các quy trình tự động hóa, giúp đưa các gói hàng đến khách hàng nhanh hơn nhưng những robot như trên có những điểm khác biệt. Chúng là ví dụ tiêu biểu cho xu hướng quan trọng và đang mạnh dần lên trong lĩnh vực tự động hóa. Điểm khác biệt ở đây chính là chúng được trang bị “mắt” và “trí não”, cho phép chúng cảm nhận và phản ứng phù hợp theo từng tình huống. “Mắt” của chúng là các camera có thể cảm nhận được ánh sáng. Ngoài ra, chúng còn được trang bị phần mềm thị giác máy tính bao gồm các cảm biến cảm nhận chiều sâu.
Trong khi đó, “trí não” của chúng chính được xây dựng dựa vào công nghệ trí tuệ nhân tạo, cho phép chúng lần đầu tiên thay thế con người đảm nhận một số công việc phổ biến nhất ở các nhà kho và trung tâm hoàn thiện đơn hàng.
Hỗ trợ chứ không ‘cướp’ việc của con người
Những robot như Sue, Randall, Colin và Bobby không phải đang ‘cướp’ tất cả việc làm của con người ở nhà kho vì phần lớn chúng chỉ lấp vào khoảng trống các vị trí chưa tuyển dụng được do nhu cầu giao hàng tăng đột biến trong thời kỳ dịch bệnh. Ngoài ra, sự xuất hiện của chúng có thể tạo cơ hội nâng cao vai trò công việc cho con người.
Những ý kiến ủng hộ robot cho rằng đưa robot vào các vai trò công việc ở nhà kho là điều cần thiết vì ít nhất ba lý do.
Trước hết, cơn bùng nổ thương mại điện tử kéo theo cơn bùng nổ số lượng gói hàng giao cho đến tận nhà khách hàng. Khoảng 87 tỉ gói hàng được vận chuyển trên thế giới vào năm 2018 va con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025, theo Công ty công nghệ Pitney Bowes. Số lượng gói hàng tăng nhanh hơn dự báo trong thời kỳ dịch bệnh. Hãng giao nhận UPS cho biết trong quí kết thúc vào tháng 6, số lượng gói hàng mà UPS vận chuyển từ doanh nghiệp đến các hộ gia đình tăng vọt 65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thứ hai, do các lệnh yêu cầu người dân ở nhà khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng lên, nguồn cung lao động có sẵn cho những doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết yếu giảm xuống. Thứ ba, các yêu cầu giãn cách xã hội trong không gian nhà kho và các cơ sở kho vận khác khiến tự động hóa trở nên cần thiết hơn vì giúp công nhân làm việc mà không cần phải đứng kế cạnh với người khác.
Dù tỷ lệ thất nghiệp cao, các công ty trong ngành kho vận của Mỹ rất khó tuyển dụng đủ nhân viên. Trung tâm phân phối hàng hóa của FedEx Express ở TP. Memphis hiện vẫn đang tuyển dụng 500 việc làm.
Ngay trước khi đại dịch xảy ra, các nhà kho và các trung tâm phân loại hàng hóa đã đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động vì nhiều công việc trong ngành này rất nhàm chán và đòi hỏi nhiều sức lực.
Erik Nieves, người sáng lập Công ty Plus One Robotics, cho biết vấn đề không phải là robot ‘cướp’ việc con người mà là chúng rất cần trong tình cảnh thiếu hụt lao động hiện nay ở các nhà kho.
Nhờ sự xuất hiện của robot, một số nhân viên của FedEx Express được chuyển lên các vai trò giám sát, giảm rủi ro bị chấn thương trong công việc. Các nhân viên giám sát này chỉ can thiệp khi robot gặp phải các vấn đề mà chúng không tự giải quyết được, chẳng hạn khi gói hàng bị kẹt giữa băng chuyền hoặc khi chúng gặp khó khăn trong việc nhận diện một gói hàng.
Các chuyên gia ghi nhận hiện nay, không có sức mạnh trí tuệ nhân tạo nào có thể giúp xử lý những tình huống bất ngờ, hiếm khi xảy ra.
Gần đây, rất nhiều công ty khởi nghiệp như Covariant, Osaro, Dexterity, Pickle Robot Company, XYZ Robotics, Fizyr, Mujin và Dorabot huy động vốn thành công hoặc thông báo các thương vụ bán hệ thống robot gắp hàng có trang bị trí tuệ nhân tạo và camera.
Dù vậy, đa phần các sản phẩm robot công nghiệp trên thế giới hiện nay vẫn là loại robot không thông minh: Chúng lặp đi lặp lại một tác vụ trong suốt thời gian làm việc, chẳng hạn gắn các linh kiện lại với nhau trên một dây chuyền sản xuất. Tại các nhà kho, nơi các đơn hàng thương mại điện tử được hoàn thiện, hầu hết các tiến trình tự động hóa cần sử dụng nhiều công nghệ phân loại khác nhau.
Dù đang sử dụng các robot thông minh giúp di chuyển kệ hàng và hỗ trợ phân loại các gói hàng, Amazon vẫn sử dụng con người để thực hiện nhiệm vụ lấy hàng hóa ra khỏi kệ hàng hoặc sọt hàng rồi đặt chúng vào sọt hàng khác hay trên băng chuyền.
Brad Porter, Phó Chủ tịch Công ty Amazon Robotics, công ty con của Amazon, cho biết hệ thống hàng tồn kho khổng lồ và liên tục thay đổi của Amazon vẫn là thách thức chưa thể vượt qua đối với các robot dù chúng được trang bị thị giác máy tính và AI.
“Tiến trình tự động hóa ở các trung tâm hoàn thiện đơn hàng của chúng tôi luôn luôn cần sự hỗ trợ của con người”, ông Porter nói.
Theo Wall Street Journal