Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Rời công việc kế toán để nối nghiệp gia đình làm bánh tráng truyền thống

Tiên Sa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vốn là nghề truyền thống của gia đình, được truyền từ bà ngoại, cô Huỳnh Thị Dương Mỹ, 42 tuổi, ngụ tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam đã “nâng cấp” món bánh tráng gạo mè đen thành thương hiệu đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Cô Mỹ Huỳnh bên sản phẩm bánh tráng gạo mè đen của mình. Ảnh: Tiên Sa

Qua trò chuyện, cô Mỹ cho hay, nghề làm bánh tráng gạo mè đen của gia đình có truyền thống hơn 70 năm qua, truyền từ bà ngoại, mẹ và hiện đến cô vẫn tiếp tục giữ lửa nghề. Trước đây, công việc chính của cô là nhân viên kế toán của một công ty tin học tại Tam Kỳ. Trong một lần bà ngoại tâm sự, sức khỏe bà (91 tuổi) và cả mẹ (69 tuổi) đều kém hơn trước, nếu cô không gìn giữ thì nghề truyền thống gia đình xem như dần mai một. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cô quyết định dừng công việc kế toán và chính thức bước vào con đường sản xuất bánh tráng gạo mè đen.

Nhận thấy nghề này ở địa phương (khoảng 30 hộ sản xuất) phần lớn vẫn là thủ công, vừa không cho năng suất cao, vừa không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên cô bàn bạc cùng người nhà mua thiết bị để sản xuất chuyên nghiệp hơn. Năm 2018, cô mua máy tráng bánh tự động trị giá 300 triệu đồng, năm 2022 cô mua thêm máy nướng tự động và máy sấy trị giá trên 200 triệu đồng.

Cụ thể, máy nướng bằng tia hồng ngoại giúp bánh khi xuất xưởng giòn, xốp, vị đậm đà. Hệ thống máy sấy giúp phơi bánh trong những khi trời mưa, nâng cao năng suất sản xuất bánh. Trước đây, khi chưa ứng dụng công nghệ, mỗi ngày chỉ cho ra lò khoảng 20kg bánh; từ khi có dây chuyền sản xuất, cơ sở của cô mỗi ngày cho ra lò 300kg thành phẩm bánh.

Chia sẻ về quy trình làm bánh, cô cho biết rất kỳ công, như chuẩn bị nguyên liệu, trộn bột, mè, tráng bánh, hấp, làm khô, nướng, bao gói, hút chân không, dán nhãn. Đặc biệt, khâu vệ sinh nguyên liệu rất quan trọng, nhất là vo gạo, ngâm gạo phải từ 3 – 7 giờ đồng hồ. Về tỷ lệ thành phần trong một chiếc bánh gồm 80% là gạo, 18% là mè và 2% là: tiêu Tiên Phước, tỏi, hành, muối, đường… Chính vì vậy, bánh tráng gạo mè đen Huỳnh Mỹ Thọ Tân phù hợp cho cả những người ăn chay hoặc ăn kiêng.

Mùa hè có nắng, bánh tráng phơi nắng từ 9 giờ đến 11 giờ, mùa mưa thì dùng máy sấy bánh trong 3 giờ, ủ 1 giờ và với nắng mùa đông thì phơi bánh 3 giờ. Khi thành phẩm, 1 chiếc bánh tráng nướng có đường kính 20cm, giá bán sỉ 1 gói (3 cái bánh tráng nướng) là khoảng 7.000 đồng. Thời gian sử dụng là 6 tháng kể từ ngày sản xuất ghi trên bao bì. Khách hàng dùng bánh tráng xong nên cột kỹ lại, tránh gió và để ngăn mát tủ lạnh, bánh vẫn giữ được độ giòn và thơm ngon, cô Mỹ chia sẻ.

Hiện cơ sở bánh tráng của cô hỗ trợ công việc cho 6 người dân địa phương, và nhờ độ thơm ngon mà bánh đã dần được các đơn vị phân phối đến các tỉnh, thành lớn trên cả nước. Doanh thu ước tính mỗi tháng là khoảng 300 triệu đồng. Kế hoạch sắp tới của cô không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước mà còn có thể xuất khẩu sang nước ngoài nếu tìm được đơn vị liên quan phù hợp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới