Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng để bị kẹt trong những nấc thang nghề nghiệp

Lê Hoài Ân(*) - Nguyễn Phan Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Phát triển bản thân là mục tiêu của tất cả mọi người, vì nó không những giúp chúng ta phát triển trong công việc mà còn mở ra những cơ hội khám phá tiềm năng của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội cũng như may mắn để có thể phát triển được tiềm năng của bản thân trong công việc.

Bài viết chia sẻ góc nhìn cá nhân về một kỹ năng nghề nghiệp quan trọng mà phần lớn người lao động có thể đang thiếu, qua đó kìm hãm sự phát triển của bản thân họ.

Thông thường, mức lương xuất phát điểm của các ngành nghề đều thấp như nhau. Nếu như bạn làm công nhân trực tiếp sản xuất thì mức lương khoảng 5-7 triệu đồng; với mức vị trí kỹ sư hoặc nhân viên nhóm ngành dịch vụ thì khoảng 8-10 triệu đồng. Nhưng theo thời gian, mức chênh lệch lương giữa những người lao động có cùng xuất phát điểm ban đầu sẽ càng lớn khi sự khác biệt về vị trí trong lộ trình nghề nghiệp càng rõ ràng.

Rủi ro mắc kẹt trong lộ trình nghề nghiệp

Để dễ hiểu hơn về những gì đề cập liên quan đến quá trình phát triển trong lộ trình nghề nghiệp, chúng ta hãy xem qua một ngành nghề cụ thể là công nghệ thông tin (IT). Trong bảng lộ trình nghề nghiệp và các kỹ năng cần đạt được của một người là kỹ sư IT (xem bảng bên dưới), anh ta bắt đầu công việc từ vị trí nhân viên mới, từng bước phát triển qua vị trí chuyên viên, chuyên viên cao cấp, trưởng nhóm và giám đốc. Mỗi vị trí cao hơn anh ta sẽ mất quãng thời gian tính bằng năm cùng với các yêu cầu cho công việc dày hơn, phức tạp hơn… mới đạt được, bù lại mức lương tương ứng ở mỗi vị trí có một sự khác biệt rất đáng kể. Trong đó, mức lương sẽ tăng nhanh hơn rất nhiều trong những giai đoạn về sau của lộ trình nghề nghiệp.

Nguồn: Tổng hợp của tác giả.

Đó thực sự là một tin tốt đối với người lao động khi nhìn vào tiềm năng tăng trưởng của thu nhập. Tuy nhiên trong thực tế sẽ có rất nhiều nhân sự IT bị mắc kẹt ở vị trí chuyên viên cao cấp mà không thể lên được vị trí trưởng nhóm, cũng như cũng sẽ có rất nhiều trưởng nhóm không thể trở thành giám đốc được.

Câu chuyện về rủi ro mắc kẹt trong lộ trình nghề nghiệp của nghề IT nói trên cũng có thể áp dụng cho tất cả các lĩnh vực khác. Câu hỏi đặt ra: đâu là yếu tố tạo ra sự khác biệt giữa các nhân sự và làm sao để chúng ta, với tư cách là những người lao động với những chuyên môn cụ thể, có thể phát triển theo đúng lộ trình nghề nghiệp của ngành nghề mình tham gia.

Sức mạnh của bức tranh tổng thể

Chúng ta có thể thấy được sự khác biệt về yêu cầu kỹ năng giữa các giai đoạn khác nhau trong lộ trình nghề nghiệp ở bất cứ ngành nghề nào. Càng lên cao trong nấc thang nghề nghiệp thì công việc sẽ ít cần kỹ năng chuyên môn cứng nhưng lại cần nhiều hơn các kỹ năng để nhận diện các vấn đề liên quan.

Hình 1

Ở vị trí chuyên viên cấp cao, so với các chuyên viên, đòi hỏi khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tác nghiệp. Trong khi đó, khi trở thành trưởng nhóm thì đòi hỏi không chỉ có kỹ năng chuyên môn mà cần phải có kỹ năng định hướng công việc cho nhân viên cấp dưới. Khi đó khả năng xác định vấn đề và phân công việc cho cấp dưới với những thời hạn hoàn thành phù hợp trở nên rất quan trọng. Kèm theo đó, bạn phải bắt đầu xây dựng cho mình một lộ trình phát triển bản thân sắp tới một cách rõ ràng, như sẽ phát triển sâu về chuyên môn hay rẽ hướng sang hoạt động kinh doanh.

Cuối cùng, sự khác biệt rõ ràng nhất giữa vị trí giám đốc so với trưởng nhóm đó chính là năng lực kinh doanh và khả năng kết nối với các đối tác bên ngoài doanh nghiệp.

Mức thu nhập ở các giai đoạn sau gia tăng tương ứng với những yêu cầu kỹ năng đặt ra mà trên thực tế chúng được hình thành trong suốt quá trình tác nghiệp của người lao động bắt đầu từ vị trí thấp nhất. Tuy nhiên, để các kỹ năng này được hình thành qua từng bước, cần phải có một nhận thức rất rõ ràng của người lao động về trách nhiệm đối với từng sản phẩm được tạo ra.

Khi bạn là nhân sự cấp thấp, những gì bạn trông thấy như công việc của bạn, của đồng nghiệp trong phòng đều là công việc cụ thể và tương đối rời rạc. Người quản lý sẽ không nói với bạn các công việc đó của từng người có liên quan với nhau như thế nào; việc của bạn là phải tự nhận ra những gì ẩn đằng sau các mối kết nối đó. Đó chính là năng lực nhận ra “bức tranh lớn – big picture” của công việc mình đang làm. Tương tự như khi bạn ở trong rừng, bạn chỉ nhìn thấy toàn cây rừng lớn nhỏ, nhưng khi nhìn bức hình khu rừng từ trên cao (do flycam ghi lại), bạn sẽ thấy bức tranh lớn hơn và hoàn toàn khác (hình 1).

Ý nghĩa của việc có khả năng nhận ra bức tranh lớn trong công việc của mình giữ vai trò rất quan trọng trong việc phát triển lộ trình nghề nghiệp bản thân. Điều tương tự cũng diễn ra ở công ty; các hoạt động diễn ra ở công ty, dù tốt hay không, đều là một chu trình có tính logic trong nội tại và để nhận ra được vấn đề đó thì phải có khả năng quan sát ở vị trí đủ cao và đủ bao quát.

Sẵn sàng học hỏi, đón nhận trải nghiệm mới

Khi đã có thể nhận ra được điều này cũng là lúc chúng ta bắt đầu nhận ra được giá trị của các vấn đề. Người quản lý của bạn nhận lương cao hơn bạn rất nhiều không phải vì anh ta phải làm nhiều việc hơn bạn, mà chính ở khả năng nhận ra và giải quyết vấn đề trong công việc của anh ấy. Khi bạn càng có khả năng giải quyết được nhiều vấn đề, xã hội càng trả thu nhập tương xứng, các vấn đề của các bạn càng khó và tính cấu trúc càng cao thì thu nhập lại càng gia tăng.

Để có thể giải quyết vấn đề thì trước hết bạn phải có khả năng nhận ra chúng. Các vấn đề có thể không dễ để nhận ra nếu bạn có thói quen bỏ qua trách nhiệm chung đối với các công việc lớn mà chỉ quan tâm đến việc hoàn thành một công việc nhỏ của mình. Việc có một tư duy phát triển và cầu tiến, sẵn sàng học hỏi, đón nhận các kiến thức và trải nghiệm mới là rất cần thiết để có thể nhận ra được giá trị của các vấn đề. Khi nhận ra điều này, bạn thậm chí có thể sẵn sàng trả tiền túi để có cơ hội cọ xát với càng nhiều các vấn đề hơn để nâng tầm kiến thức của bản thân.

Nhìn được bức tranh lớn trong việc làm là một kỹ năng không dễ dàng có được đối với người lao động. Đây có thể là lý do chính khiến phần lớn người lao động bị mắc kẹt trong các nấc thang nghề nghiệp. Nó không chỉ đòi hỏi ở một người khả năng chuyên môn mà còn về tầm nhìn, để có thể nhìn thấy lộ trình phát triển dài hạn của bản thân. Việc nhận ra điều này càng sớm khiến cho mỗi người càng thấy trân trọng và luôn “tò mò” tìm hiểu ngay cả những việc được cho “là nhỏ” đang làm hàng ngày.

(*) CFA

2 BÌNH LUẬN

  1. Có ba hình thức hành nghề trong suốt toàn bộ nấc thang nghề nghiệp của mỗi người: Khởi nghiệp/ Thành nghiệp/ Tựu nghiệp. Điều này thể hiện sự trưởng thành, thăng tiến, và thành công nhất định của mỗi cá nhân theo mục tiêu phấn đấu đã đề ra. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể trải qua hoàn hảo cả 3 bước này để vươn đến đỉnh cao hằng mong muốn. Nếu xét về phương diện tốc độ, mỗi người thường có 3 hướng triển khai : Tuần tự/ Đột phá/ Thần tốc. Rốt cuộc, cơ may và cơ duyên thành công hoặc thất bại của mỗi người đôi khi vẫn là ẩn số lớn. Bôn ba, tiến thủ… bao nhiêu là vừa và đủ ? Cuối cùng, chỉ có an yên mới là mục tiêu tối hậu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới