Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Rộng cửa cho xuất khẩu gạo trong năm 2023

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Nông nghiệp Philippines đã bác bỏ thông tin nhập khẩu thêm 330.000 tấn gạo, trong khi đó, Ấn Độ quyết định dỡ bỏ lệnh áp thuế 20% đối với gạo trắng xuất khẩu của quốc gia này. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cho rằng điều đó vẫn không ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo cả nước trong năm 2023.

Lúa gạo Việt Nam rộng cửa xuất khẩu năm 2023. Ảnh: Trung Chánh

Mới đây, Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) đã đề xuất nhập khẩu thêm 330.000 tấn gạo để gia tăng năng lực dự trữ nhằm kiềm chế giá lương thực, đồng thời để hạn chế nguy cơ lạm phát gia tăng. Thế nhưng, thông tin ngay lập tức đã bị Bộ Nông nghiệp của quốc gia này bác bỏ.

Trong khi đó, một thông tin đáng chú ý khác gần đây, đó là đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu gạo của Việt Nam là Ấn Độ quyết định dỡ bỏ áp thuế 20% đối với xuất khẩu gạo trắng. Đây được cho là thông tin sẽ gây bất lợi đối với xuất khẩu gạo của các quốc gia cạnh tranh, bao gồm cả Việt Nam.

Ấn Độ “nới” chính sách, gạo Việt Nam vẫn… “sáng cửa”

Trước những thông tin nêu trên, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cho rằng sẽ không có ảnh hưởng đáng kể nào đến xuất khẩu gạo của cả nước trong năm nay, thậm chí bước sang năm 2024.

Trao đổi với KTSG Online liên quan đến thông tin Ấn Độ dỡ bỏ chính sách áp thuế 20% đối với gạo trắng xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Phước Thành IV, cho rằng phân khúc xuất khẩu của Việt Nam và Ấn Độ hiện khác nhau, tức một bên là gạo cấp thấp và bên còn lại là trung cấp (gạo trắng chất lượng cao, gạo thơm).

“Hai phân khúc khác nhau, cho nên, dù có ảnh hưởng ở một số thị trường như châu Phi (Việt Nam cũng có xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp (IR 50404) sang một số nước châu Phi - PV) nhưng là không đáng kể. Bởi, thị trường chính của Việt Nam là Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Indonesia - vốn là những thị trường chuộng gạo trắng hạt dài chất lượng cao và gạo thơm", ông Thành giải thích và dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn “sáng cửa” trong năm 2023, thậm chí sang năm 2024.

Theo ông Thành, tình hình nắng nóng xảy ra ở một số quốc gia châu Á dẫn đến mất mùa, có khả năng thiệt hại lên đến 7-7,5 triệu tấn lúa gạo. “Từ dự báo thiếu hụt như vậy, cho nên, các quốc gia nhập khẩu gạo cũng cân nhắc sẽ gia tăng nhập khẩu tiếp tục để đảm bảo nguồn cung trong năm 2023”, ông nhận xét.

Nói về việc Bộ Nông nghiệp Philippines bác bỏ thông tin NFA tìm mua thêm hơn 300.000 tấn gạo để gia tăng dự trữ, ông Nguyễn Tuấn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II, cho rằng đây là động thái nhằm kiềm chế đà tăng giá lương thực, bởi khi nhu cầu nước nhập khẩu tăng cao thì chắc chắn giá gạo thế giới sẽ tăng theo.

Theo dẫn chứng của ông Khoa, chính sách nhập khẩu gạo của Philippines gần đây đã có sự thay đổi, tức thay vì nhập khẩu đơn hàng và vận chuyển bằng tàu 50.000-60.000 tấn như trước đây thì hiện được chia nhỏ thành nhiều tàu 2.000-3.000 tấn nhằm tránh tạo sức hút khiến sốt giá lương thực. “Khi họ nhập bằng các tàu nhỏ thì khó thấy lực hút mua hàng, nhưng thực tế gạo vẫn được xuất đi liên tục”, ông nói.

Còn với đối thủ cạnh tranh Ấn Độ, theo ông Khoa, việc dỡ bỏ chính sách áp thuế của quốc gia này sẽ không ảnh hưởng đến thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam. “Bởi, Việt Nam có rất nhiều khách hàng đến từ Malaysia, Indonesia, Philippines và Trung Quốc tập trung mua gạo thơm, gạo chất lượng cao, trong khi đó, thị trường của Ấn Độ chủ yếu là gạo đồ, gạo Basmati, tức phân khúc thị trường là khác nhau”, ông Khoa giải thích.

Theo ông Khoa, chính sách thuế của Ấn Độ trước đó cũng chỉ góp một phần để khách hàng “ưu tiên” mua gạo Việt Nam, chứ không phải họ áp thuế Việt Nam mới bán được gạo. “Đừng mang tâm lý họ mở cửa trở lại thì Việt Nam không bán được hàng vì hai nước có phân khúc khác nhau”, ông Khoa nhấn mạnh.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng đầu năm 2023 diễn ra sôi động khi báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, ước xuất khẩu gạo tháng 3-2023 đạt 900.000 tấn, trị giá khoảng 480 triệu đô la Mỹ, tăng 68,3% về lượng và 67,6% về giá trị so với tháng trước đó và tăng 69,3% về lượng và 82,3% về giá trị so với cùng kỳ. Điều này giúp đưa luỹ kế xuất khẩu gạo quí đầu năm 2023 của Việt Nam đạt khoảng 1,79 triệu tấn, với trị giá 952 triệu đô la Mỹ, tăng 19,3% về lượng và 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong nước sôi động, thương lái gom hàng

Sự thuận lợi về tình hình xuất khẩu đã giúp thị trường lúa gạo nội địa có diễn biến khá sôi động, nhất là khi nguồn cung lúa gạo hàng hoá trong vụ đông xuân 2022-2023 hiện đã cạn.

Trao đổi với KTSG Online, bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoà Phát Tân Châu, cho biết lúa phẩm cấp thấp (IR 50404 hay OM 380) tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hiện có giá 6.500-6.600 đồng/kg; các loại lúa chất lượng cao như OM 5451, OM 18, Đài Thơm 8..., có giá 6.800-6.850 đồng/kg đối với lúa tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, tăng 500-600 đồng/kg so với mức giá được ghi nhận cách đây nửa tháng.

Đối với gạo nguyên liệu và thành phẩm, theo bà Yến, tại thị trường chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, hiện nguồn cung về chợ khá ít và được giao dịch ở mức 9.700-9.750 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu phẩm cấp thấp và 10.400-10.500 đồng đối với gạo thành phẩm. Trong khi đó, gạo nguyên liệu chất lượng cao có giá 10.400-10.500 đồng/kg và 11.500-12.000 đồng/kg đối với gạo thành phẩm, tăng 400-500 đồng/kg so với nửa tháng trước.

Căn cứ vào diễn biến thị trường nhập khẩu cũng như nguồn cung hiện nay, bà Yến đưa ra dự báo, thị trường lúa gạo từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục sôi động. “Các kho của doanh nghiệp nhà nước hiện cũng liên tục điện hỏi mua, nhưng nguồn cung rất hạn chế”, bà nói.

Ghi nhận thực tế của KTSG Online, hiện vụ lúa hè thu sớm ở các tỉnh Tiền Giang, Long An còn khoảng 1 tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch, nhưng thương lái đã bung tiền mua “lúa non” với giá khá cao.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hải, một thương lái ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, đến thời điểm hiện tại, ông đã đặt cọc mua được khoảng 500 công (mỗi công 1.000 m2). “Để mua được lúa, chúng tôi phải đặt tiền cọc trước cho nông dân với mức 2-3 triệu đồng/héc ta”, ông cho biết và thông tin giá thu mua đối với giống IR 50404 và OM 380 khoảng 6.500-6.600 đồng/kg.

Tính toán của ông Nguyễn Văn Hoàng, nông dân sản xuất lúa ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho thấy, trường hợp năng suất lúa đạt 7 tấn/héc ta (lúa tươi) thì với giá bán như hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi công (1.000 m2) nông dân đạt mức lợi nhuận khoảng 2,5 triệu đồng, tức khoảng 25 triệu đồng/héc ta.

Ông Nguyễn Tuấn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II, cho rằng giá lúa hiện nay chỉ mới phản ánh đúng giá thị trường, chứ không phải là mức giá bán quá cao, bởi chi phí đầu tư của nông dân trong những năm qua đã liên tục tăng cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới