Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rủi ro tăng cao, ngân hàng giảm mạnh kỳ vọng lợi nhuận

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rủi ro tăng cao, ngân hàng giảm mạnh kỳ vọng lợi nhuận

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Dù đã khởi động trở lại nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn chịu những ảnh hưởng lớn từ Covid-19. Trong năm nay, các tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận bị ảnh hưởng nặng nề từ nhu cầu của nền kinh tế và mức độ rủi ro đang tăng dần của khách hàng.

Rủi ro tăng cao, ngân hàng giảm mạnh kỳ vọng lợi nhuận
Tinh hình kinh doanh ngân hàng phụ thuộc vào mức độ hồi phục của các doanh nghiệp. Hình minh họa: TTXVN

Dự báo tăng trưởng thận trọng

Theo báo cảo khảo sát xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quí 3-2020 của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng tiếp tục chịu ảnh hưởng từ việc các nền kinh tế đối tác lớn của Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, dù cho các hoạt động kinh tế trong nước đã trở lại.

Theo khảo sát, tình hình kinh doanh toàn hệ thống của các tổ chức tín dụng trong 2 quí liên tiếp vừa qua có sụt giảm.

Về kết quả kinh trong quí 2, chỉ có 32% tổ chức tín dụng đánh giá kết quả hoạt động trong quí này có “cải thiện” so với quí trước, giảm mạnh so với những con số điều tra trước đây (như 65,7% vào cuối năm 2019 và 47% vào cuối tháng 3-2020).

Khảo sát cũng cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng trong quí 2 vừa ua tăng nhẹ, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Đáng chú ý là nhu cầu dịch vụ thanh toán được nhận định là “tăng” nhiều hơn.

Trong quí 3 tới, nhu cầu của khách hàng về việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ tại TCTD được kỳ vọng tăng trở lại (58,1% TCTD kỳ vọng “tăng”). Trong đó, nhu cầu vay vốn tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn (59,2% TCTD kỳ vọng “tăng”).

Theo đó, có đến 54,3% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh trong quí 3 sẽ cải thiện tốt hơn so với quí 2, nhưng vẫn có khoảng 15,3% TCTD vẫn còn lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh sẽ suy giảm.

Bên cạnh việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, mức độ rủi ro tổng thể trong quí vừa qua cũng đang tăng lên, trong đó có 25,5% TCTD nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng hiện tại ở mức ”khá cao”.

“Mức độ rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng, điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng và cầu của nền kinh tế đối với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng suy giảm rõ rệt, áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao dự kiến ảnh hưởng lớn tới thu nhập và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong năm 2020”, báo cáo nhận định.

Theo đánh giá của các TCTD, “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” và “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” là hai nhân tố quan trọng nhất tác động “suy giảm” tình hình kinh doanh của TCTD trong quí 2 và dự kiến sẽ tiếp tục tác động trong cả năm 2020.

Do đó, kỳ vọng bình quân của toàn hệ thống về mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh so với các mức kỳ vọng của các TCTD ghi nhận tại cuộc điều tra trước.

Nguồn: SSI Research

Nhu cầu giảm, tiếp tục điều chỉnh lãi suất

Khảo sát cho thấy các TCTD tiếp tục thực hiện “giảm mạnh” giá bình quân sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid_19, đồng thời tiếp tục nhận định lãi suất huy động vốn và cho vay sẽ giảm trong quý III và cả năm 2020. Tuy nhiên, việc giảm giá tập trung ở giảm lãi suất biên nhiều hơn giảm phí dịch vụ.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được kỳ vọng tiếp tục giảm trong quí 3 và cả năm 2020 (có 47-68% TCTD kỳ vọng). Đáng chú ý là nhóm TCTD chiếm thị phần lớn trên thị trường đều kỳ vọng lãi suất giảm.

Báo cáo của Công ty chứng khoán SSI cho thấy số lượng các ngân hàng thương mại công bố giảm lãi suất tiền gửi tiếp tục mở rộng trong tuần vừa qua.

Theo đó, lãi suất tiền gửi hiện ở vùng 3,5-4,25% với kỳ hạn dưới 6 tháng, vùng 4,4-6,7% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, vùng 5,5-7.5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Vùng lãi suất này đã thấp hơn 0,75%-1%/năm ở kỳ hạn dưới 6 tháng và thấp hơn từ 1-2%/năm ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên so với thời điểm cuối năm 2019.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng huy động đến 19-6-2020 là 4,35% so với cuối 2019, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng tín dụng tại cùng thời điểm. Thanh khoản các ngân hàng thương mại hiện đang ở mức dư thừa. Lãi suất liên ngân hàng đã giảm từ 1,6-3,4%/năm so với năm 2019, nhưng nhiều khả năng vẫn tiếp tục sẽ đi ngang ở vùng thấp lịch sử.

Tăng trưởng GDP quí 2 vừa qua đạt 0,36% so với cùng kỳ, trong đó ngành dịch vụ vẫn bị ảnh hưởng nặng nề (giảm 1,76%), còn ngành nông nghiệp và công nghiệp (lần lượt tăng 1,72% và 1,38%). Doanh số bán lẻ đã tăng trở lại trong tháng 6 (tăng 5,3% so với cùng kỳ) sau khi giảm 3 tháng liên tiếp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới