(KTSG) - Những năm qua, rất nhiều cây gỗ quý, cây lâu năm ở Việt Nam đã bị đốn hạ để phục vụ nhu cầu trang trí nội thất, xây dựng cho con người. Người ta tìm mọi cách để đốn hạ cây rừng, từ việc xây nhà máy thủy điện, cho đến khu du lịch... Khi Chính phủ quyết định đóng cửa rừng, tưởng chừng rừng sẽ xanh thêm nhưng thật không ngờ, nhiều nơi, hàng chục héc ta rừng vẫn bị đốn hạ.
Điều đau lòng nhất và khó hiểu nhất là nhiều vụ lâm tặc cưa gỗ, tập kết gỗ ngay gần các hạt kiểm lâm nhưng không một ai hay biết, cây gỗ to lớn chứ nào đâu phải cây kim?
Những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam ngày càng giảm nhanh, chất lượng rừng suy thoái nặng nề. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng bị thiệt hại ước hơn 22.800 héc ta, trong đó, rừng bị cháy khoảng 13.700 héc ta, còn lại do bị chặt phá trái phép. Bình quân mỗi năm nước ta suy giảm khoảng 2.500 héc ta rừng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, cả nước phát hiện 2.653 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng (giảm 13% so với năm 2020). Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.229 héc ta, tăng 527 héc ta. Qua đây cho thấy, diện tích rừng bị thiệt hại đã có giảm so với những năm trước đây nhưng mỗi năm vẫn có hàng ngàn héc ta rừng biến mất... Dù rừng đang “chảy máu” nhưng tỷ lệ những cây trồng mới rất khiêm tốn, chưa được quan tâm đúng mực. Đó là lý do khoảng trống không được lấp đầy nên đồi trọc xuất hiện ngày càng nhiều. Ai cũng biết, chặt phá rừng là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm Trái đất nóng lên, môi trường bị ô nhiễm, lũ lụt, gây mất cân bằng sinh thái, bão lũ quét, sạt lở đất, dịch bệnh phát sinh...
Thụy Điển - một quốc gia ở châu Âu, trong 100 năm qua, diện tích rừng đã tăng gấp 2 lần. Chính quyền Thụy Điển quy định các công ty khai thác rừng cứ đốn 1 cây thì phải trồng lại 1 cây. Nhưng vì có ý thức bảo vệ rừng cao, nên họ đốn 1 cây nhưng lại trồng thêm 3 cây... nhờ vậy mà Thụy Điển có nguồn tài nguyên rừng vô tận để xây nhà chung cư cao tầng từ nguyên liệu gỗ. Theo ghi nhận của Diễn đàn Kinh tế thế giới, 70% cảnh quan ở Thụy Điển được bao phủ bởi rừng. Mức tăng trưởng hàng năm của cây rừng vào khoảng 120 triệu mét khối nhưng chỉ khoảng 90 triệu mét khối cây rừng được khai thác.
Bhutan - một vương quốc Nam Á nhỏ bé nép mình bên dãy núi Himalaya hùng vĩ - được đánh giá là một trong những quốc gia xanh nhất hành tinh, với diện tích rừng xanh bao phủ khoảng 70% lãnh thổ. Bhutan còn là quốc gia duy nhất trên thế giới đưa việc bảo vệ môi trường vào hiến pháp, quy định ít nhất 60% lãnh thổ Bhutan phải trồng cây. Ngoài ra, việc xuất khẩu cây rừng bị nghiêm cấm từ năm 1999.
Trông người mà ngẫm đến ta. Công dân nước họ biết bảo tồn, phát triển rừng, không để thế hệ tương lai phải gánh chịu những hậu quả nặng nề bởi thiên tai, bởi ô nhiễm môi trường nên ra sức bảo vệ. Còn ta, lâm tặc cứ ra sức tàn phá rừng thế này không sớm thì muộn rừng sẽ trở nên hoang tàn, tiêu điều. Vì vậy cơ quan chức năng cần phải nghiêm trị với nạn phá rừng. Đồng thời khuyến khích, tuyên truyền người dân trồng cây xanh, càng nhiều càng tốt. Ngành giáo dục nên đưa nhiều bài học bảo vệ môi trường vào bài học, khuyến khích học sinh yêu thiên nhiên, những tiết học ngoại khóa nên chú trọng vào môi trường, rừng... Giáo dục là nền tảng của mọi vấn đề. Nếu giáo dục tốt, thế hệ tương lai sẽ biết quý trọng cây xanh, có trách nhiệm trong việc trồng cây gây rừng và bảo vệ môi trường sống.