Sạc pin cho cơ thể
![]() |
(minh họa: Khều) |
(TBKTSG) - Con người chúng ta cũng giống như một cục pin sạc, nếu được bảo quản tốt và nạp năng lượng đầy đủ thì thời gian sử dụng lý tưởng kéo dài khoảng “ba vạn sáu ngàn ngày”.
Nếu pin bị hư hỏng ngay khi sản xuất hoặc không được bảo quản tốt, để pin ngoài mưa ngoài nắng, không sạc pin thường xuyên, lại xài vô tội vạ, dĩ nhiên pin sẽ nhanh hết năng lượng. Khi ấy thời gian sử dụng đôi khi là con số không hoặc chỉ một vài ngày, vài tháng, vài năm, vài chục năm…!
Ai cũng muốn có thật nhiều sức khỏe và sống trường thọ, nhưng mong muốn thì nhiều mà chẳng mấy ai hiểu được sự quan trọng của việc “nạp lại năng lượng cho cục pin sinh học” của mình.
Khi mạnh khỏe, người ta thường không nghĩ đến chuyện ốm đau, cứ làm như bệnh tật là của ai đó chứ không phải của mình. Một số người khỏe mạnh đôi khi còn nhạo báng, coi thường hoặc thương hại những người yếu đuối, hay đau ốm.
Họ không hiểu rằng bệnh tật chẳng thiên vị hoặc ghét bỏ ai cả. Ai cũng có thể bị bệnh và bị một cách đột ngột, ngẫu nhiên. Những người trông thật khỏe mạnh lại rất dễ bị những cơn bạo bệnh không lường trước được do chủ quan. Ngược lại, những người vốn ốm yếu (pin được sản xuất với chất lượng kém) nhưng biết cách giữ gìn và bồi bổ sức khỏe (biết cách sạc pin) lại sống thọ.
Để sạc năng lượng cho cục pin sinh học là cả một nghệ thuật sống, nghệ thuật dưỡng sinh bao gồm rất nhiều lĩnh vực và phải kiên trì thực hiện ngày này qua ngày khác mới có kết quả tốt.
Trong bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến những cách sạc lại “cục pin sinh học” trước tác nhân rất phổ biến - stress - gây hao hụt năng lượng dữ dội và nguy hiểm mà chúng ta phải đối diện hàng ngày.
Stress tác động đến tất cả mọi người.
Tham vọng muốn cho bằng hoặc hơn người khác giống như hình ảnh của một người khát nước mà lại uống nước mặn, càng uống càng khát cháy cổ, chẳng khi nào thấy đủ cả! Sự khao khát ấy sẽ trở thành một loại stress mãn tính! Nếu thấy “đủ” thì người nghèo chưa chắc đã kém hạnh phúc hơn người giàu (có thể ngược lại). |
Dĩ nhiên tùy thuộc vào sức khỏe và sự chống đỡ của cơ thể đối với stress mà người ta phân ra stress âm tính (stress có tác dụng xấu) và stress dương tính (stress có tác dụng tốt gây hưng phấn, kích thích cơ thể làm việc nhiều hơn). Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi, loại stress nào nếu tồn tại và tác động kéo dài đều trở thành tác nhân gây bệnh.
Trước đây, vào thời sơ khai, stress là một phản ứng sinh lý của cơ thể nhằm chuẩn bị để đối phó với tác nhân gây ra stress như thú dữ, thiên tai, địch họa… xảy ra đột ngột và đối tượng chịu stress phải có phản ứng tức thời: chống lại hay chạy trốn.
Để làm được điều này, cơ thể phải tiết ra những nội tiết tố (nội tiết tố chống stress) như ACTH, corticoides, cathecolamine… giúp tim co bóp nhanh, mạnh hơn để đưa nhiều máu đến các cơ quan tạng phủ; phổi thở nhanh hơn để cung cấp thật nhiều oxygen cho cơ thể (đặc biệt là não bộ và hệ cơ vân); gan sẽ chuyển glycogen dự trữ thành glucose và đưa vào máu nhằm cung cấp thêm năng lượng cho toàn cơ thể; hệ thống cơ vân cũng tăng trương lực và đặt trong tư thế sẵn sàng hoạt động; mồ hôi toát ra dưới tác dụng của thần kinh giao cảm để làm mát cơ thể; các giác quan trở nên sắc bén hơn, đặc biệt là mắt mở to, điều tiết tối đa để có thể nhìn rõ hơn nữa tác nhân gây stress…
Nói tóm lại, toàn bộ cơ thể được đặt vào tư thế báo động cao nhất, sẵn sàng chống lại stress. Khi stress xảy ra, ví dụ như bị cọp tấn công, con người sẽ chiến đấu chống lại hoặc chạy trốn. Một trong hai phản ứng trên sau khi xảy ra (nếu con người còn sống) sẽ tận dụng hết năng lượng đã được chuẩn bị. Các nội tiết tố chống stress hoàn thành nhiệm vụ được cơ thể loại bỏ. Cơ thể dần trở về trạng thái bình thường. Đây là một phản ứng thuần tự nhiên, thường ít gây hại cho cơ thể.
Hiện nay con người không còn phải đối diện với cọp, beo… mà thường đối diện với giá xăng dầu tăng, lạm phát cao, lương bổng eo hẹp, áp lực công việc gia tăng, cạnh tranh khốc liệt trên thương trường, tham vọng về tiền bạc, danh vọng, chức tước, xung đột gia đình…
Nếu chúng ta thấy “đủ” thì sự nhàn hạ sẽ đến một cách tự nhiên, gió sẽ mát hơn, hoa sẽ đẹp hơn, tiếng người sẽ thân thương hơn, thức ăn sẽ ngon hơn, giấc ngủ sẽ sâu hơn, sẽ hạnh phúc hơn và như thế stress sẽ tự động ra đi. |
Cơ thể sẽ chống lại những loại stress trên bằng cách tiết ra những nội tiết tố y hệt như khi con người gặp cọp. Thế nhưng người bị stress không thể phản ứng bằng cách chiến đấu chống lại hay chạy trốn ngay lập tức mà phải “nghiến răng” chịu đựng cho những loại stress này gặm nhấm ngày này qua ngày khác.
Tác nhân gây stress vẫn còn đó, và những nội tiết tố trên vẫn liên tục được sản sinh. Cục pin sinh học khi ấy sẽ nóng lên do lúc nào cũng phải làm việc căng thẳng và tiêu hao năng lượng trong trạng thái đề phòng và chống lại stress mà không được nạp lại năng lượng phù hợp.
Sự cạn kiệt năng lượng kèm theo việc tích chứa quá nhiều độc chất trong cơ thể sẽ gây ra những triệu chứng như nóng ran ở đỉnh đầu, nhức đầu, tim hồi hộp, mất ngủ, lo âu căng thẳng, tính tình thay đổi, dễ cáu gắt, giận dữ, ngôn ngữ giao tiếp trở nên cục cằn, thô lỗ, sẵn sàng gây gổ với người chung quanh hoặc bị rơi vào trạng thái trầm cảm, buồn rầu vô cớ, thu mình lại không muốn giao tiếp với người khác, tệ hại hơn là có ý muốn tự tử!
Nếu không biết cách loại bỏ stress thì các triệu chứng trên càng lúc càng nặng hơn và những bệnh lý như cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ trong máu cao, béo phì, ung thư… ngay cả ý muốn tự tử cũng sẽ lần lượt xuất hiện như một hệ quả tất yếu và như thế “cục pin sạc” buộc phải hoàn tất chu kỳ hoạt động trước thời hạn!
Như vậy, để “cục pin sạc” có thể nạp lại năng lượng, chúng ta phải cho cơ thể nghỉ ngơi, hay nói cách khác là tránh stress, hoặc chung sống hòa bình với nó mà không bị ảnh hưởng. Để làm được điều này, chúng ta nên thay đổi quan niệm sống: phải biết “đủ” (tri túc), đừng quá chạy theo dục vọng, tiền tài, danh vọng... Không nên nhìn sang hàng xóm để khi nào cũng thấy thua sút một mặt nào đó rồi cứ thế cố gắng cho bằng, cho hơn.
Tham vọng muốn cho bằng hoặc hơn người khác giống như hình ảnh của một người khát nước mà lại uống nước mặn, càng uống càng khát cháy cổ, chẳng khi nào thấy đủ cả! Sự khao khát ấy sẽ trở thành một loại stress mãn tính! Nếu thấy “đủ” thì người nghèo chưa chắc đã kém hạnh phúc hơn người giàu (có thể ngược lại).
Nếu chúng ta thấy “đủ” thì sự nhàn hạ sẽ đến một cách tự nhiên, gió sẽ mát hơn, hoa sẽ đẹp hơn, tiếng người sẽ thân thương hơn, thức ăn sẽ ngon hơn, giấc ngủ sẽ sâu hơn, sẽ hạnh phúc hơn và như thế stress sẽ tự động ra đi.
Khi thay đổi quan niệm sống, chúng ta có thể thay đổi lối sống một cách dễ dàng, giảm bớt áp lực công việc, cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, tận hưởng những giờ phút nghỉ ngơi, thư giãn một cách hiệu quả… Nên tập luyện một số phương pháp, đặc biệt là thư giãn và thiền định. Thiền định chỉ đơn giản bằng cách theo dõi hơi thở cũng đủ làm cho thân tâm an lạc, quên đi stress, giúp cơ thể tự điều chỉnh, những nội tiết tố do stress gây ra sẽ biến mất nhường chỗ cho tình thương, lòng bi mẫn xuất hiện để thấy cuộc đời lung linh, huyền diệu, thật đáng yêu (chứ không phải là “bể khổ”).
Các phương pháp dưỡng sinh, yoga, thái cực quyền, khí công, đi bộ (đi chậm rãi, đếm bước chân hoặc theo dõi hơi thở và không suy nghĩ gì cả)… nếu tập đúng cách (xin nhấn mạnh, tập luyện phải đúng phương pháp mới có tác dụng), cũng là những phương pháp rất hữu hiệu để quên stress và nạp lại năng lượng cho cơ thể. Nên nghiên cứu triết học phương Đông để thấy sự vô thường của cuộc sống này giúp ta có thể dễ dàng buông xả bớt tham vọng.
Cuối cùng, nếu triệu chứng của stress quá nhiều, tự mình chưa thể hóa giải được thì cần phải đến thầy thuốc chuyên khoa để khám bệnh. Y học cổ truyền có rất nhiều thế mạnh, đặc biệt là nghệ thuật “bồi bổ tạng thận” trong điều trị và điều hòa stress cũng như tái tạo năng lượng sống cho cơ thể.
Khi cục pin sinh học trong ta được thương yêu, chăm sóc và sạc đầy đủ năng lượng, không để cho stress gặm nhấm hàng ngày, thì ước vọng về thời gian sử dụng có chất lượng, kéo dài đến “ba vạn sáu ngàn ngày” có thể nằm trong tầm tay của mọi người. Mong lắm thay!
BS.LÊ HÙNG - Trung tâm Y học cổ truyền hiện đại