(KTSG Online) - Thành quả xử lý nợ xấu ấn tượng trong năm ngoái giúp Sacombank tiếp tục nối dài chuỗi hoạt động tái cấu trúc thành công vượt mong đợi từ năm 2017 đến nay. Ngân hàng hiện đang có cơ hội gia tăng giá trị lên gấp nhiều lần, khi đứng trước ngưỡng cửa hoàn thành sớm tiến độ thực hiện đề án tái cấu trúc.
Đạt kết quả ấn tượng
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không ít đến kinh tế - xã hội nhưng hoạt động xử lý nợ xấu ở Sacombank vẫn đạt được những con số ấn tượng. Trong năm 2021, Sacombank thu hồi được 14.100 tỉ đồng nợ xấu, trong đó số nợ xấu thuộc Đề án tái cấu trúc gần 11.800 tỉ đồng.
Nếu tính cả những khoản nợ đã bán tài sản để xử lý khoản vay thành công, đang thu theo tiến độ và sẽ thu hồi hơn 8.000 tỉ đồng trong năm nay, thì tổng doanh số thu hồi và xử lý nợ trong năm 2021 đạt hơn 22.100 tỉ đồng, một con số ấn tượng và vượt xa so với con số kế hoạch 10.000 tỉ đồng đặt ra hồi đầu năm ngoái.
Nhờ thực hiện nhiều biện pháp từ quản lý chất lượng tín dụng đến công tác giám sát thu hồi nợ, Sacombank đã kéo giảm tỷ lệ nợ xấu (tính theo Thông tư 11/2021) từ mức 1,64% xuống còn 1,47% vào cuối năm 2021.
Theo đại diện Sacombank, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến mọi mặt hoạt động, việc xử lý nợ xấu cũng chịu ảnh hưởng đáng kể bởi chính sách giãn cách xã hội. Tuy nhiên, các vấn đề này cũng chỉ diễn ra trong các tháng đầu của năm 2021, khoảng thời gian còn lại ngân hàng vẫn “chạy” theo đúng tiến độ đã đặt ra.
Lũy kế 5 năm qua, Sacombank đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỉ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỉ đồng là các khoản thuộc Đề án, đạt gần 68% kế hoạch tổng thể.
Kết quả chung, quy mô lãi khoanh giảm 73,7%, tỷ trọng tài sản tồn đọng giảm từ 29,3% xuống còn 8%.
Điều kiện thị trường thuận lợi đã giúp các ngân hàng đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu trong 5 năm qua, đặc biệt là Nghị quyết 42 của Quốc hội đã giúp quá trình xử lý nợ rút gọn hơn. Trong khi đó, các khoản nợ xấu ở Sacombank đa phần đều có tài sản đảm bảo là bất động sản có tiềm năng phát triển.
“Các khó khăn của các khách hàng chỉ mang tính ngắn hạn do không kiểm soát tốt dòng tiền. Sacombank đã cùng chung tay với khách hàng để thực hiện đấu giá các khoản nợ, tạo điều kiện cho khách hàng được mua lại các tài sản này một cách công khai, minh bạch”, đại diện ngân hàng lý giải.
Mặt khác, sự phát triển chung của ngành ngân hàng cũng giúp quá trình tái cơ cấu thuận lợi hơn, khi hoạt động của các tổ chức tín dụng ngày càng chuyên nghiệp, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đã giảm rất nhiều. Thương hiệu mạnh, nội lực và nền tảng quản trị tốt, đi cùng điều kiện đủ là năng lực và tâm huyết của Hội đồng quản trị, ban lãnh đạo ngân hàng, đã giúp Sacombank đứng trước cơ hội thực hiện vượt tiến độ mà đề án tái cơ cấu đặt ra đến năm 2025.
“Với tiến độ xử lý nhanh như hiện nay, kỳ vọng thị trường 2 năm tới phục hồi và ổn định thì khả năng Sacombank sẽ hoàn thành tái cơ cấu trước thời hạn vào năm 2023”, đại diện Sacombank chia sẻ.
Cùng với nỗ lực của cơ quan quản lý tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ như Nghị quyết 42, nội lực nhà băng cùng sự quyết tâm của ban lãnh đạo cũng như cán bộ nhân viên ngân hàng, sẽ là các nhân tố giúp Sacombank tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ để kịp “về đích” sớm.
Thị trường đặt kỳ vọng cao
Không chỉ có kết quả xử lý nợ xấu ấn tượng, kết quả kinh doanh cũng cho thấy ngân hàng tiếp tục giữ vững “phong độ”. Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 4.400 tỉ đồng, tăng 31,8% so với năm trước và vượt 10% kế hoạch. Hoạt động kinh doanh tiếp tục mở rộng mạnh mẽ với mức tăng 14% của dư nợ cũng như 6% của quy mô tổng tài sản.
Hiệu quả hoạt động cũng tiếp tục ghi nhận sự cải thiện đáng kể. Theo đó, tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt tăng 0,11 và 1,16 điểm phần trăm, lần lượt đạt 0,67% và 10,79%. Các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động vẫn tuân thủ quy định của cơ quan quản lý.
Nhiều tổ chức mới đây cập nhật cổ phiếu STB với khuyến nghị mua với định giá cao hơn. Chẳng hạn, theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI công bố hồi cuối tháng 2, nhóm phân tích này nâng mức giá mục tiêu 1 năm lên thêm 21,6%.
Theo SSI đánh giá, Sacombank vẫn đi đúng lộ trình đề án tái cơ cấu và tài sản có vấn đề có thể sẽ giảm đáng kể trong năm nay. Trong khi đó, mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng vẫn đang duy trì tốt với số lượng khách hàng cá nhân tăng dần trong những năm gần đây, cũng như nguồn thu từ hoạt động từ dịch vụ tiếp tục ổn định và nằm trong nhóm dẫn đầu.
Trên thực tế, thị giá STB đã bắt đầu tăng mạnh từ đầu năm 2021, cũng xuất phát từ những thông tin về kết quả xử lý nợ ấn tượng được công bố khi đó. Theo đó, giá cổ phiếu STB tăng gấp 1,86 lần, đi cùng thanh khoản tăng gấp đôi. Còn nếu tính từ năm 2016, tức năm bắt đầu thực hiện đề án tái cấu trúc, thị giá đã tăng gấp 3,3 lần, đi cùng đó là lợi nhuận trước thuế bình quân tăng gần 198% mỗi năm.
Thị giá cao không chỉ phản ánh kỳ vọng nhà đầu tư vào khả năng tạo lợi nhuận cũng như kết quả xử lý nợ xấu, mà còn là cơ hội để ngân hàng nâng cao sức mạnh tài chính. Trong năm ngoái, Sacombank cũng đã bán cổ phiếu quỹ, giúp gia tăng vốn chủ sở hữu thêm 2.435 tỉ đồng.
Có thể thấy hiện Ban lãnh đạo Sacombank đang nỗ lực củng cố nội lực ngân hàng từ 3 góc độ, một là đẩy mạnh việc bán tài sản theo đề án tái cơ cấu, hai là nâng cao năng lực tài chính và ba là thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Trong 5 năm qua, quy mô tài sản tăng bình quân 9,5% mỗi năm, đi cùng dư nợ tín dụng tăng 14,1%.
Do đó, năm 2022 được xem là năm đột phá quan trọng khi ngân hàng “đặt một chân” vào hồi kết của lộ trình tái cơ cấu. Nếu thực hiện thành công sớm, điều này không chỉ đáp ứng mong mỏi của những cổ đông đã cùng đồng hành với ngân hàng trong suốt quá trình tái cơ cấu, mà còn giúp giải “cơn khát” cổ tức đã tồn tại suốt nhiều năm qua. Sacombank sẽ được quyền chia cổ tức cho cổ đông khi xử lý hết những khoản nợ tồn đọng trong đề án, tức không còn trái phiếu VAMC.
Mặt khác, thị trường cũng kỳ vọng vào những thương vụ bán phần vốn do VAMC nắm giữ. Với triển vọng xử lý nợ xấu cùng sức khỏe tài chính lành mạnh, Sacombank có quyền lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực, uy tín. Do đó, giá trị cộng hưởng được kỳ vọng sẽ gia tăng gấp nhiều lần sau khi tái cấu trúc thành công.