Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sacombank sẽ sớm trở lại tốp đầu

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá trị vốn hóa của Sacombank không ngừng tăng lên trong bối cảnh cuộc chạy đua xử lý nợ xấu đang dần đến hồi kết. Tròn một nhiệm kỳ Hội đồng quản trị, ngân hàng có quy mô hơn 2,8 tỉ đô la Mỹ này đang đứng trước ngưỡng cửa với nhiều sự thay đổi lớn đi cùng tham vọng sớm trở lại tốp ngân hàng dẫn đầu thị trường.

Ánh sáng cuối đường hầm

Dù có thể tiếp tục không được chia cổ tức trong năm nay nhưng các “cổ đông thủy chung” của Sacombank có thể tự hào khi giá trị ngân hàng không ngừng tăng. Giá trị vốn hóa của Sacombank đạt mức kỷ lục khoảng 2,8 tỉ đô la trong ngày 22-3 vừa qua, tăng 85% so với cùng kỳ, gấp 2,6 lần so với 30-6-2017, cũng là thời điểm mà Hội đồng quản trị (HĐQT) Sacombank có người mới, chính thức bắt đầu cuộc tái cấu trúc.

Không phải ngẫu nhiên mà giá trị Sacombank tăng nhanh như vậy, dù hai năm dịch Covid-19 đã “đánh gục” nhiều doanh nghiệp. Theo báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán, năm ngoái Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước dự phòng đề án đạt 12.660 tỉ đồng. Nhưng câu chuyện không chỉ có phần lợi nhuận, mà còn là việc xử lý nợ xấu tiếp tục diễn tiến thuận lợi.

Theo báo cáo của Ban lãnh đạo ngân hàng, trong năm qua Sacombank đã thu hồi, xử lý 14.087 tỉ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó thu hồi 11.759 tỉ đồng (vượt kế hoạch 10.000 tỉ đồng). Mức thu hồi lũy kế từ khi triển khai dự án là 58.306 tỉ đồng, đạt 67,9% kế hoạch tổng thể đề án đến 2025 và vượt 7,9% tiến độ.

Bên cạnh đó, ngân hàng còn trích lập 8.260 tỉ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng, nâng mức trích lập lũy kế khi triển khai đề án lên 20.287 tỉ đồng, đạt 87,5% kế hoạch tổng thể đề án đến 2025. Ngân hàng cũng đã xử lý xong vấn đề sở hữu chéo, các khoản đầu tư góp vốn. Việc thanh lý 81,56 triệu cổ phiếu quỹ trong năm ngoái cũng đã mang đến nguồn thặng dư 1.684 tỉ đồng.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết, tính đến nay Sacombank đã xử lý phần lớn các vấn đề, vượt tiến độ các mục tiêu trọng yếu và bứt phá để hoàn thành trước thời hạn.

Kết quả xử lý nợ đã và đang dần xóa tan những hoài nghi trước đó. Sacombank sau sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam bắt đầu rung chuyển ở thượng tầng, nhưng cho đến nay, “ánh sáng” của hoạt động tái cấu trúc đã được nhìn thấy rõ hơn. Tròn một nhiệm kỳ đại hội, các cổ đông ngày nay có thể nhìn thấy “cánh cửa” phía cuối đường hầm rõ ràng hơn bao giờ hết.

Nhớ lại giai đoạn năm 2015, việc sáp nhập Ngân hàng Phương Nam đã giúp tăng quy mô, nhưng những hệ lụy kèm theo cũng xuất hiện, đặc biệt là về vấn đề tài chính khi nợ xấu và tài sản tồn đọng tăng cao. Nếu trích lập đầy đủ và thoái lãi dự thu theo quy định thì ngân hàng gần như rơi vào tình trạng mất vốn, các chỉ số an toàn dưới chuẩn quy định. Các định chế tài chính quốc tế sau đó hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, uy tín thương hiệu giảm, thanh khoản gặp khó, khách hàng rời đi và cả tình trạng chảy máu nhân sự.

Khi đó, những lãnh đạo vừa mới nhận nhiệm vụ phải lập kế hoạch và ứng phó liên tục, “chèo lái” Sacombank từng bước nhỏ theo đề án lớn đã được cơ quan quản lý phê duyệt. Khối xử lý nợ trực thuộc Tổng giám đốc được thành lập, cùng nhiều sự thay đổi về quy trình, cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động được tập trung tinh gọn, tái cấu trúc theo hướng quản lý tập trung, điều hành phân cấp, đảm bảo tính công khai minh bạch và thượng tôn pháp luật trong mọi tình huống.

Đây được xem là tiền đề rất quan trọng giúp quá trình tái cơ cấu trong thời gian qua đạt được những kết quả tích cực. Nhờ chiến lược tận dụng nền tảng và nội lực tích lũy nhiều năm trước của ngân hàng, cuối cùng sự thay đổi cũng đã mang đến kết quả vượt mong đợi.

Khi ấy, đối với kế hoạch tái xử lý nợ xấu của Sacombank, người trong ngành hình dung như là cuộc “viễn chinh” với ước lượng ban đầu về thời gian cần lên đến 10 năm, sau rút còn bảy năm. Tại đại hội đồng cổ đông lần này, HĐQT cũng đưa ra tham vọng mới, đó là đặt mục tiêu chậm nhất đến năm 2023, ngân hàng sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc đề án.

Hoàn tất tái cấu trúc đem lại cho Sacombank vị thế mới cũng như những cơ hội mới, giúp ngân hàng có thể chính thức trở lại đường đua ngân hàng bán lẻ mà trước đây còn dang dở. Ít nhất, các cổ đông thủy chung cũng có thể sớm nhận được cổ tức.

Trở lại đường đua để dẫn đầu ngân hàng bán lẻ

Xuyên suốt trong hơn 30 năm hoạt động của mình, mục tiêu mà Sacombank hướng đến là trở thành ngân hàng dẫn đầu trong mảng ngân hàng bán lẻ, nhưng những trục trặc thị trường đi kèm với các vấn đề nội tại đã làm chậm bước ngân hàng trong thời gian qua. Vậy đâu là cơ sở để Sacombank có thể phục hồi vị thế trên đường đua này? Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã có buổi trao đổi nhanh với bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank về dấu mốc quan trọng này.

KTSG: Mục tiêu xử lý xong nợ xấu trong năm sau có quá áp lực với Sacombank không, thưa bà?

- Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Sau gần năm năm kể từ thời điểm HĐQT, Ban kiểm soát và Ban điều hành mới được thành lập, có thể nói quá trình tái cấu trúc của Sacombank đã đi gần tới đích nhờ những nhân tố thị trường khách quan và quan trọng là nội lực của chính ngân hàng. Với những gì đã và đang triển khai, chúng tôi tự tin đặt mục tiêu chậm nhất đến hết năm 2023 Sacombank sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc đề án.

KTSG: Một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm trong nhiều năm qua là cổ tức và việc bán phần vốn của VAMC. Bà có thể chia sẻ thêm về câu chuyện này?

- Giá trị lợi nhuận hợp nhất giữ lại tính đến cuối năm ngoái là gần 9.000 tỉ đồng, tương ứng gần bằng 50% vốn điều lệ. Đây là số tiền có thể chia cổ tức cho cổ đông, nhưng hiện tại Sacombank đang thực hiện đề án và chúng tôi cũng cần Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Về thương vụ bán phần vốn mà Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang nắm giữ, Sacombank hoàn toàn có thể lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, uy tín thương hiệu để cùng tham gia làm cổ đông chiến lược. Tôi tin với một Sacombank có sức khỏe tài chính lành mạnh, niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phát triển trong tương lai sẽ tăng gấp nhiều lần.

KTSG: Vậy định hướng kinh doanh của Sacombank sẽ có gì thay đổi hay không?

- Tái cấu trúc thành công sẽ là một bước ngoặt đột phá để Sacombank khẳng định vị thế của mình trên thị trường, đó là một ngân hàng hàng đầu với quy mô và hiệu quả cạnh tranh nhất. Điều này đáp ứng đúng mong mỏi của cổ đông đã cùng đồng hành với Sacombank trong suốt quá trình tái cơ cấu.

Bên cạnh đó, chúng tôi đặt mục tiêu trở thành ngân hàng tiên phong ứng dụng công nghệ vào quản trị điều hành cũng như hoạt động kinh doanh. Đây cũng là tiền đề để Sacombank hiện thực hóa định hướng ngân hàng bán lẻ của mình thông qua việc triển khai các sản phẩm dịch vụ hiện đại, đa năng và tiện ích. Thực tế cách đây 17 năm, chúng tôi đã từng bước thực hiện chiến lược số của mình và hiện tại, trong bối cảnh công nghệ lên ngôi, các chiến dịch liên quan đến số hóa càng được ngân hàng thực hiện quyết liệt hơn bao giờ hết.

Đến giờ phút này, có thể nói chúng tôi đã thành công bước đầu khi ghi dấu Sacombank như một ngân hàng đầu tư mạnh mẽ nhất về công nghệ, về thanh toán không tiền mặt trong lòng khách hàng. Suốt nhiều năm liền, Sacombank cũng được các tổ chức quốc tế ghi nhận là ngân hàng tiên phong trong việc triển khai các giải pháp thanh toán số hiện đại nhất tại thị trường Việt Nam.

Kỳ thực, chuyện hằng năm các ngân hàng bị đặt vào cuộc đua so sánh huy động, lợi nhuận, tài sản hay vấn đề chia cổ tức là hơi khập khiễng vì mỗi đơn vị đều có nội tại, định hướng và lộ trình phát triển khác nhau. Sacombank là một ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu sau sáp nhập, tất cả những gì chúng tôi quan tâm là nỗ lực hết mình để hoàn thiện đề án tái cơ cấu, đồng thời tiếp tục đầu tư mạnh vào chuyển đổi số với các dự án quy mô trong vận hành và cung ứng sản phẩm dịch vụ, tiến tới mục tiêu số hóa tối đa. Chúng tôi đang đi trên con đường của mình và sẽ mạnh mẽ, quyết tâm để đạt được kết quả tốt nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới