Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sài Gòn Xanh sẽ xử lý bùn thải nhà máy Bình Hưng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sài Gòn Xanh sẽ xử lý bùn thải nhà máy Bình Hưng

Văn Nam

Sài Gòn Xanh sẽ xử lý bùn thải nhà máy Bình Hưng
Bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thải được xem là "mỏ vàng" để các doanh nghiệp môi trường tham gia tái chế thành đất sạch bán ra thị trường với lợi nhuận khá cao – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh sẽ xử lý thí điểm bùn thải của nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM theo công nghệ tái chế, sản xuất đất sạch thân thiện môi trường.

>> Tư nhân muốn tham gia tái chế bùn thải

Thời gian dài trước đây vì thiếu nhà máy xử lý bùn thải nhà máy nước thải Bình Hưng tồn ứ đến hơn 4.000 tấn bùn thải phát sinh từ công đoạn xử lý nước thải, lượng bùn này để lâu ngày phát tán mùi hôi gây bức xúc cho nhiều người dân xung quanh nhà máy.

Qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Lưu Văn Tấn, Trưởng Phòng xử lý nước thải thuộc Trung tâm chống ngập thành phố, cho biết đã có 5 doanh nghiệp đề xuất được xử lý bùn thải của nhà máy Bình Hưng, gồm: Công ty Uy Thành, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, Công ty Mosan, Công ty Thoát nước đô thị TPHCM và Công ty TSK (Nhật Bản).

Qua thẩm định, thành phố đã chọn Công ty Sài Gòn Xanh tiến hành thí điểm việc xử lý bùn thải nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.

Hiện Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh đang sản xuất, cung cấp các loại đất sạch, phân bón, chế phẩm sinh học… với nhãn hiệu sản phẩm Tribat.

Theo văn bản ngày 2-11 về việc xử lý bùn thành của nhà máy Bình Hưng, UBND thành phố cho biết việc xử lý thí điểm bùn thải này phải đảm bảo không phát sinh mùi. Từ nay về sau, các dự án xử lý rác, bùn thải của thành phố phải đảm bảo công nghệ tiên tiến, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Hiện nay đang có nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng tại huyện Bình Chánh, công suất xử lý 141 ngàn m3 nước thải/ngày đêm và mỗi ngày nhà máy này thải ra khoảng 40 tấn bùn từ công đoạn lắng bùn xử lý nước thải, lượng bùn này được đánh giá có chứa hàm lượng lượng hữu cơ cao nên tỉ lệ tái chế thành đất sạch rất lớn.

Bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thải nếu được tái chế thành đất sạch trồng cây sẽ giúp thay thế phương pháp xử lý chôn lấp như lâu nay, vốn chiếm nhiều diện tích đất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm, chưa kể lợi nhuận từ việc tái chế bùn thải này cũng không hề nhỏ.

Liên quan đến dự án xử lý bùn thải, UBND thành phố cũng đã phê bình nghiêm khắc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước đô thị thành phố do chậm triển khai dự án nhà máy xử lý bùn thải đã được giao từ năm 2007 đến nay vẫn chưa thực hiện.

Hiện nay, thành phố đang quy hoạch một khu xử lý bùn thải rộng khoảng 47 héc ta tại Đa Phước, huyện Bình Chánh để làm vị trí đổ bùn thải.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới