Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Sai số và bỏ sót” là gì?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Sai số và bỏ sót” là gì?

(TBKTSG) – “Bài “Bài toán tỷ giá và vai trò của Ngân hàng Nhà nước” của tác giả Vũ Thành Tự Anh trên TBKTSG số ra ngày 11-11-2010 có đề cập “sai số và bỏ sót” trong cán cân thanh toán lên tới hơn 12 tỉ đô la Mỹ trong năm 2009. Xin hỏi khái niệm “sai số và bỏ sót” là gì? Ở cuối bài, tác giả cũng nêu khái niệm “bộ ba bất khả thi”, xin giải thích rõ thêm”, Đoàn Xuân Hải – TPHCM

– Cán cân thanh toán của một quốc gia gồm tài khoản vãng lai (chủ yếu là cán cân thương mại), tài khoản vốn và tài chính (chủ yếu là đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp, vốn vay…). Cân đối hai tài khoản này lại nếu dôi dư thì làm tăng dự trữ ngoại tệ, nếu thiếu hụt sẽ làm giảm dự trữ này.

Cán cân thanh toán Việt Nam trong năm 2009 cho thấy tài khoản vãng lai thâm hụt 7,1 tỉ đô la; tài khoản vốn thặng dư 11,13 tỉ đô la. Cân đối hai tài khoản này lại, lẽ ra cán cân thanh toán vẫn còn thặng dư 4,03 tỉ đô la để đưa vào dự trữ ngoại tệ. Nhưng thực tế, không những không có khoản 4,03 tỉ đô la này mà cán cân thanh toán còn thâm hụt khoảng 8,8 tỉ đô la nữa. Vì vậy, trong bảng cân đối cán cân thanh toán năm 2009 có một khoản mục “sai số và bỏ sót” âm 12,84 tỉ đô la!

Giảm dự trữ ngoại tệ 8,8 tỉ đô la là chuyện tính toán chính xác được, còn hai khoản thặng dư và thâm hụt ở tài khoản vãng lai và tài khoản vốn không thể nào biết chính xác nên mới có mục “lỗi và sai sót” này để cán cân thanh toán cân bằng.

Một tài liệu của Ngân hàng Thế giới cho rằng: “Việc bố trí lại danh mục của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, chuyển sang các loại tài sản bằng ngoại tệ là căn nguyên của vấn đề “sai số và bỏ sót” trong cán cân thanh toán”. Ý họ muốn nói doanh nghiệp thì găm giữ ngoại tệ, người dân cất đô la ở nhà…

Mục “sai số và bỏ sót” trong thực tế có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Nó có thể cho thấy nhập siêu cao hơn nhiều so với con số chính thức hoặc nhà xuất khẩu không chuyển tiền bán hàng về nước, có thể buôn lậu qua biên giới cũng cao hơn nhiều. Nó cũng có thể là do con số giải ngân FDI thấp hơn thống kê hay có hiện tượng đào hối.

Khái niệm “bộ ba bất khả thi” cho rằng một quốc gia không thể đồng thời thực hiện cùng một lúc ba mục tiêu chính sách vĩ mô: 1.Cố định tỷ giá; 2.Tự do hóa dòng vốn; 3.Chính sách tiền tệ độc lập. Chỉ có thể chọn tối đa là hai trong số ba mục tiêu này.

Tòa soạn TBKTSG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới