Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

SaigonBank: Sức hấp dẫn từ nội tại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

SaigonBank: Sức hấp dẫn từ nội tại

Hải Lý

Ít có tổ chức tín dụng nào sau hơn ba mươi năm thành lập đến nay vẫn chưa một lần định giá lại tài sản hữu hình và vô hình như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank). Là một trong những ngân hàng nhỏ của hệ thống với vốn điều lệ 3.080 tỉ đồng, SaigonBank không chỉ hoạt động minh bạch, mà từ rất sớm đã có định hướng đúng đắn khi tập trung đầu tư cơ sở vật chất dựa trên nguồn lực có sẵn.

SaigonBank: Sức hấp dẫn từ nội tại

Từ nhiều năm trước trụ sở các chi nhánh, phòng giao dịch của SaigonBank đều được ngân hàng mua thay vì đi thuê. Việc mua đứt các trụ sở như vậy không chỉ tạo lợi thế tiết kiệm chi phí ngay tại thời điểm đó, mà còn giúp nâng giá trị của ngân hàng nếu tính theo giá thị trường vì bất động sản luôn tăng giá theo thời gian. Việc khấu hao tài sản hữu hình hàng năm vô hình trung đã nhân thêm giá trị của chúng trong cơ cấu tổng tài sản do giá trị đầu tư ban đầu trên sổ sách giảm xuống, nhưng trên thực tế giá trị của chúng lại cao hơn giá mua, thậm chí cao hơn nhiều lần.

Đặc điểm này của SaigonBank được các nhà đầu tư sành sỏi chú ý và một trong những điều mà họ luôn để mắt tới khi tham khảo báo cáo tài chính quí hay năm của ngân hàng là tài sản cố định hữu hình. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 1-2020 của SaigonBank, giá trị sổ sách của tài sản cố định hữu hình hiện chỉ còn 754 tỉ đồng so với nguyên giá 1.218 tỉ đồng. Con số 754 tỉ đồng rõ ràng là không phản ánh chính xác giá trị thị trường của tài sản.

Thí dụ những tòa nhà tại TPHCM như trụ sở cũ của ngân hàng ở quận 5; trụ sở của hội sở trên đường Phó Đức Chính, quận 1; khách sạn Riverside trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1… có giá thị trường tới hàng ngàn tỉ đồng. Trụ sở các chi nhánh ở địa phương cũng có giá trị tương tự gấp nhiều lần giá trị sổ sách, nhất là chi nhánh Sapa, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng…

So sánh giá trị tài sản với vốn chủ sở hữu mới thấy sự chênh lệch quá lớn. Vốn và các quỹ của SaigonBank hiện có 3.613 tỉ đồng, trong khi nếu được định giá lại tài sản theo giá thị trường, giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu của ngân hàng chắc chắn không thể thấp hơn 20.000-25.000 đồng. Đó là lý do giải thích vì sao các đợt thoái vốn SaigonBank qua đấu giá công khai của những cổ đông tổ chức như Vietcombank, Vietinbank lại luôn thành công ở mức giá gấp đôi so với giá khởi điểm.

Xuất phát từ đây cổ đông tổ chức (Vietcombank và Vietinbank thoái vốn khỏi SaigonBank do qui định về sở hữu chéo của Ngân hàng Nhà nước – NV) và cá nhân của SaigonBank phần lớn là nhà đầu tư dài hạn, nắm giữ cổ phiếu nhiều năm liền. Họ tỏ ra yên tâm với một bảng cân đối tài chính tương đối lành mạnh của ngân hàng, theo đó đến cuối tháng 3-2020 tổng tiền gửi của khách hàng ở mức 15.544 tỉ đồng, dư nợ 14.215 tỉ đồng.

SaigonBank không chạy đua huy động vốn và cũng không tăng trưởng tín dụng “nóng”. Ngân hàng tập trung vào cải thiện và nâng cao chất lượng tín dụng khi thời gian gần đây chuyển sang cung ứng vốn cho các dự án cho vay kích cầu, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, dự án đầu tư công…

Việc cho vay lĩnh vực hạ tầng có độ rủi ro thấp, khả năng thu hồi gốc và lãi an toàn song biên lợi nhuận không thể bằng cho vay các ngành nghề như bất động sản hay một số doanh nghiệp khác. Trước mắt việc dịch chuyển hướng cơ cấu tín dụng như thế có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận ngắn hạn do thu nhập lãi thuần giảm nhẹ. Tuy nhiên về lâu dài, điều này tạo điều kiện cho SaigonBank có một vị thế phát triển vững chắc, vượt qua được những thời điểm khó khăn do biến động của thị trường bên ngoài, như dịch bệnh Covid-19 là một minh chứng.

Ông Vũ Quang Lãm, chủ tịch hội đồng quản trị SaigonBank, cho biết hai năm qua ngân hàng đã dồn lực xử lý những khoản nợ xấu tồn đọng, kiểm soát chặt chất lượng tín dụng và trích lập dự phòng rủi ro ở mức tối đa có thể. Việc giải quyết nợ xấu, trích lập dự phòng tạm thời tác động ít nhiều đến lợi nhuận trong ngắn hạn. Hơn nữa hiện nay Ngân hàng Nhà nước không cho phép các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền, và khuyến khích tăng cường quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ nhằm nâng cao nguồn vốn tự có.

Về cơ bản việc phát mãi tài sản thế chấp xử lý nợ xấu sẽ được ngân hàng ghi nhận vào lợi nhuận trong tương lai khi việc trích lập dự phòng cho những khoản nợ này đã được thực hiện. Sự kết hợp của các yếu tố xử lý nợ xấu, định giá lại tài sản, cổ đông lớn thoái vốn và quá trình tái cơ cấu ngân hàng theo hướng tăng trưởng bền vững tạo nên sức hấp dẫn trung, dài hạn cho cổ phiếu SaigonBank.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới