Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Samsung đầu tư lớn để xây chuỗi cung ứng chip nội địa, tránh phụ thuộc bên ngoài

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Samsung Electronics đang xây dựng mạng lưới các nhà cung ứng nguyên liệu và thiết bị chế tạo chip ngay tại Hàn Quốc bằng cách đầu tư vào ít nhất 9 công ty con. Đây là nỗ lực mới trong chiến lược xây các vùng "đệm hơi" nhằm giảm bớt các cú sốc từ căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế hàng đầu. Đây cũng là một phần trong kế hoạch đầu tư khổng lồ đến 206 tỉ đô la được Samsung Electronics công bố cuối tháng 8 vừa rồi.

Samsung Electronics công bố hôm 24-8 rằng sẽ đầu tư 206 tỉ đô la cho các ngành công nghệ cốt lõi. Ảnh: Reuters

Rót vốn, hỗ trợ kỹ thuật cho 9 hãng công nghệ đột phá

Theo các bản cáo bạch của Samsung và 9 công ty con nộp cho Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, số tiền Samsung đầu tư vào các công ty này đạt giá trị 276,2 tỉ won, khoảng 238 triệu đô la, kể từ mùa hè năm ngoái. Dòng vốn này hoàn toàn tương phản với số đầu tư khá ít ỏi của Samsung đối với nhà cung ứng trước tháng 7-2020.

Cả 9 công ty cỡ trung này đều có thế mạnh riêng. Samsung chiếm tỉ lệ cổ phần ít hơn 10% ở mỗi công ty, phần lớn thông qua các dàn xếp riêng tư để mua cổ phiếu. Nhưng Samsung cam kết hỗ trợ hết mình về vấn đề kỹ thuật cho 9 công ty. Nhiều trong số này dự định sẽ dùng nguồn vốn mới cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D). Tám trong số công ty trên đã niêm yết trên sàn, công ty còn lại là hãng con của  công ty đại chúng.

Đợt mạnh dạn chi đầu tư lần này bắt đầu với Soulbrian – hãng cung cấp hydrogen fluoride (HF) sử dụng trong sản xuất chip – với nguồn vốn 24,9 tỉ won trong tháng 7-2020. Riêng nhà phát triển hệ thống đánh bóng đĩa bán dẫn KCTech nhân được 20,7 tỉ won trong tháng 11 năm ngoái. Rất nhiều trong các sản phẩm của nhóm công ty trên thuộc các lĩnh vực mà các đối tác Nhật Bản đang chiếm tỉ lệ thị phần lớn.

Samsung cũng mua cổ phẩn trong các công ty có công nghệ hay vật liệu công nghệ mũi nhọn hoặc đột phá. Tập đoàn đã đầu tư 43 tỉ won trong tháng 3 rồi vào Fine Semitech, hãng chuyên chế tạo vật liệu bảo vệ cho phim mạng che (photomask). Tương tự là khoản đầu tư 21 tỉ won vào hãng DNF chuyên sản xuất vật liệu công nghệ cao vào tháng 8 rồi. Samsung dự định hợp tác với các công ty này để theo đuổi công nghệ chế tạo chip với mạch nối càng mỏng càng tốt.

“Bẳng cách tăng cường hợp tác diện rộng với các công ty, chúng tôi hướng tới ngành công nghiệp bán dẫn có sức cạnh tranh hơn”, Samsung nói về mục đích đầu tư trong tài liệu nộp Sở chứng khoán Hàn Quốc.

“Chiến lược đầu tư sống còn” cho các ngành công nghệ cốt lõi

Tập đoàn Samsung sẽ đầu tư 240.000 tỉ won, tương đương 206 tỉ đô la, trong vòng ba năm tới để mở rộng hoạt động trong mảng dược sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn và tự động hóa – thông cáo của Samsung Electrics hôm 24-8 viết. Tập đoàn này nói đây là “chiến lược đầu tư sống còn” và vốn sẽ trải đều từ nay đến hết năm 2023, nhằm giúp tập đoàn củng cố vị thế toàn cầu trong những ngành công nghệ cốt lõi như chế tạo chip. Trong khi đó, Samsung sẽ tìm kiếm các cơ hội phát triển mới ở các lĩnh vực như tự động hóa hay công nghệ viễn thông thế hệ mới.

Samsung Electronics đang vượt qua các đối thủ Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ trong sản xuất chip nhớ và màn hình LCD. Ảnh: Samsung Electronics

Samsung Electronics cũng là hãng chế tạo chip nhớ hàng đầu thế giới. Hãng này đang có kế hoạch củng cố công nghệ và vị thế dẫn đầu thị trường thông qua các hoạt động sáp nhập và mua bán công ty. Hãng đã không cung cấp số liệu về khoản đầu tư cho các hoạt động này. Samsung Electronics cũng không nói con số khổng lồ 206 tỉ đô la đã bao gồm khoản đầu tư 17 tỉ đô la mà hãng này nói sẽ đầu tư cho nhà máy chip mới ở Mỹ.

Kế hoạch hiện tại lớn hơn chiến lược Samsung công bố vào năm 2018. Tập đoàn quyết định đầu tư lớn để giữ vững vai trò “cánh chim đầu đàn”, đặc biệt “trong các tình huống khẩn cấp” tại quê nhà hay nước ngoài.

“Công nghiệp chip là vùng đệm an toàn cho nền kinh tế Hàn Quốc… Khoản đầu tư lớn là chiến lược sống còn trong bối cảnh một khi chúng ta mất thế mạnh cạnh tranh, chúng ta không thể nào đảo ngược hay làm lại nữa”, thông cáo của Samsung Electronics

Phòng thủ trước những biến đổi địa chính trị và dịch bệnh

Nikkei Asia cho rằng một trong những lý do tập đoàn Hàn Quốc tăng cường đầu tư là các tranh cãi hay căng thẳng quốc tế đã phủ mây mờ đối với triển vọng của mảng chip thuộc tập đoàn.

Khi Nhật Bản bắt đầu siết chặt các quy định về nguyên liệu chế tạo chip xuất khẩu sang Hàn Quốc vào tháng 7-2019, các doanh nghiệp và chaebol (tập đoàn) của xứ kim chi bắt đầu nhận thức rõ ràng về nguy cơ phụ thuộc vào Nhật Bản.

Tổng thống Moon Jae-in đã đối phó bằng cách thúc đẩy sản xuất nội địa các loại vật liệu, linh kiện và thiết bị chế tạo chip. Trong ngân sách quốc gia năm 2022 công bố hồi tháng rồi, Bộ Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại đã dành 1.680 tỉ won, khoảng 1,45 tỉ đô la, để phát triển công nghiệp. Tỉ lệ này tăng 9% so với ngân sách năm 2021 và Nhà Xanh tuyên bố rằng nhằm mục đích giảm lệ thuộc vào nguồn cung ứng nước ngoài đối với các loại nguyên liệu công nghệ mũi nhọn.

Các nhà cung ứng liên quan đến ngành chip ở Hàn Quốc cũng đang mở rộng sản xuất. Trong 14 nhà cung ứng được eBest Investement & Securities chọn là các công ty được hưởng lợi nhiều từ chính sách ưu tiên cho hàng nội địa “made in South Korea”, 13 công ty ghi nhận mức tăng trưởng doanh số 39% trong nửa đầu năm nay, vượt xa tỉ lệ chung 17% của tất cả các công ty Hàn Quốc.

SK Hynix và các hãng khác cũng có những bước đi tương tự, phát triển các nhà cung ứng nguyên liệu ngay trong nội bộ của tập đoàn.

Các nhà sản xuất Hàn Quốc đã vượt qua các hãng Nhật Bản và dẫn đầu trong lĩnh vực chip nhớ và màn hình LCD. Nhưng các nhà cung ứng vẫn đang trong giai đoạn hình thành khi đề cập đến vật liệu và thiết bị chế tạo đòi hỏi công nghệ phức tạp và mất nhiều năm cho công tác R&D. Hệ quả là một số ngành phụ thuộc một thời gian dài vào các nhà cung ứng nước ngoài.

Samsung vẫn đang so với hãng bán dẫn TSMC của Đài Loan trong các loại bán dẫn có kích thước nhỏ nhưng năng lực cao. Tập đoàn vẫn không thay đổi chính sách trong việc tận dụng các hình thức công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.

Nhưng không thể bỏ qua các nguy cơ chính trị đang gia tăng. Với các hoạt động chế tạo chip ở Trung Quốc, Samsung có thể lâm vào tình thế các nhà máy này bị cắt nguồn cung ứng nguyên liệu và thiết bị do những đối đầu trực diện và kéo dài giữa Bắc Kinh và Washington.

Các nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng nội địa của Samsung không thể một sớm một chiều mà có được. Nhưng quy mô to lớn của tập đoàn khiến chuyển động này vô cùng quan trọng. Sự thay đổi này cũng có tác động đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả các nhà chế tạo của Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ có các hợp đồng lớn với các chaebol Hàn Quốc. Nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng chip toàn cầu bị đứt đoạn, khiến các hãng điện tử dân dụng và xe hơi điêu đứng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới