Thứ sáu, 1/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Samsung “đốt nóng” thị trường smartphone bình dân ở Ấn Độ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Samsung “đốt nóng” thị trường smartphone bình dân ở Ấn Độ

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Sau khi đánh mất thị phần tại thị trường Trung Quốc, hãng điện tử Samsung nhắm đến Ấn Độ để đẩy lùi các thế “thượng phong” của các thương hiệu Trung Quốc ở phân khúc smartphone bình dân, theo tờ The Wall Street Journal.

“Chiến trường” trọng điểm

Samsung “đốt nóng” thị trường smartphone bình dân ở Ấn Độ
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau khi hai nhà lãnh đạo cắt băng khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới ở Noida, ngoại ô New Delhi hồi tháng 7. Ảnh: NTD India

Hồi tháng 7, Samsung đã khai trương nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới tại Ấn Độ trong một nỗ lực khai thác khu vực tăng trưởng tiếp theo của ngành điện thoại di động: smartphone bình dân.

Samsung đã phát động cuộc chiến dài cả thập kỷ với Apple để giành giật những khách hàng giàu có. Giờ đây, hãng điện tử khổng lồ của Hàn Quốc nhắm đến mục tiêu đẩy lùi các thương hiệu Trung Quốc để chiếm lĩnh thị trường smarphone bình dân, có quy mô lớn gấp đôi so với thị trường smartphone cao cấp.

Ấn Độ là “chiến trường” trọng điểm trong cuộc chiến này vì có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và cơ cấu nhân khẩu học của quốc gia đông dân thứ hai thế giới ủng hộ cho đà tăng trưởng cao trong nhiều năm tới.

Chỉ có phân nửa dân số toàn cầu sở hữu smartphone và con số này được dự báo sẽ tăng lên 77% vào năm 2025, tức sẽ có thêm gần hai tỉ người dùng smartphone mới trong 7 năm tới, theo tổ chức nghiên cứu thị trường di động GSMA Intelligence.

“Đây là nơi thích hợp để đặt trung tâm sản xuất điện thoại di động cho thế giới”, H.C. Hong, Giám đốc điều hành Samsung India nói về nhà máy mới của Samsung ở ngoại ô New Delhi. Nhà máy này có công suất lên đến 120 triệu điện thoại di động mỗi năm và 30% trong số này sẽ được xuất khẩu.

Các lãnh đạo mảng di động của Samsung tin tưởng, Ấn Độ là thị trường then chốt để quyết định thành bại của Samsung ở các thị trường mới nổi khác. Do vậy, Samsung nhận thấy cần phải thiết lập vị thế ở Ấn Độ để chứng tỏ rằng, các dòng điện thoại của hãng này có thể đẩy lùi các sản phẩm giá rẻ hơn của Trung Quốc được sản xuất bởi các hãng như Xiaomi, Oppo và Huawei.

Hồi đầu tháng 9, Samsung đã hạ giá một loạt dòng smartphone phân khúc phổ thông Galaxy A-series và Galaxy J-series ở thị trường Ấn Độ. Giá chiếc Galaxy J8 được giảm về mức giá 17.990 rupee (250 đô la), trong khi đó, giá của Galaxy J2, Galaxy J4 chỉ còn lần lượt 5.990 rupee (83 đô la) và 9.990 rupee (140 đô la).

Ngoài ra, Samsung cũng giảm giá Galaxy A6 ở hai phiên bản bộ nhớ trong 32GB và 64GB lần lượt về mức 15.490 rupee (216 đô la) và 16.990 rupee (236 đô la) so với mức giá ban đầu là 21.990 rupee và 22.990 rupee.

Lợi thế giá rẻ của smartphone Trung Quốc

Theo hãng nghiên cứu thị trường TrendForce, các thương hiệu Trung Quốc chiếm đa số thị phần smartphone toàn cầu lần đầu tiên vào năm ngoái. Các hãng điện thoại di động Trung Quốc bán các smarphone giá rẻ hơn so với Samsung nhưng cung cấp các tính năng tương đương hoặc tốt hơn.

Ấn Độ đang trên đường vượt Mỹ vào năm sau để trở thành thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Hiện nay, chỉ 22% dân Ấn Độ sở hữu smartphone.

Hãng Xiaomi, đứng đầu về doanh số tại Ấn Độ, sản xuất điện thoại di động ở bốn nhà máy ở Ấn Độ với khoảng 10.000 công nhân. Xiaomi đang cố gắng thuyết phục các nhà cung cấp linh kiện cho hãng này đến đặt cơ sở sản xuất ở Ấn Độ. Hãng Vivo của Trung Quốc đã chi hơn 300 triệu đô để tài trợ cho Giải vô địch bóng gậy nhà nghề Ấn Độ trong một hợp đồng kéo dài đến năm 2022. Trong khi đó, hãng Oppo sản xuất khoảng 15 triệu điện thoại di động mỗi năm ở một nhà máy gần New Delhi.

“Chúng tôi xem Ấn Độ là một thị trường smartphone năng động, đang tạo ra sức hút liên tục”, Will Yang, Giám đốc thương hiệu của công ty Oppo India, công ty con của Oppo, nói.

Sarita, một đầu bếp 36 tuổi ở New Delhi, là một trong những khách hàng mới nhất của Oppo. Cô mua chiếc smartphone Oppo cách đây hai tháng để thay thế cho chiếc điện thoại cơ bản thương hiệu Samsung mà cô sử dụng nhiều năm qua. Với chiếc smarphone mới, cô có thể xem công thức món ăn trên YouTube và chat bằng video với gia đình. Khi đã quen sử dụng chiếc smartphone Oppo được trang bị màn hình và camera tốt hơn, cô cảm thấy các bức ảnh selfie và bức ảnh món ăn chụp bằng chiếc điện thoại cũ của cô có chất lượng kém hẳn.

“Trên mọi phương diện, chiếc điện thoại mới của tôi đều tốt hơn chiếc cũ”, cô nói. Không có ai trong số bạn bè và người nhà của cô sở hữu iPhone hoặc thậm chí cân nhắc mua nó vì giá khởi điểm quá cao. Chiếc điện thoại Oppo mà cô mới mua chỉ có giá 170 đô trong khi đó, một chiếc iPhone đời cũ thường có giá cao gấp đôi. Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint, iPhone chỉ chiếm khoảng 1% thị phần điện thoại di động của Ấn Độ trong quí 2, 2018.

Samsung dồn sức vào Ấn Độ

Lắp ráp điện thoại di động tại Ấn Độ sẽ giúp Samsung giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Haribhoomi

Samsung chi khoảng 700 triệu đô la Mỹ để xây dựng nhà máy sản xuất smartphone ở gần New Delhi. Đích thân Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong, người thừa kế của tập đoàn Samsung, đã bay sang Ấn Độ hồi tháng 7 để dự lễ cắt băng khánh thành nhà máy này với sự hiện diện của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

H.C. Hong, Giám đốc điều hành Samsung India, cho biết, các điện thoại di động của Samsung được lắp ráp tại nhà máy này sẽ hoàn toàn sử dụng linh kiện được sản xuất tại Ấn Độ, chứ không giống như các đối thủ Trung Quốc thường phải nhập một số linh kiện từ nước ngoài vào Ấn Độ để lắp ráp điện thoại của họ. Vì lý do đó,  Thủ tướng Modi chọn một chiếc smartphone thương hiệu Galaxy của Samsung để sử dụng.

Để nâng cao sản lượng ở Ấn Độ, Samsung sẽ rút dần hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc, theo giới phân tích nhận định. Hồi đầu tháng 8, hãng tin Reuters đưa tin, Samsung sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất smartphone của hãng này tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc vào cuối năm nay do doanh số smartphone của Samsung ở Trung Quốc quá yếu. Đây là một trong hai nhà máy sản xuất smartphone của Samsung tại Trung Quốc.

Ấn Độ chỉ là một ví dụ của cuộc cạnh tranh ở phân khúc smartphone bình dân đang diễn ra nhiều thị trường trên thế giới. Theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys, trong nửa đầu năm nay, doanh số smartphone bình dân giá dưới 200 đô la trên toàn cầu cao gấp đôi so với doanh số smartphone phân khúc cấp cao từ 500 đô la trở lên. Năm 2013, doanh số cả hai phân khúc này bằng nhau.

“Thị trường smartphone toàn cầu đã đạt đỉnh nhưng tại các thị trường mới nổi, sức tiêu thụ smartphone vẫn đang tăng. Cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh tỉ người dùng smartphone bình dân tiếp theo quan trọng hơn thị trường smartphone cao cấp”, Tarun Pathak, nhà phân tích ở hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint, nhận định.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới