Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Samsung và “ẩn số” động lực tăng trưởng đối với nền kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Samsung và “ẩn số” động lực tăng trưởng đối với nền kinh tế

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Trong một báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại 9 tháng đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã dùng những con số để thể hiện sự ảnh hưởng của Samsung đối với nền kinh tế, bao gồm từ sản xuất công nghiệp đến xuất khẩu và nhận định rằng, động lực tăng trưởng từ phía Samsung còn là một ẩn số.

Vai trò "bá chủ" công nghiệp chế biến ở Việt Nam

Động lực tăng trưởng từ phía Samsung đối với nền kinh tế vẫn còn là một "ẩn số", hay nói khác đi, cơ quan quản lý rất khó dự đoán được, do "đầu tàu” xuất khẩu của Samsung trồi sụt thế nào thì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam như thế. Sự trồi sụt này là do ”doanh số bán hàng từ Samsung toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng tích cực trở lại”, như báo cáo nhận định.

Samsung và
Động lực tăng trưởng từ phía Samsung đối với nền kinh tế vẫn còn là một "ẩn số". Ảnh minh họa là một buổi cho ra mắt điệnt hoại thông minh mới của hãng tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Bộ Công Thương dẫn báo cáo kinh tế toàn cầu quí 3-2019 của Ngân hàng Standard Chartered cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á (ASEAN) trong ngắn hạn, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 6,9% trong năm 2019, trong đó lĩnh vực sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính.

Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này tuy tăng dần đều qua từng tháng nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017-2018 (lần lượt là 20,6% và 15,8%), với một phần nguyên nhân là do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại toàn cầu diễn biến quá phức tạp.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung, ước đạt 163,66 tỉ đô la (tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước). Đáng chú ý là kim ngạch của nhóm này chiếm 84,23% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn 2017 và 2018.

Đây là những tín hiệu lẽ ra đáng mừng song một số ngành vốn tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu như sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học, đặc biệt là điện thoại di động, lại không duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn trước. Trong khi động lực tăng trưởng từ Samsung – cánh chim đầu đàn trong khối FDI – lại đang là một ẩn số đối với cơ quan quản lý, do doanh số bán hàng toàn cầu của Samsung sụt giảm và chưa tăng trưởng trở lại.

Thông tin chính thức về tình hình tài chính được Samsung Việt Nam công bố trên trang web của mình, dẫn nguồn từ Báo cáo tài chính của tập đoàn mẹ tại Hàn Quốc, cho biết, doanh thu 3 quý đầu năm 2019 đạt 51-53 tỉ đô la và lợi nhuận hoạt động đạt 6,4-6,6 tỉ đô la. Không có Báo cáo tài chính riêng cho thị trường Việt Nam, nơi đặt cứ điểm sản xuất lớn nhất của Samsung toàn cầu, với quy mô lớn hơn các nhà máy tại Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động thông minh.

Hồi cuối năm 2018, tại một cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Shim Wohwan cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Samsung năm 2018 ước đạt 60 tỉ đô la, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ước tính của các nhà phân tích tài chính quốc tế thì con số này trong thực tế có thể lớn hơn. Như năm 2018, doanh thu của Samsung Việt nam vào khoảng 65 tỉ đô la, tương đương 28% GDP của Việt Nam, chiếm khoảng 30% doanh thu của Samsung trên toàn cầu. Do đó, việc tăng hay giảm lợi nhuận của Samsung tại Việt Nam ảnh hưởng rất lớn đến tập đoàn Samsung nói riêng và hoạt động kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam nói chung. Việc sụt giảm lợi nhuận của Samsung năm 2018 so với các năm trước đó tại các cơ sở sản xuất ở Bắc Ninh và TPHCM còn ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng thu ngân sách của các địa phương này.

Còn theo Báo cáo của chuyên gia kinh tế Marc Djandji, Trưởng bộ phận khách hàng doanh nghiệp công ty chứng khoán Rồng Việt, vào cuối 2018 thì ngành sản xuất điện thoại di động và công nghiệp điện tử là phần rất quan trọng trong lĩnh vực chế biến và sản xuất, chiếm 18,8% GDP của Việt Nam và thường hàng năm có tốc độ tăng trưởng trên 10%. Chỉ cần nhìn vào quí 1-2017, khi Samsung Galaxy Note 7 gặp sự cố, sụt giảm doanh số bán hàng thì tăng trưởng GDP quý đó chỉ đạt 5,1%. Báo cáo kinh tế vĩ mô cũng tại thời điểm quí 1-2017 của Bộ Công Thương và Chính phủ cũng phải thừa nhận điều này.

Note 10 và sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam

Sự tác động của Samsung đối với kinh tế Việt Nam hiện tại như thế nào? Vào quí đầu năm nay, khi Samsung Galaxy Note 10 chưa chính thức được bán ra thị trường thì tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu của nhóm hàng linh kiện, điện tử bị ảnh hưởng mạnh. Ngành sản xuất các sản phẩm này chỉ bắt đầu phục hồi từ giữa quí 2 và đang lấy lại đà tăng trưởng. Tính riêng trong tháng 8 và tháng 9, tăng trưởng IPP của ngành đạt 20,1% và 14,6% so với tháng trước, báo hiệu dấu hiệu phục hồi dần sau khi liên tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ của năm trước trong 6 tháng đầu năm.

"Nguyên nhân chủ yếu là do hãng điện thoại Samsung cho ra mắt dòng sản phẩm điện thoại cao cấp Galaxy Note 10 và đẩy mạnh để xuất khẩu”, Bộ Công Thương nhận định.

Tính riêng 9 tháng đầu năm, 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt trên 10 tỉ đô la đều thuộc về nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo thì xuất khẩu điện thoại, mà chủ yếu là Samsung đạt 38,6 tỉ đô la, chiếm 23,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này. Sự tăng trưởng mức thấp của nhóm ngành điện thoại, linh kiện kéo theo tăng trưởng xuất khẩu chung thấp hơn cùng kỳ những năm trước. Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực khác, do đó, có tăng trưởng cao cũng không bù đắp được khoảng trống này.

Việc ngày càng ít phụ thuộc hơn vào tình hình “sức khỏe” của khối doanh nghiệp FDI, nhất là khối doanh nghiệp FDI lớn để thoát ra khỏi sự “chi phối” rất mạnh của khối này đến nền sản xuất, xuất khẩu và rộng ra cả kinh tế vĩ mô, tài chính là mong muốn của Chính phủ, Tuy nhiên, với một thực tế có ảnh hưởng lớn như trường hợp Samsung đối với hoạt động xuất khẩu kể trên, hay Thaibev với Sabeco và việc thay đổi dòng vốn nước ngoài…thì khả năng cân bằng giữa tiềm lực của doanh nghiệp nội với doanh nghiệp ngoại trong nhiều năm nữa vẫn là ẩn số.

Mời xem thêm:

Doanh nghiệp thay đổi tỉ lệ sở hữu nước ngoài: Những tác động không trên giấy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới